Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng Phạm Tấn Xử: 'Không làm được, tôi chịu trách nhiệm'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
14/07/2022 11:17 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP. Đà Nẵng , khi đề cập những vấn đề liên quan đến công tác quản lý ngành tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10 diễn ra sáng nay 14.7.

Nhức nhối nạn dán quảng cáo, rao vặt

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Dũng (Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng) cho biết hiện nay việc quảng cáo, rao vặt sai quy định đã tái diễn. Các trụ điện, trạm biến áp, đèn tín hiệu… ở các ngã tư, trên các tuyến phố chính cho đến các kiệt, hẻm chằng chịt các loại giấy dán quảng cáo, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng hình ảnh TP trong mắt du khách.

Bên cạnh đó, tín dụng đen cũng lợi dụng quảng cáo này nhắm đến cho vay nặng lãi. Thực tế, thời gian qua, vấn đề này đã diễn ra tại TP gây mất an ninh trật tự dẫn đến việc đòi nợ thuê, làm mất uy tín nhân phẩm của người đi vay.

"Thời gian qua, ngành đã xử lý bao nhiêu vi phạm? Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho TP chủ trương, giải pháp gì để giải quyết dứt điểm, để trả lại cảnh quan cho đô thị?", đại biểu Dũng đặt câu hỏi.

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho rằng mặc dù công tác quản lý chặt chẽ nhưng quảng cáo, rao vặt vẫn xảy ra, gây mất mỹ quan, trật tự xã hội. Người vi phạm tìm cách thực hiện hành vi (dán quảng cáo) vào những lúc không có lực lượng tuần tra.

Thành đoàn Đà Nẵng thường xuyên ra quân xóa quảng cáo, rao vặt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn

thành đoàn đà nẵng

Theo ông Xử, 6 tháng đầu năm 2022 và trong năm 2021, Sở đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra và xử lý 41 trường hợp vi phạm, phạt 209 triệu đồng. Bên cạnh đó, các quận, huyện và đoàn thanh niên... cũng đã ra quân xóa rao vặt. Sở TT-TT đã cắt 21 số điện thoại quảng cáo, rao vặt.

"Năm 2015, UBND TP đã có Quyết định 8394 quy định chặt chẽ sự phối hợp với các ngành, quận huyện… Chúng tôi tiếp tục tăng cường quản lý quảng cáo. Nếu sắp đến, chúng ta tiếp tục thực hiện và Sở sẽ tham mưu chặt chẽ và có trách nhiệm chỗ này thì quảng cáo, rao vặt sẽ được hạn chế", ông Xử nói.

Sau trả lời của ông Phạm Tấn Xử, đại biểu Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng "giải pháp chưa thuyết phục".

Bởi từ cuối năm 2014, TP đã triển khai năm văn hóa, văn minh đô thị. 7 năm đã ra quân xử lý vấn nạn, tuy nhiên giải pháp chưa thuyết phục. "Tôi đề nghị Sở phải có kế hoạch cụ thể… Vừa qua, TP xử phạt 21 trường hợp số điện thoại vi phạm là con số ít", đại biểu Dũng nói.

Đoàn thanh niên không phải lập ra để... đi xóa rao vặt

Đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, nhận định tình trạng tái diễn rao vặt sau dịch "rất nhức mắt". Vấn đề này cần có giải pháp bởi những giải pháp lâu nay chưa hiệu quả cao.

Ông Tuấn cho rằng, xóa quảng cáo, rao vặt cần phải được xử lý quyết liệt. Đà Nẵng có đủ điều kiện nói không với rao vặt. Ngoài giải pháp tuyên truyền thì cần phải có quy định ai là người tổ chức rà soát, thu thập chứng cứ để xử phạt, ai thu thập số điện thoại để áp dụng cắt thuê bao...

Đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng ngành văn hóa cần có giải pháp cụ thể để ngăn chặn nạn dán rao vặt, quảng cáo

hoàng sơn

"Chúng ta nên xây dựng quy trình rõ ràng, cần có quy định hết sức cụ thể phân công trách nhiệm, thời hạn bao lâu… Chứ 6 tháng đi thống kê số điện thoại 1 lần thì chỉ cắt 21 số điện thoại thì đúng rồi… Với công nghệ 4.0 thì nhu cầu người dân không cần xem số điện thoại trên trụ điện mà cần tạo sân để người dân truy cập", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Tấn Xử dẫn một số nội dung liên quan đến Quyết định 8394 quy định các đơn vị có trách nhiệm xử lý rao vặt. Ông Xử đề nghị các doanh nghiệp xây dựng hệ thống rao vặt trên nền tảng số để văn minh hơn.

Trao đổi thêm về nội dung này, đại biểu Tuấn có góc nhìn khác.

"Quyết định anh Xử nêu ra là quyết định ở góc độ giao nhiệm vụ. Mà để thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta nên có hành lang pháp lý để các đơn vị thực hiện. Cần quy định thời gian bao nhiêu, quy định trình tự thủ tục thế nào. Thứ nhất là có hành lang pháp lý để anh em làm, sau khi làm không tốt thì có cái để nói chuyện với nhau… Ở góc độ pháp chế, tôi đề nghị nên như thế để xử lý…", ông Tuấn nhấn mạnh.

Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng các giải pháp đặt ra mà thực chất thì vẫn tái diễn nạn quảng cáo, rao vặt là vì nhu cầu có thật. Tuy nhiên, giải pháp chưa thực sự phù hợp, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân.

Việc rao vặt không có gì sai, nhưng vấn đề là tổ chức không đúng quy định.

Ông Triết cho rằng, đây là câu chuyện mà Sở VH-TT cần nghiên cứu thấu đáo. Ông thống nhất với quan điểm của đại biểu Lương Công Tuấn là phải có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Hình thức, cách thức ngoài việc theo Quyết định 8394 thì phải cụ thể hơn về chế tài, tăng cường xử phạt và trách nhiệm cụ thể thế nào.

"Đoàn thanh niên cứ mấy ngày lại đi xóa rao vặt trụ điện. Đoàn thanh niên lập ra không phải làm việc đó! Không phải huy động lực lượng thanh niên để làm những việc như vậy. Đó không phải là chức năng giáo dục của thanh niên mà đó là người ta tham gia một cách tự nguyện. Không được xem đó là một lực lượng bắt buộc để thực hiện nhiệm vụ như thế. Phải làm cho đúng, kể cả lực lượng đoàn thể ở khu dân cư cũng như thế. Chứ không phải sử dụng lực lượng như vậy vào câu chuyện quản lý nhà nước", ông Triết nói.

Ông Phạm Tấn Xử cho biết sẽ chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề hạn chế với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa

hoàng sơn

Đề cập đến những vấn đề chất vấn, trong đó có việc xóa rao vặt, quảng cáo, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho rằng "không phải Sở VH-TT độc lập tác chiến được" và mong các địa phương, các ngành liên quan phải hết sức trách nhiệm.

"Chức năng của sở là quản lý ngành. Quản lý địa phương là các quận, huyện. Những việc các đồng chí đưa ra đây, tôi xin hứa với tư cách là tư lệnh ngành, không làm được tôi chịu trách nhiệm", người đứng đầu ngành văn hóa Đà Nẵng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.