Gian nan "nghề đi tóc"

16/10/2012 09:04 GMT+7

(TNO) “Tóc dài, tóc rối bán không cô ơi, chị ơi...” - những âm thanh như thế liên tục được phát ra từ cái loa bé nhỏ trên những chiếc xe máy cũ kỹ. Những con người ở xã Hồng Đà, H.Tam Nông tỉnh Phú Thọ đã đi khắp các con đường của nhiều tỉnh thành khác nhau để tìm kiếm tóc. Họ thường gọi cái nghề này một cách ngắn gọn là “nghề đi tóc”.

(TNO) “Tóc dài, tóc rối bán không cô ơi, chị ơi...” - những âm thanh như thế liên tục được phát ra từ cái loa bé nhỏ trên những chiếc xe máy cũ kỹ. Những con người ở xã Hồng Đà, H.Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã đi khắp các con đường của nhiều tỉnh thành khác nhau để tìm kiếm tóc. Họ thường gọi cái nghề này một cách ngắn gọn là “nghề đi tóc”.

>> Mua tóc dài đây!

 tóc rối
Chị Phan Thị Hồng xếp tóc tiệm để chải - Ảnh: Thanh Huyền

Nghề của sự gian nan và may mắn

Ngày trước, làng Hồng Đà nổi tiếng khắp huyện với nghề đồng nát. Hầu như nhà nào cũng có người đi mua đồng nát. Đã có bao nhiêu người phụ nữ hàng ngày rong ruổi trên những chiếc xe đạp cũ kỹ để kiếm từng đồng tiền lẻ. Và cũng chính từ nghề đồng nát này mà nghề đi buôn tóc xuất hiện. Theo như người dân ở đây kể lại, ngày trước khi đi buôn đồng nát, những người phụ nữ này cũng đã mua tóc. Nhưng hồi đó, tóc đa số là tóc rối, tóc ở các quán cắt tóc..., may mắn lắm thì gặp được người nào đó bán cả bộ tóc. Nhưng nó chỉ là kiếm thêm phụ cùng công đi đồng nát.

Dần dà, mấy năm trở lại đây, rất nhiều người đã chuyển sang nghề đi tóc. Mỗi chuyến đi của họ kéo dài từ 10 đến 20 ngày. Lúc đầu chỉ có vài người trong gia đình đi cùng nhau quanh các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hòa Bình... Sau, thấy nhiều người “đi tóc” được, họ truyền tai rủ nhau đi. Dụng cụ hành nghề của họ là một chiếc xe máy, một chiếc loa, gạo, mì tôm, cá khô, lương khô và những đồ cắt tóc như dao tỉa, kéo.

Nghề này đi là phải chịu cảnh ngủ nhờ, ở nhờ, nấu nhờ. Những chuyến đi của họ phụ thuộc nhiều vào may mắn. Người ta nói ở đời “may hơn khôn”, câu nói ấy có lẽ phần nhiều đúng với nghề buôn tóc. Lãi lỗ của người thợ tóc phụ thuộc nhiều vào may rủi. Phần lớn nguồn cung tóc đều nằm ở những vùng xa xôi hẻo lánh nên việc đi đường không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Xuân Quang kể: “Đợt tháng 10 năm ngoái đội của anh đi vào tận trong Gia Lai để mua tóc. Nhưng hôm đó đi đen đủi lắm, coi như mất không vì đi đến đâu trời cũng mưa, mưa ngập đường nên chỉ nguyên di chuyển thôi cũng đã rất vất vả. Đã thế, đang đi xe còn bị chết máy, anh với vợ phải đội mưa đẩy xe gần 6 km mới tìm được chỗ sửa xe. Đợt đấy, hai vợ chồng tôi bị lỗ gần 3 triệu. Nghĩ lại lại thấy khổ quá!”.

Đi buôn kiêm nhà tạo mẫu

Nghề nào cũng cần có “công nghệ”, nhất là với những nghề thủ công như nghề đi tóc. Nói chuyện cùng với những người đi tóc ở vùng quê này mới thấy họ cũng là một nghệ sĩ tạo kiểu tóc. Chị Nhã nói: “Làm nghề này thì mình phải cắt tóc, tỉa tóc giúp khách luôn. Đi nhiều mình tỉa tóc cũng đẹp lắm! Rồi có thể giúp họ làm đẹp nữa, cắt giống như ngoài tiệm luôn ý chứ”.

Để có được “công nghệ” cắt tỉa khéo léo, những người thợ đi tóc cũng phải chịu những tai nạn nghề nghiệp. Dụng cụ tỉa tóc là những con dao sắc lẹm. Những người nào mới làm không quen rất dễ bị đứt tay. Chị Phan Thị Hồng kể lại: “Chị mới đi được hai năm thôi. Hồi mới đầu đi cắt tỉa tóc nhưng tay luống cuống thế nào lại tỉa ngay vào tay. Mình thì đau vì dao sắc quá, còn khách cũng giật mình”.

Mua tóc về rồi cũng cần qua công nghệ chế biến để tăng giá của tóc. Theo như sự phân chia của người trong nghề, tóc được chia thành nhiều loại, cụ thể như: tóc dài, tóc rối, tóc ở tiệm. Các loại tóc được mua về rồi được trải qua các mẹo để tạo nên những sản phẩm đẹp, có giá trị hơn.

“Chế biến” tóc rối là vất vả nhất. Bởi nó phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Lúc đầu, họ dùng những que sắt để bật tóc thành những tảng tóc. Rồi từ những tảng tóc đó, họ dùng tay tuốt thành những lọn tóc nhỏ hơn. Công đoạn tiếp theo là dùng lược chải cho tóc thẳng ra. Cứ chải cho đến khi tóc thẳng thành từng con tóc. Từ ba đến bốn con tóc thì được thành một bộ tóc. Đặc biệt với những tóc không phải màu đen thì thường phải thêm một công đoạn nhuộm để tóc đẹp hơn. Giá mua tóc rối thường rẻ hơn. Nhưng khi qua “chế biến” thì sẽ được giá hơn, thậm chí tính như giá tóc dài. Tóc mua về, được người khác đến làng thu mua tận nhà.

Mỗi một loại tóc có một giá riêng nhưng cao nhất vẫn là tóc dài. Việc chế biến tóc tốn không ít công sức nhưng bù lại họ có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn. Ngày trước, họ chỉ "đi tóc" vào những ngày nông nhàn. Nhưng đến nay, bất cứ khi nào tranh thủ được thời gian là những người thợ đi tóc lại rong ruổi trên khắp các con đường.

“Nghề đi tóc” đã giúp nhiều người dân ở đây cải thiện kinh tế. Có những chuyến đi may mắn họ có thể kiếm được từ 5 đến 10 triệu đồng. Tích cóp nhiều năm rồi họ cũng có đủ tiền để xây những ngôi nhà cao tầng khang trang hơn.

Thanh Huyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.