Gian nan bảo vệ chim trời

Phạm Đức
Phạm Đức
16/10/2024 08:16 GMT+7

Cứ vào tháng 10, các loài chim cói, cò, vạc, diệc… thường tìm đến kiếm ăn ở các cánh đồng ở vùng thấp trũng. Đây cũng là thời điểm nhiều người dân ở các vùng bãi ngang Hà Tĩnh đi bẫy bắt chim trời…

Khó xử lý triệt để

Có mặt tại các vùng đầm lầy ven biển xã Cương Gián (H.Nghi Xuân), xã Thạch Hải (H.Thạch Hà) và xã Thịnh Lộc (H.Lộc Hà, thuộc tỉnh Hà Tĩnh) vào những ngày đầu tháng 10, phóng viên ghi nhận có một số người dân vẫn đang lén lút "giăng bẫy" để bắt các loài chim trời.

Gian nan bảo vệ chim trời- Ảnh 1.

Hạt Kiểm lâm H.Thạch Hà trong một lần ra quân tháo dỡ bẫy chim trời

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Có rất nhiều cách để săn bắt chim trời, song người dân ở đây chủ yếu dùng chim sống làm chim mồi, kết hợp với hình nộm chim giăng khắp đồng ruộng, vùng trũng thấp hoặc treo lên các cây xanh rồi bật loa ghi âm tiếng chim kêu để bẫy chim thật.

Khi đàn chim sà xuống thì ngay lập tức bị dính vào que nhựa đã được giăng dày đặc xung quanh. Chim trời dính bẫy chủ yếu là cò, cói, vạc. Sau khi gỡ bẫy, chúng lập tức được "thợ săn" bán cho thương lái.

Đáng nói, vẫn có một vài thương lái bày bán công khai chim trời trên vỉa hè dọc theo tuyến đường ven biển đoạn qua địa phận H.Nghi Xuân mà không bị lực lượng chức năng xử lý. Tùy các loài chim có giá bán khác nhau: vạc 140.000 đồng/con, cò 80.000 đồng/con, chim cói 35.000 đồng/con.

Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết, mùa các loài chim tự nhiên di cư bắt đầu từ tháng 8 âm trở đi và các loài chim như cò, cói, vạc, diệc... thường kiếm ăn tại các cánh đồng, lùm cây ở vùng trũng thấp. Tận dụng cơ hội này, người dân trên địa bàn thường có thói quen đánh bẫy bắt chim để bán kiếm thêm thu nhập.

"Địa phương chúng tôi trước đây từng là một trong những nơi xảy ra vấn nạn săn bắt chim trời rất nhức nhối. Những năm gần đây tình trạng này đã giảm đáng kể do sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền địa phương. Hàng tuần, ngoài thực hiện biện pháp tuyên truyền, lực lượng của xã còn ra quân truy quét, tháo dỡ bẫy đánh bắt. Tuy vậy, vẫn còn một số người dân lén lút đánh bắt hoặc bày bán chim trời khiến công tác bảo vệ chim di cư chưa được triệt để", ông Hà nói.

Ông Lê Thanh Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Thạch Hà (Hà Tĩnh), thừa nhận nhiều năm trước, có thời điểm tình trạng săn bắt chim tự nhiên nở rộ khi mỗi ngày có hàng nghìn chim các loại bị bắt, bày bán công khai tại các nhà hàng, dọc đường hay chợ dân sinh. Hiện nay, nhờ sự vào cuộc của ngành chức năng, vấn nạn này đã từng bước được đẩy lùi. Tuy chưa xử lý được triệt để, nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm mạnh so với những năm trước.

"Từ đầu tháng 9 đến nay, chúng tôi phối hợp với công an và chính quyền địa phương các xã ven biển nằm trên địa bàn đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý việc người dân săn bắt chim trời, chim di cư. Tổng kết các đợt ra quân vừa qua, mặc dù không bắt được quả tang trường hợp người dân nào để xử phạt nhưng chúng tôi đã thu giữ 30 con chim mồi sống, 500 chim mồi giả, 3.000 que nhựa, tháo dỡ khoảng 150 lán lùm ẩn nấp để đánh bắt chim...", ông Hải thông tin.

Theo ông Hải, ngoài việc ra quân tháo dỡ bẫy chim, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết từ bỏ thói quen đánh bắt và ăn thịt động vật hoang dã.

Gian nan bảo vệ chim trời- Ảnh 2.

Khu vực xây dựng vườn chim nhân tạo ở P.Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay, ngoài ngăn chặn người dân săn bắt chim trời, lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các nhà hàng, quán nhậu, chợ dân sinh có hành vi buôn bán, kinh doanh chim trời.

"Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng, nhất là lực lượng công an và kiểm lâm, vấn nạn săn bắt, bẫy chim trời trên địa bàn Hà Tĩnh đã giảm hẳn so với trước đây", vị cán bộ khẳng định.

Làm nơi ở cho chim trời

Từ đầu năm 2024, UBND TP.Hà Tĩnh bắt đầu lên ý tưởng và triển khai các bước xây dựng một vườn chim nhân tạo nhằm bảo tồn chim trời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Sau nhiều lần rà soát, khu vực sông Đông (thuộc P.Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh) đã được chọn để triển khai dự án.

Theo ghi nhận của phóng viên, đây là khu vực rộng hàng chục ha với hệ thống sông và các đầm lầy, cây cỏ um tùm, rậm rạp. Sau khi lựa chọn địa điểm, UBND TP.Hà Tĩnh đã mời chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các vườn chim về để tư vấn, hỗ trợ quá trình xây dựng.

Ông Hoàng Ngọc Quân, Phó bí thư thường trực Đảng ủy P.Thạch Linh, nói việc hình thành một vườn chim nhân tạo sẽ là nơi lý tưởng để các loài chim trời sinh sôi, phát triển, tạo ra một quần thể sinh thái sống động ven sông Đông. Đến nay đã có gần 25.000 cây xanh được chính quyền địa phương trồng ở khu vực xây dựng vườn chim.

"Theo đánh giá của chuyên gia thì khu vực sông Đông là nơi thuận lợi nhất để làm vườn chim. Tuy nhiên, do ở đây không có rừng nên trong giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành xây dựng đảo chim và trồng các loại cây như: sanh, đủng đỉnh, dừa, tre, súng tím, súng thái, tràm nước và một số cây bản địa khác. Dự kiến đến đầu năm 2025 mới hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu dẫn dụ chim về. Các loài chim thích hợp để sinh sôi, phát triển tại khu vực này như: cò, vạc và chim bụi", ông Quân thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.