Chuyện gián điệp công nghệ quân sự không phải là chỉ mới đây. Vào những thập niên 1950 - 1970 là thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh lạnh giữa khối XHCN và khối Tư bản, trình độ công nghệ quốc phòng của Mỹ và Liên Xô là so kè nhau, bên nào cũng có một vài lĩnh vực nhỉnh hơn bên kia và ngược lại. Do đó, giới quân sự Mỹ và Liên Xô đã tìm mọi cách để đánh cắp bí mật quốc phòng của nhau.
Vào thời chưa có internet thì ngành tình báo chỉ có thể thu thập thông tin bằng nghe trộm điện thoại, liên lạc vô tuyến, phân tích không ảnh. Công tác gián điệp chủ yếu sử dụng tình báo con người HUMINT (Human Intelligence) như cài cắm nhân sự vào các căn cứ quân sự, viện nghiên cứu để thu thập thông tin, chụp trộm tài liệu bằng máy ảnh mini, thư từ liên lạc và chuyển giao hồ sơ bằng đường bưu điện hoặc các “hòm thư chết” rất thô sơ. Công tác phản gián thời đó cũng chẳng hơn gì: theo dõi đối tượng bằng cách dùng người “bám đuôi”, nghe trộm điện thoại chỉ có cách duy nhất là câu móc vào đường dây liên lạc hoặc lén gắn “bọ” vào nơi đối phương đang cư ngụ. Nói chung là để thu thập thông tin trung thực và có độ chính xác cao thì phải đến tận nơi tận chỗ, phải chụp hình từng trang tài liệu, chứ không thể ngồi nhà mà “hack” vào máy chủ của đối phương ở xa nửa vòng Trái đất như hiện nay.
|
Tuy thô sơ như thế, nhưng đã có những vụ gián điệp công nghệ quân sự có tầm quan trọng chiến lược. Sau Thế chiến hai, Mỹ là nước duy nhất làm chủ được công nghệ chế tạo bom hạch nhân. Liên Xô cũng quyết tâm sở hữu bằng được loại vũ khí khủng khiếp này nên ngầm tổ chức nhiều mạng lưới gián điệp ở Mỹ, tìm mọi cách để lấy được những thông tin tuyệt mật của chương trình hạch nhân Mahattan của Mỹ. Và, họ đã thành công, đến chừng người Mỹ phát hiện ra thì đã muộn. Chỉ 4 năm sau, vào tháng 8.1949, Liên Xô cho nổ thành công quả bom hạch nhân đầu tiên của họ. Nước Mỹ đã đánh mất vị thế độc tôn về vũ khí nguyên tử.
|
Đôi khi việc thất thoát công nghệ lại đến từ những chuyện hết sức ngẫu nhiên và có phần may mắn. Mùa hè năm 1958 xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan. Phía Trung Quốc pháo kích vào các đảo Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan, và nhiều lần cử máy bay chiến đấu MiG-15 và Mig-17 (do Liên Xô viện trợ) tấn công các đảo này. Phía Đài Loan cũng cho chiến cơ F-86F Saber (do Mỹ viện trợ) lên nghênh cản. Đã xảy ra những trận không chiến giữa đôi bên, dù hai loại chiến đấu cơ này tương đương nhau về tính năng kỹ thuật, nhưng MiG-17 chiếm ưu thế vì có trần bay cao hơn F-86F đến những 1,5 km. Để khắc phục, người Mỹ trang bị cho 20 chiếc F-86F loại tên lửa không-đối-không tuyệt mật của Mỹ vừa đưa vào sản xuất là AIM-9 Sidewinder. Ngày 24.9.1958, Trung Quốc lại đưa MiG-15 và MiG-17 đến vùng tranh chấp. Với tầm bắn xa đến 3 km của tên lửa Siderwinder, F-86F có thể từ cao độ thấp hơn bắn lên các chiếc MiG bay phía trên, hạ được 9 chiếc MiG, phía Trung Quốc phải rút lui.
Dù phía Đài Loan thắng trận nhưng người Mỹ bị mất bí mật quân sự về loại vũ khí mới này. Nguyên do là một quả Siderwinder đã bắn trúng một chiếc MiG-17, tên lửa găm vào thân máy bay nhưng không nổ, nên chiếc MiG vẫn bay được về đến phi trường nhà. Đây là món quà "trời cho" vì quả tên lửa còn nguyên vẹn, phía Trung Quốc lập tức cho tháo gỡ ra và chuyển ngay cho Liên Xô. Thời điểm này công nghệ tên lửa không-đối-không của Liên Xô đi sau người Mỹ khá xa nên phía Liên Xô dùng kỹ thuật “đảo ngược công nghệ” (reverse engineering) để sao chép và đưa vào sản xuất loại tên lửa “copy” này với ký hiệu R-3 (khối NATO gọi là AA-2 Atoll).
|
Nhờ vậy, trong thập niên 1960, Liên Xô đã thu lợi rất lớn nhờ xuất khẩu tên lửa R-3 cho 20 nước trên thế giới. Nhưng sự tiến bộ công nghệ đã làm cho AIM-9 Sidewinder sớm trở nên lỗi thời, người Mỹ lại nghiên cứu chế tạo thế hệ AIM-9 mới hơn. Dĩ nhiên người Nga cũng rất muốn “tham khảo” sản phẩm mới này. Ngày 22.10.1967, một người Đức tên Manfred Ramminger, vốn là gián điệp của cơ quan tình báo KGB (Liên Xô) phối hợp cùng một phi công lái phản lực chiến đấu của không quân Đức tên Wolf-Diethard Knoppe để đánh cắp một quả AIM-9 ngay tại căn cứ Không quân Neuburg ở bang Bavaria, Tây Đức.
Cuộc đánh cắp thành công, Ramminger dùng ô tô chở quả tên lửa về nhà riêng, tháo rời ra và đóng thùng gởi bằng đường bưu kiện hàng không đến một địa chỉ ở Moscow, thủ đô Liên Xô. Sự việc đổ bể vào cuối năm 1968, Ramminger và đồng bọn bị bắt và kết án 4 năm tù. Nhưng lúc đó thì Liên Xô đã chuẩn bị đưa vào sản xuất bản copy mới của AIM-9 là R-13M.
Người Mỹ cũng chẳng hiền lành gì. Trong cuộc đua đánh cắp công nghệ thì người Mỹ ghi được nhiều “bàn thắng” hơn phía Nga. Tháng 3.1968, chiếc tàu ngầm tấn công K-129 của Liên Xô bị đắm do sự cố kỹ thuật ở vùng biển Thái Bình Dương cách đảo Oahu 2.900 km. Chiếc K-129 được trang bị các tên lửa đầu đạn hạch nhân R-21 thế hệ mới nhất của Liên Xô. Do đó, năm 1974, giới tình báo Mỹ tìm cách trục vớt xác tàu để tìm hiểu sự tiến triển của công nghệ tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạch nhân của Liên Xô. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) triển khai chiến dịch có mật danh là Azorian, mượn bình phong của một hãng tư nhân Mỹ để đặt đóng chiếc tàu trục vớt Glomar Explorer, trên danh nghĩa là tàu khảo sát hải dương, để bí mật trục vớt chiếc K-129. Cuộc trục vớt thành công có một phần, do tàu K-129 chìm ở độ sâu đến 4,9 km và bị đứt làm đôi, nên lúc kéo xác tàu ngầm lên, cần cẩu của tàu Glomar Explorer bị gãy và chỉ lấy được một phần mũi tàu. Cho đến nay, CIA vẫn từ chối giải mật hồ sơ Azorian và không cho biết họ đã thu thập được những gì. Tổng chi phí phía Mỹ phải bỏ ra cho cuộc trục vớt này là 800 triệu USD (khoảng 4 tỉ USD tính theo thời giá hiện nay).
Đến năm 1987, giới quân sự Mỹ lại tìm cách sở hữu một chiếc trực thăng tấn công kiểu Mi-24 của Liên Xô. Đây là loại trực thăng tấn công hiện đại và uy lực nhất thời đó (lúc đó, loại tương đương của Mỹ là AH-64 Apache chỉ mới trong vòng thử nghiệm). Mi-24 được bọc thép chắc chắn, có sức chịu được đạn pháo 23 mm, nên có biệt danh là “Xe tăng bay”. Liên Xô chỉ xuất khẩu loại trực thăng này cho một số nước có quan hệ thân thiết với họ mà thôi, trong đó có Lybia thời nhà độc tài Gaddafi còn đương nhiệm. Trong cuộc chiến tranh giữa Libya và Cộng hòa Chad (1978-1987), vào tháng 4.1987, quân đội Libya rút lui, bỏ lại một chiếc Mi-24 trong tình trạng hoàn hảo và bị quân đội Chad tịch thu. Bộ Ngoại giao Mỹ không bỏ cơ hội bằng vàng này, lập tức thương lượng với chính phủ Chad để xin “chuyển nhượng” lại chiếc trực thăng, sau đó chở về Mỹ vào tháng 6.1987.
Nhưng, “hay chẳng bằng hên”, đôi khi chẳng tốn công sức gì lại có được những món quà từ trên trời rơi xuống. vào thập niên 1970 - thời sơ khai của vệ tinh do thám, việc trinh sát lãnh thổ Liên Xô của phía Mỹ chủ yếu dùng loại phản lực do thám SR-71. Chiếc SR-71 bay với vận tốc 3.500 km/giờ (trên Mach 3) và ở độ cao 26 km làm bó tay các loại tên lửa phòng không cũng như các loại chiến đấu cơ hiện có của Liên Xô.
Sau đó, phía Liên Xô công bố chế tạo thành công loại siêu phản lực đánh chặn MiG-25 có vận tốc trên Mach 3 và cao độ hoạt động đương đương SR-71. Thông tin này làm giới quân sự Mỹ vô cùng lo lắng, họ lập tức cho ngưng các chuyến bay do thám vì sợ MiG-25 sẽ bắn hạ được SR-71, gây ra vô số rắc rối ngoại giao vì phía Liên Xô sẽ có bằng chứng cụ thể.
Người Mỹ rất muốn được trực tiếp nghiên cứu các tính năng kỹ thuật của MiG-25 để tìm cách đối phó, dĩ nhiên điều này là không tưởng vì làm sao có thể sờ đến loại chiến đấu cơ tuyệt mật này. Nhưng, điều không ngờ đã trở thành sự thật. Ngày 6.9.1976, trung úy không quân Liên Xô Viktor Belenko, 29 tuổi, lái một chiếc MiG-25 mới xuất xưởng bay từ căn cứ Không quân Chuguyevka gần thành phố Vlasdivostok (Liên Xô) sang đào tỵ ở Nhật, anh đáp đại xuống một căn cứ không quân Nhật trên đảo Hokkaido. Người Mỹ lập tức cho tháo tung chiếc MiG-25 ra để nghiên cứu, sau đó nhờ Nhật gửi trả lại cho Liên Xô. Họ phát hiện ra loại chiến đấu cơ này không kinh khiếp như họ tưởng. MiG-25 chỉ có thể bay ở vận tốc 2,8 Mach, nếu tăng tốc lên Mach 3 thì chỉ trong giai đoạn ngắn và khi đáp xuống động cơ sẽ hỏng hoàn toàn. Thêm nữa, do lượng nhiên liệu chở theo là khá ít nên bán kinh hoạt động của MiG-25 chỉ có 300 km, không đủ để rượt đuổi SR-71 trên quãng đường dài. Phía Nhật đã gửi hóa đơn đòi Liên Xô thanh toán 40.000 USD vì các thiệt hại do chiếc MiG-25 gây ra khi đáp mà không xin phép xuống sân bay quân sự Hakodate và chi phí khác trong việc gửi trả chiếc máy bay.
Chuyện ăn miếng trả miếng trong lĩnh vực đánh cắp công nghệ giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh cứ thế tiếp diễn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, cuộc tranh đua đánh cắp công nghệ đã không còn quyết liệt vì Nga không còn là đối thủ đáng gờm như ngày trước. Tranh thủ thời cơ nước Nga đang lâm vào suy thoái kinh tế, kéo theo việc hủy bỏ nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ quan trọng vì thiếu kinh phí, người Mỹ đã trải thảm đỏ mời các nhà khoa học hàng đầu của Nga sang làm việc và định cư tại Mỹ. Bằng cách hút nguồn chất xám tinh hoa của Nga, nền công nghệ Mỹ đã hưởng lợi rất lớn.
Nhưng, trong cuộc chiến gián điệp công nghệ quân sự, lại xuất hiện một tay chơi mới với “tài năng” thì thuộc hàng siêu đẳng, đó là Trung Quốc.
Bình luận (0)