Chọn ngành, nghề nên dựa trên những yếu tố nào ?
Theo GS Sơn, định hướng nghề nghiệp quan trọng nhất vẫn là sau này có đóng góp tích cực gì cho xã hội và đất nước. Mọi công việc, ngành nghề chính đáng, có đóng góp, xây dựng tích cực thì đều cao quý như nhau. Nếu học sinh đang gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi "Công việc phù hợp nhất với bản thân mình là gì?", thì hãy tìm lời giải đáp cho câu hỏi "Mình sẽ đóng góp cho xã hội và đất nước theo cách nào tốt nhất?". Một khi đã có mục đích rõ ràng, học sinh sẽ tìm được định hướng công việc phù hợp nhất.
"Yếu tố quan trọng thứ hai mà học sinh cần xem xét trong quá trình chọn ngành nghề là đam mê. Nếu thật sự yêu thích công việc, đam mê và có ý chí theo đuổi đến cùng thì tôi tin là các em sẽ thành công. Để thật sự tìm ra được niềm đam mê thì các em cần phải tự khám phá và thử thách bản thân hơn. Cụ thể, học sinh có thể chủ động tìm hiểu bằng cách tìm gặp và nói chuyện với những người đi trước để hiểu hơn về ngành, nghề. Nếu có cơ hội thử việc hay thực tập, dù không được trả lương, thì rất tốt vì sẽ tích lũy thêm được kinh nghiệm", GS Sơn chia sẻ.
Theo GS Sơn, vấn đề thu nhập cũng cần được xem xét trong quá trình lựa chọn ngành, nghề. Một công việc tốt sẽ bao gồm các yếu tố như: sự yêu thích, đam mê, đem lại giá trị cho xã hội nhưng phải nuôi sống được bản thân và hỗ trợ gia đình.
Chuẩn bị cho sự thay đổi lớn
Theo GS Hy Trường Sơn, con đường học tập chắc chắn sẽ có những lúc khó khăn và chúng ta phải tìm cách vượt qua. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể sẽ có những cách khắc phục riêng, miễn là học sinh không nản chí mà từ bỏ. Lên bậc đại học, học sinh sẽ thấy bỡ ngỡ vì có sự thay đổi về chương trình đào tạo cũng như cách học, làm việc nhóm. "Ở bậc đại học, sinh viên bắt buộc phải có sự chủ động. Khi bắt đầu một môn học mới, các em nên đọc thật kỹ đề cương môn học để biết được môn đó sẽ học về chủ đề và kiến thức gì. Nếu như thấy chương trình học quá khó và không theo kịp các bạn khác thì nên trực tiếp tìm đến sự tư vấn của giảng viên để nhận lời khuyên", GS Sơn chia sẻ.
GS Sơn cho biết thêm người trẻ nên chủ động trao đổi, thảo luận với các bạn đồng môn và tìm cách ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Phải học cách quản lý thời gian thật tốt vì tất cả mọi người đều chỉ có 24 tiếng đồng hồ/ngày, và ai biết cách sử dụng quỹ thời gian đó một cách hợp lý, thông minh và khoa học thì sẽ đạt được thành công. Để làm tốt được điều trên, GS Sơn khuyên người trẻ cần lập kế hoạch và thời gian biểu trong ngày, nên ưu tiên các công việc quan trọng làm trước.
Muốn làm việc ở lĩnh vực AI, IT, cần trang bị những gì ?
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thông tin (IT) rất rộng lớn, tiềm năng. Lĩnh vực này đã có nhiều ứng dụng to lớn đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi cuộc sống của chúng ta. GS Hy Trường Sơn cho biết đây là những lĩnh vực tương đối khó khăn để bắt đầu và anh khuyên học sinh cần chuẩn bị tốt kiến thức nền tảng về toán học cũng như chủ động học, cải thiện khả năng lập trình của bản thân.
"Kiến thức toán học sẽ giúp các em hiểu được bản chất của các mô hình trong AI và những vấn đề, giải pháp trong IT. Khả năng lập trình tốt sẽ giúp các em nhanh chóng triển khai được các mô hình AI vào thực tế, cũng như hiện thực hóa những ý tưởng mới trong IT", GS Sơn nói.
GS Sơn cho biết các bạn trẻ đang tìm tòi, học hỏi về AI, IT hãy cố gắng liên tục tìm ra những ứng dụng mới của chúng trong đời sống thực tế. Rõ ràng là ngày nay con người đã chế tạo được những mô hình AI rất mạnh mẽ, có khả năng đọc hiểu và tạo ra văn bản, hình ảnh, thước phim theo yêu cầu của con người, cũng như vô số ứng dụng khác.
"Trong lĩnh vực IT, AI đã bắt đầu có khả năng hỗ trợ lập trình viên viết code, tìm lỗi sai và kiểm định chất lượng. Như vậy trong tương lai AI có thể sẽ thay đổi bản chất nghề nghiệp của lĩnh vực IT. Các lập trình viên sẽ cần tích hợp AI vào công việc hằng ngày. Tôi nghĩ các bạn trẻ cần chủ động tìm hiểu và vận dụng linh hoạt AI. Một khi các em nắm vững và làm chủ được công nghệ thì không phải lo không có việc làm tốt", GS Sơn nhắn nhủ.
"Với những bạn trẻ yêu thích sáng tạo, tôi khuyên nên tìm cách sử dụng và phát triển AI để tạo ra những sản phẩm mới tốt hơn. Với những bạn yêu thích khoa học thì có thể chủ động tìm hiểu cơ chế hoạt động của các mô hình AI, thuật toán và mô hình toán học đằng sau của AI. Và rất có thể trong tương lai, các em sẽ tìm ra được những cách cải tiến AI tốt hơn nữa. Như vậy, việc học trở nên thú vị hơn và có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn", GS Sơn nói.
Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Khoa Toán và Khoa học máy tính, ĐH bang Indiana, Mỹ, GS Hy Trường Sơn còn tham gia chương trình hướng dẫn sinh viên giỏi của VN nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và Tập đoàn FPT. Bên cạnh giáo dục, GS Sơn cũng đang hợp tác với FPT Software để đưa các công nghệ AI về VN, điển hình như trong các lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt và ứng dụng của thị giác máy tính trong các ngành công nghiệp sản xuất.
Bình luận (0)