Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM: Luật Đất đai 2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc

03/01/2025 05:00 GMT+7

Theo Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, luật Đất đai năm 2024 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn tại lâu nay trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

Nhận định trên được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM trao đổi với Thanh Niên về kết quả triển khai các luật mới trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trọng tâm là luật Đất đai năm 2024.

* Xin ông chia sẻ về kết quả triển khai các luật mới trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường?

Thứ nhất, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, luật Tài nguyên nước năm 2023 đã đặt ra những yêu cầu mới về việc sử dụng, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước một cách bền vững. Sở TN-MT đã tăng cường công tác kiểm soát nguồn nước, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước chặt chẽ, đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động xả thải vào nguồn nước.

Thứ hai, luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 cũng là một bước tiến quan trọng trong quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản. Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM: Luật Đất đai 2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Thứ ba, năm 2024 là dấu mốc quan trọng khi luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn. Luật này đã tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn tại lâu nay trong công tác quản lý đất đai, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng hơn cho việc thực hiện các chính sách về đất đai.

Trên địa bàn TP.HCM, Sở TN-MT triển khai đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội nghị để cán bộ, công chức, viên chức và người dân nắm bắt kịp thời những nội dung cốt lõi của luật này.

Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan đến định giá đất tiệm cận giá thị trường, cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Những nội dung này đã góp phần tạo sự minh bạch, công khai và đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.

* Trong quá trình triển khai các luật mới, ông nhận thấy những thuận lợi và khó khăn nào?

Thuận lợi lớn nhất là hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, đặc biệt với sự ra đời của 3 luật nêu trên tạo nền tảng vững chắc, rõ ràng và phù hợp với tình hình thực tiễn. Sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP.HCM, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành đã giúp việc triển khai luật đạt hiệu quả cao.

Đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày càng được nâng cao về năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng đối diện với không ít khó khăn. Một số quy định mới cần thời gian để đi vào thực tiễn và tạo sự đồng thuận. Cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản tuy có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn chưa đồng bộ và hoàn thiện, gây khó khăn trong công tác quản lý, tra cứu và sử dụng thông tin.

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường cũng cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Ngoài ra, nguồn nhân lực trong ngành vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

Quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét

* Trong thời gian tới, Sở TN-MT TP.HCM sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để khắc phục những khó khăn trên, thưa ông?

Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả các quy định của luật Đất đai 2024, luật Tài nguyên nước 2023 và luật Địa chất và khoáng sản 2024.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản.

Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM: Luật Đất đai 2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc- Ảnh 2.

Luật Đất đai 2024 góp phần giúp TP.HCM đẩy nhanh tiến độ bồi thường các dự án đầu tư công

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Thứ tư, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thông qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cuối cùng, với tinh thần trách nhiệm cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cùng sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, Sở TN-MT TP.HCM quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo ra những chuyển biến rõ nét, thực chất trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường của thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.