Thế nhưng xen trong bước chân vội vã là tiếng cười nói rộn ràng… Hình ảnh ấy vừa gợi niềm thương cảm, xót xa, vừa dấy lên niềm hân hoan, hạnh phúc đến lạ thường.
Anh Giàng A Phớn kiểm tra chất lượng bồn nước |
TGCC |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, một tỉnh nghèo miền núi nơi cực Bắc tổ quốc, cuộc sống của tôi như bao đứa trẻ khác, gắn liền với bầy dê, quẩy tấu, gánh củi… Chúng tôi lớn lên trong mùi mồ hôi nồng nồng trên lưng mẹ, lớn lên từ bữa no, bữa đói nhờ món bánh ngô của bà… Và dần trưởng thành cùng vô vàn ước mơ nối đuôi nhau. Tôi đã từng mơ ước những điều giản đơn như được đi học trường nội trú, được ăn bánh mỳ, được mẹ gửi quà cho khi xa nhà đi học, được gọi điện về cho bố mỗi khi nhớ nhung… Và sau đó, tôi ước điều ước lớn lao hơn, mà thật khó để thực hiện: ước mong người dân quê tôi thoát nghèo.
Đúng là một mơ ước quá lớn lao, trong khi tôi năm nay đã gần 30 tuổi, mới bước vào cuộc sống gia đình với nhiều gánh nặng lo toan… mong muốn làm điều gì đó cho quê hương, làng xóm là một chuyện quá đỗi xa vời. Nên đứng trước hình ảnh một người có thể làm được nhiều điều ý nghĩa với bà con, tôi thật sự ngưỡng mộ và biết ơn vô cùng. Một trong số những người mà tôi mến phục nhất là anh Giàng A Phớn - người anh, người bạn của chúng tôi và là một người con của đất Hà Giang.
Thật thiếu khách quan khi tôi nói sẽ viết về người anh của mình. Nhưng chính chúng tôi, những người cạnh bên, gắn bó với anh mới thấu hiểu tường tận tâm tư của anh mình. Người đau đáu với mảnh đất Hà Giang, người dành cả thanh xuân tươi trẻ nhất gắn bó với Hà Giang. Đó không chỉ là công cuộc mưu sinh, mà tôi tin rằng, đó là tình yêu, là duyên nợ với mảnh đất mến yêu này.
Quê anh ở vùng biển miền trung, cũng sỏi đá, khô cằn, nhiều giông bão, tinh thần và ý chí kiên cường của anh được tôi luyện nên từ chính sự khắc nghiệt ấy. Có lẽ vì thế mà khi đến với Hà Giang, anh đã “phải lòng” sự khắc khổ mà hoang sơ, đẹp đẽ ở nơi đây. Hơn 10 năm gắn bó, anh tự xây dựng cho mình một thương hiệu du lịch bền vững tại Hà Giang. Đó là công ty du lịch Hà Giang Trẻ. Từ việc đào tạo và tuyển dụng nhân sự là con em địa phương, đến việc hướng du khách tới các chương trình du lịch, địa điểm tham quan mới. Công ty cũng chú trọng tìm hiểu chuyên sâu về văn hóa và con người Hà Giang, sử dụng các chất liệu dân gian, truyền thống vào phục vụ du lịch…
Người dân chắt chiu từng giọt nước |
TGCC |
Anh có nhiều dự án lớn nhỏ, từ cá nhân tới tập thể, từ thầm lặng đến kêu gọi công khai, diễn ra trong suốt những năm anh làm việc và sống tại Hà Giang. Nhưng dự án mà đối với tôi, nó khiến tôi tự hào nhất mỗi khi nhắc về anh, đó là Dự án “Gùi nước về bản”. Đó là dự án tặng bồn nước cho đồng bào trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Dự án ban đầu được thực hiện bởi cá nhân anh, vào năm 2019, sau rất nhiều năm chứng kiến sự thiếu thốn nước sinh hoạt của bà con. Những lần vào nhà dân cùng người dân đi địu nước nhiều cây số, chứng kiến đám trẻ khát nước khi trên tay là bát mè mén khô khốc cuối mùa… Nếu có bồn nước, có thể tận dụng được nước mưa, nước nguồn, hay chỉ đơn giản là dự trữ nước địu từ hồ treo về sẽ vô cùng hữu ích.
Niềm hân hoan khi đến nhận bồn nước |
TGCC |
Khi thấy được hiệu quả của những bồn nước đầu tiên mình tặng, anh Phớn đã quyết định kêu gọi ủng hộ từ bạn bè và sau đó là trên mạng xã hội Facebook. Dự án thu hút được đông đảo các cá nhân, tổ chức tham gia. Sự minh bạch và tính thiết thực của Dự án đã thuyết phục ngày càng nhiều người ủng hộ hơn. Nhìn vào thành quả của Dự án tôi thấy thành công vượt mức mong đợi.
Tính đến tháng 7.2022, Dự án đã trao thành công hơn 7.000 bồn nước 1200ml (trị giá hơn 13 tỉ đồng) cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn thuộc 4 huyện vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang.
Giờ đây dự án này không chỉ là của riêng anh nữa, mà là của hàng trăm, hàng nghìn người ủng hộ. Để Dự án đạt hiệu quả cao và đúng mục đích, anh đã bỏ ra nhiều thời gian đi thực tế, khảo sát tại từng thôn xóm khó khăn, chưa có điện lưới và đường xe chạy. Để đảm bảo công khai minh bạch, anh cắt nhân lực công ty thực hiện sao kê, đăng tải thông tin công khai trên trang chủ của dự án. Ngoài ra, trong mỗi chuyến đi trao bồn cho bà con, anh cử thêm nhân viên hỗ trợ trao nhận bồn, hướng dẫn bà con cách lắp đặt, sử dụng bồn nước. Những điều đó hoàn toàn không được liệt kê vào bất kỳ mục quyên góp nào của dự án.
Nhiều lần đi khảo sát thực tế cùng anh, nhiều lần cùng anh đi trao tặng bồn nước, cho dù chỉ vài hộ hay hàng trăm hộ, tôi thấy anh thực hiện rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đúng hẹn, đúng giờ, đúng người, đúng quà tặng. Anh cũng luôn nhắc nhở chúng tôi phải làm tốt những điều đó. Nơi tập trung trao nhận bồn thường là Uỷ ban nhân dân xã, hội trường thôn… là nơi mà xe to chở bồn tới được. Danh sách bà con nhận bồn được chính quyền địa phương cung cấp sau quá trình rà soát một cách công khai và công bằng.
Đôi tay điểm chỉ nhận bồn vẫn còn run bần bật lên vì lạnh, nhưng trên gương mặt lại rạng rỡ nụ cười, làm lòng tôi thấy thật ấm áp. Công việc dỡ bồn, xếp bồn, hướng dẫn lắp đặt và sử dụng cứ thoăn thoắt trong sớm mai rộn ràng như vậy. Và hình ảnh thu hút nhất, không chỉ đối với riêng tôi, là những người phụ nữ địu bồn nước trên lưng chênh vênh đi giữa lưng đèo. Đó là một hình ảnh tuyệt đẹp! Dường như có bóng dáng bà tôi, mẹ tôi, những người phụ nữ hăng say trong lao động thường nhật. So với việc địu một quẩy tấu đầy ngô đi hàng chục cây số, thì chiếc bồn này thật sự cũng không thấm thía vào đâu. Các chị các mẹ vẫn ríu ran những âm hưởng miền núi quen thuộc, chân bước đều, tà váy đong đưa và đôi tay thoăn thoắt nối sợi lanh mỗi lúc thêm dài. Trong lòng tôi thấy sao mà yêu quá!
Tập kết trao bồn |
TGCC |
Tôi chưa bao giờ hỏi anh Phớn về mục đích những việc anh làm. Nhưng tôi hiểu và tin tưởng, mong muốn được đồng hành cùng anh thực hiện các dự án như suốt gần mười năm qua. Tôi thấy mình trưởng thành, hoàn thiện và hữu ích hơn qua mỗi lần trực tiếp đi trao bồn nước cho bà con.
Ngoài kia vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều mảnh đời trắc trở và hàng nghìn hộ dân cao nguyên đá cần được giúp đỡ. Tôi mong rằng, không chỉ anh Giàng A Phớn, mà tôi, chúng ta, sẽ cùng dang tay, đùm bọc lẫn nhau, và ngày càng có nhiều dự án hơn nữa, đóng góp cho Hà Giang, cho cộng đồng các dân tộc.
Chúng ta không phải sinh ra vốn tài giỏi, cao siêu, nhưng “SỐNG ĐẸP” hay không là do ở chính mình.
Bình luận (0)