Gián điệp mạng - điểm nóng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Thu Thảo
Thu Thảo
24/12/2018 08:50 GMT+7

Một chuyên gia quốc tế vừa cho hay Bắc Kinh xem gián điệp mạng là cần thiết cho tiến bộ quốc gia và sẽ không chấm dứt hoạt động này.

Theo CNBC và Reuters, đây là nội dung nhận định mà ông Michael Fuchs, thành viên cao cấp tại viện chính sách Center for American Progress, đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hai công dân Trung Quốc tội hack 45 doanh nghiệp, cơ quan chính phủ Mỹ.
“Tôi nghĩ rất công bằng khi nói rằng Trung Quốc xem hoạt động gián điệp mạng này là vì các mục đích kinh tế, là một phần cần thiết trong chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế, trở thành đất nước mạnh hơn. Điều này sẽ không dừng lại, ít nhất là trong điều kiện áp lực hiện tại mà Mỹ và các nước khác đặt ra”, ông Fuchs cho hay.
Hôm 20.12, công tố viên Mỹ buộc tội hai người Trung Quốc vì liên quan đến chiến dịch hack toàn cầu để đánh cắp bí mật công nghệ và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Hai người này cũng bị buộc tội đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 100.000 thành viên Hải quân Mỹ, và bị cáo buộc làm việc với chính phủ Trung Quốc.
Nhiều đồng minh của Washington là Úc, Anh và New Zealand chỉ trích hoạt động gián điệp kinh tế của Bắc Kinh sau thông tin từ Mỹ. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nói: “Mục tiêu của Trung Quốc, nói một cách đơn giản, là thay thế Mỹ trở thành cường quốc lớn nhất toàn cầu”.
Trước hàng loạt lời chỉ trích, hôm nay 21.12, Trung Quốc phản ứng. Nước này kiên quyết phản đối những cáo buộc mà họ cho là “vu khống”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ nên rút lại cáo buộc với hai công dân, nói thêm Bắc Kinh chưa từng tham gia hay ủng hộ bất cứ hành vi đánh cắp bí mật thương mại nào.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ảnh chụp tháng 11.2017 Ảnh: AFP
Báo chí Trung Quốc cũng lên tiếng. Tờ Global Times gọi cáo buộc từ phía Mỹ là “suy nghĩ giàu trí tưởng tượng”, “kích động” và khởi nguồn từ “sự kiêu ngạo văn hóa mạnh mẽ”. Tờ này đặt câu hỏi rằng nếu Đại lục quá giỏi trong việc đánh cắp bị mất thương mại trong thời gian dài, thì vì sao nước này vẫn tụt hậu so với Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực.
Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung Quốc bắt đầu không lâu sau khi hai bên đồng thuận đàm phán thương mại trước thời hạn 90 ngày. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý hòa hoãn thuế quan từ ngày 1.1 năm sau và tiếp tục đàm phán tháo gỡ bế tắc.
Song triển vọng đàm phán song phương trở nên mờ nhạt hơn khi vào ngày 1.12, giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của hãng Huawei Technologies bị bắt ở Canada vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran từ Mỹ. Theo ông Fuchs, cáo buộc 2 người Trung Quốc tấn công mạng là hành động mới nhất trong một loạt động thái của chính quyền ông Trump nhằm “gây áp lực lớn hơn lên Trung Quốc trên mọi mặt”.
Dù chính phủ Mỹ cố giải quyết, ngăn chặn đe dọa an ninh mạng khi đàm phán với Trung Quốc nhiều năm qua, Bộ Tư pháp Mỹ cũng nói rõ rằng “người Trung Quốc chưa dừng lại”. Theo ông Fuchs, xét một số mặt, Trung Quốc “có lẽ còn thực sự cố gắng tăng” mối nguy an ninh mạng.
Ông Fuchs lưu ý bài phát biểu đánh dấu 40 năm cải cách Trung Quốc của ông Tập hồi tuần trước, cho hay: “Ông Tập nói rõ rằng ông ấy sẽ tiếp tục, và đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường kinh tế mà họ đang đi trong những năm gần đây”. Lãnh đạo quốc gia châu Á cho biết “Trung Quốc sẽ không bị bắt nạt bởi cuộc chiến thương mại hay nói thẳng ra, bởi bất cứ nước nào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.