Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chia sẻ cảm xúc trải nghiệm xe đạp công cộng

16/12/2021 11:36 GMT+7

Sáng nay (16.12), TP.HCM chính thức khai trương thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm.

Buổi lễ khai trương được tổ chức tại trạm cho thuê xe trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) - 1 trong 43 vị trí đã được thành phố bàn giao cho nhà đầu tư lập trạm đậu phục vụ thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm.

Hệ thống xe đạp công cộng chính thức thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM

hà mai

Sẽ có làn riêng cho xe đạp

Là 1 trong những người đầu tiên trải nghiệm dịch vụ này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM xúc động chia sẻ: "Cảm giác chắc chắn là rất khác so với đi xe máy, ô tô hay xe buýt. Vừa đạp xe, vừa hát, vừa cảm nhận không khí, cảm nhận vẻ đẹp của thành phố khiến tôi cảm thấy tự hào khi mình là công dân được sống ở TP.HCM".

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đạp xe, TP.HCM chính thức có xe đạp công cộng

Theo ông Lâm, giao thông công cộng là 1 trong những lĩnh vực được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Đây là lĩnh vực bắt buộc phải phát triển, là giải pháp giảm ùn tắc, đảm bảo cho TP.HCM phát triển bền vững và đạt mục tiêu trở thành thành phố văn minh hiện đại. Xe đạp công cộng ra đời trong thời điểm rất thích hợp, đón đầu nhu cầu du lịch khi Chính phủ vừa "chốt" phương án mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Đồng thời, chuẩn bị kết nối hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống metro trong tương lai.

Lãnh đạo ngành GTVT TP.HCM trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng

hà mai

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư) cho biết sau khi trạm đầu tiên được kích hoạt thử nghiệm miễn phí trong 3 ngày từ 4 - 6.12, rất nhiều người dân TP đã hào hứng tham gia chạy thử.

Trong đó, có những người đã chạy vòng quanh khu vực trung tâm tới gần 10 km. Tính tổng 3 ngày, hệ thống ghi nhận tới gần 1.000 tài khoản đăng ký mới với 320 người thuê. Chuyến đi dài nhất kéo dài tới 15,2 km.

“Sự đón nhận ban đầu của người dân đối với loại hình giao thông công cộng hoàn toàn mới này là rất khả quan, vượt cả kỳ vọng của doanh nghiệp. Có thể một phần do xe được thiết kế thoải mái, hình ảnh hiện đại, văn minh nên mọi người thuê xe thấy đang đi trên phương tiện “hot trend”, có thẩm mỹ chứ không phải một phương tiện bị đánh giá thấp. Sau buổi lễ ngày hôm nay, TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai loại hình giao thông công cộng văn minh này”, ông Đỗ Bá Dân vui mừng thông tin.

Trước Tết Nguyên đán này, Sở GTVT cũng sẽ khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên, đồng hành cùng xe đạp công cộng, hệ thống xe buýt hiện hữu, hình thành mạng lưới giao thông thông minh đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn nhất, với chi phí rẻ nhất.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm: Đơn vị này đang nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên, làn đường dành riêng cho xe đạp để tạo điều kiện hạ tầng thuận lợi nhất cho dịch vụ giao thông xanh, sạch, văn minh này.

Hệ thống xe đạp công cộng là một trong những loại hình giao thông công cộng mà TP.HCM đang muốn đẩy mạnh để giải quyết “vấn nạn” ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường

hà mai

Khuyến mãi nhân đôi tài khoản trong giai đoạn thí điểm

Theo ông Đỗ Bá Dân, trong giai đoạn thí điểm, Tập đoàn Trí Nam sẽ đầu tư 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3). Thời gian thí điểm 12 tháng, kể từ ngày Công ty Trí Nam đưa xe vào hoạt động thí điểm và được miễn tiền thuê đất để bố trí đậu xe; sau đó tổng kết, tính toán đầu tư mở rộng nếu UBND TP.HCM chấp thuận.

Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động. Xe đạp sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để bảo vệ môi trường.

Xe đạp công cộng sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để bảo vệ môi trường

hà mai

Để sử dụng dịch vụ này, người dân tải về miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút... Trao đổi thêm với Thanh Niên, ông Đỗ Bá Dân thông tin hệ thống xe đạp công cộng mới đã khắc phục rất nhiều bất cập của mô hình thí điểm trước tại khu vực Đại học Quốc gia. Theo đó, thay vì dùng thẻ, người dân dùng ứng dụng quét code mở khóa xe sử dụng.

Nếu người dùng thuê xe không trả đúng địa chỉ thì sẽ vẫn tiếp tục tính tiền. Khi mở khóa, hệ thống tính bắt đầu chuyến đi. Khi về trạm bất kỳ, người thuê trả xe thì chuyến đi mới kết thúc, nếu không vẫn bị trừ tiền. Bên cạnh đó, mỗi xe đạp đều gắn GPS, giúp kiểm soát vị trí xe và sẽ có những cảnh báo gửi lên ứng dụng.

“Ngoài ra, chúng tôi duy trì đội ngũ vận hành, đội phản ứng nhanh. Khi xe có bất cứ vấn đề gì, có thể thông tin qua hệ thống để tới tận nơi xử lý sự cố. Tình trạng trộm cắp hoặc phá hoại xe thì tôi nghĩ không nhiều và dần dần sẽ đi vào ổn định. Chúng tôi cũng đã có kịch bản xử lý. Quan trọng nhất là nhiều người đi. Làm sao để đưa đến dịch vụ mới, góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh cho người dân”, chủ đầu tư hệ thống Mobike chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.