Hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh đã được Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 23.10.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế cho biết, hiện có 100% bệnh viện tuyến T.Ư, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Các phần mềm này có thể phục vụ công tác giám định và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế), ứng dụng CNTT trong bệnh viện giúp cải cách hành chính hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi khám cho người bệnh trung bình từ 6 tiếng xuống còn 4 tiếng; chữ ký thủ tục trong bệnh viện cũng giảm từ 6 - 7 xuống còn 3 - 4; mỗi năm tiết kiệm được triệu ngày công nhờ tiết kiệm thời gian cho hàng triệu lượt bệnh nhân khám và người nhà.
tin liên quan
Sẽ tuyển giám đốc bệnh viện như tuyển CEOBệnh viện công sẽ đổi mới phương thức bổ nhiệm vị trí giám đốc Bệnh viện theo hướng thuê giám đốc Bệnh viện như một CEO.
Các bệnh viện: Bạch Mai, Hữu Nghị Việt Đức, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong khám, chữa bệnh cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm cả một số bệnh viện ở miền núi như Điện Biên, Hà Giang, Đắk Lắk..., nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh viện tuyến dưới trong cấp cứu điều trị ca bệnh nặng.
Tuy nhiên, ông Tường cũng chia sẻ, các phần mềm này vẫn chưa có khả năng kết nối, liên thông và trao đổi thông tin với nhau.
Để giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế đang hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh với việc xây dựng hệ thống trao đổi bệnh án điện tử, hình thành một số hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa...; Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 ứng dụng CNTT để kết nối các bệnh viện hạt nhân tuyến trên với các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới, phục vụ cho việc trao đổi thông tin, đào tạo, hội chẩn và tư vấn chuyên môn, mỗi năm ước tiết kiệm hàng triệu giờ lao động và hàng tỉ đồng nhờ cắt giảm chi phí đi lại.
Bình luận (0)