Hacker giành lượt đăng ký để rao bán
Lần đầu đăng ký học phần, N.L.N.M, sinh viên (SV) năm 1 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có nghe các anh chị khóa trên nói về lỗi hệ thống khi đăng ký, nhưng theo nam sinh này năm nay tình hình đã cải thiện. Tuy nhiên, lại xuất hiện một vấn đề khác, đó là “tool tặc”.
M. giải thích, trong thời gian đăng ký học phần, hacker đã xâm nhập hệ thống của trường để cài “tool”. “Tool” ở đây là mã code lập trình sẵn, chỉ cần có người bỏ đăng ký, thoát ra thì “tool” sẽ tự động vào đăng ký giúp. Vì vậy, nhiều SV không thể chọn lớp và hacker lợi dụng điều này để bán “slot” (chỗ) cho những ai chưa đăng ký được.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiến hành đăng ký học phần |
THÚY LIỄU |
“Tool” được rao bán công khai trên một nhóm học tập của SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. “Tôi có hỏi thử thì được báo giá tiền công đăng ký là 100.000 đồng, phải mua thêm code để chạy “tool” với giá 100.000 đồng nữa, nghĩa là giá đăng ký môn đầu tiên 200.000 đồng. Môn thứ 2 trở đi thì mỗi môn cộng thêm 100.000 đồng”, M. nói.
M. đã tự đăng ký nhưng hệ thống “sập” mãi không vào được khiến nam sinh hoang mang.
“Tôi tự đăng ký được 2 môn, đến môn thứ 3 thì hết lớp, cảm thấy không ổn nên tôi quyết định mua “tool” với giá 140.000 đồng cho 2 môn học. Tuy nhiên, sau khi đăng ký được 1 môn thì bên kia nói môn còn lại chưa có người “out” nên chưa vào được, tôi hỏi kỹ lại nhưng người kia biến mất, không trả lời tin nhắn”, nam sinh M. cho biết.
Bên cạnh đó còn có trường hợp SV vào được hệ thống thì đăng ký thật nhiều lớp, “ôm” ở đó chờ đổi hoặc bán “slot” cho SV khác kiếm lời.
Các bài đăng nhận cài “tool” đăng ký học phần trong một diễn đàn trên Facebook |
CHỤP MÀN HÌNH |
Nghẽn mạng, lỗi đường truyền, “sập” website
Tình trạng nghẽn mạng, lỗi đường truyền, “sập” website… khi đăng ký học phần cũng được ghi nhận diễn ra ở rất nhiều trường ĐH khác.
9 giờ sáng 13.1, SV khóa 2020 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tiến hành đăng ký học phần trên website mới của trường. Tuy nhiên, tình trạng lỗi hệ thống diễn ra ngay sau khi mở cổng đăng ký.
Kinh nghiệm để đăng ký thuận lợi
Để đăng ký học phần thuận lợi, Bùi Trí Dũng (SV năm 3 Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi đăng ký, SV cần sắp xếp thời khóa biểu cụ thể, nên tìm lớp bằng mã lớp vì hệ thống sẽ tải nhanh hơn. Tôi thường vào trước khoảng 15 phút so với thời gian bắt đầu, cổng đăng ký vừa mở thì lập tức tải lại trang, mở nhiều cửa sổ để tránh việc đăng ký được 1 môn rồi không đăng ký được môn sau. Và điều quan trọng là sau khi đăng ký thành công thì nhớ lưu lại thông tin”.
Phạm Khắc Hiếu (SV năm 3 khoa Báo chí và Truyền thông) bức xúc: “Tôi mất 6 tiếng đồng hồ để đăng ký thành công 9 môn học. Website mới lỗi liên tục, SV phải đăng xuất, đăng nhập tài khoản nhiều lần. Tốn khoảng 30 phút chỉ để đăng ký 1 môn nên việc sắp xếp lịch học của tôi bị xáo trộn do lớp tôi muốn học đã được SV khác đăng ký đủ”.
Trước đó, 11 giờ 30 ngày 6.1, B.N.Q.C (SV năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vào website của trường chờ đăng ký học phần quân sự chung dù đến 12 giờ cổng đăng ký mới mở.
“Học phần của tôi là môn đại cương, SV cả trường đều có thể học nên phải vào sớm “giành chỗ”. Những môn này nếu không đăng ký được thì phải đợi học vào kỳ sau, hoặc làm đơn gửi phòng đào tạo xin mở thêm lớp nếu tập hợp đủ SV cần học”, Q.C cho biết.
Nữ sinh này kể vào năm nhất, cô và bạn học phải ra tiệm internet gần trường để đăng ký do ở đó đường truyền ổn định. “Kỳ học trước, lớp tôi phải ngồi chờ gần 2 tiếng để đăng ký môn chuyên ngành. Hệ thống không hiện môn học chúng tôi cần đăng ký, lớp trưởng phải liên hệ giáo vụ nhờ giải quyết”, Q.C bức xúc.
Website mới của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không hiển thị danh sách môn học sinh viên cần đăng ký |
CHỤP MÀN HÌNH |
Gặp khó khăn khi đăng ký, SV cần làm gì ?
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Hiện tại nhà trường triển khai công tác đăng ký học phần theo đúng tiến độ đào tạo và học tập của SV, đảm bảo rằng nếu không thay đổi gì thì sau 4 năm SV sẽ ra trường đúng hạn. Tình trạng không thể đăng ký học phần thường rơi vào những trường hợp: học vượt hoặc nợ môn; những môn học ít lớp, giới hạn sĩ số khiến các bạn phải nhờ vào việc đăng ký hộ hay “mua chỗ” thường là các môn chuyên ngành”.
“Chỉ có thể hạn chế chứ không thể giải quyết triệt để”!
Trao đổi với Thanh Niên, phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết việc lỗi hệ thống trong thời gian đăng ký học phần là vấn đề thường xuyên xảy ra đối với các trường đại học.
“Lỗi phát sinh vì lượt truy cập hệ thống cùng lúc quá lớn, đặc biệt là 1 tiếng đầu tiên mở cổng đăng ký. Do thuật toán xử lý sẽ có mức ngưỡng cho phép, khi lượt truy cập vượt quá ngưỡng đó thì xảy ra tình trạng nghẽn. Có thể cải thiện bằng phương án nâng cấp website, giúp website chạy nhanh hơn, tuy nhiên chỉ có thể hạn chế chứ không thể giải quyết triệt để”, tiến sĩ Anh Vũ thông tin.
Ngoài ra, một giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết việc nâng cấp đường truyền để tất cả SV có thể vào đăng ký cùng lúc sẽ gây sức ép kinh tế cho các trường.
“Nếu các trường cải thiện hệ thống chỉ để dùng trong khoảng thời gian ngắn từ 4 - 8 tiếng thì chi phí bỏ ra tại thời điểm đó sẽ rất cao, gây lãng phí. Giải pháp ở đây là chia nhỏ thời gian đăng ký học phần của các khóa thật hợp lý, đảm bảo hệ thống chỉ nhận đủ số lượng truy cập có thể tải thì tình trạng sẽ đỡ hơn”, vị này nói.
Theo tiến sĩ Hải, chủ trương của nhà trường là ưu tiên cho SV sắp tốt nghiệp đăng ký trước 2 ngày để đảm bảo các SV có thể hoàn thành tất cả môn học và ra trường đúng hạn. “Tuy nhiên, một số bạn lại lợi dụng chính sách này để đăng ký giữ chỗ nhiều môn ngoài chương trình học và “bán chỗ” cho các SV khác. Việc này cũng đã xảy ra ở những năm trước nhưng nhà trường đã khắc phục sau khi nâng cấp hệ thống”, tiến sĩ Hải thông tin.
Với những bài viết cam kết đăng ký giùm học phần cho SV trên các diễn đàn mạng xã hội, thầy Hải cảnh báo đây có thể là hình thức lừa đảo. “SV nếu gặp khó khăn trong quá trình học nên liên hệ các kênh thông tin chính thức của trường như phòng đào tạo, phòng công tác SV… Nhà trường và các thầy cô cố vấn, chủ nhiệm khoa sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc một cách tốt nhất cho các bạn. Nếu phát hiện SV có hành động phá hoại hệ thống thì trường sẽ mời lên làm việc, còn xác minh được là người bên ngoài thì trường sẽ phối hợp với công an để có biện pháp xử lý phù hợp”, tiến sĩ Hải nói.
Bình luận (0)