Giao Bộ Công thương quản lý toàn bộ về xăng dầu có khả thi ?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/10/2022 20:20 GMT+7

Có chuyên gia cho rằng, nên phối hợp đồng bộ để giải quyết vấn đề lộn xộn trên thị trường xăng dầu hiện nay. Cũng không ít ý kiến đồng tình nên tập trung về một đầu mối quản lý để tránh trồng chéo, để Bộ Công thương có thể chủ động điều hành...

Phối hợp thay vì "đá qua, đá lại"

Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây có ý kiến sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động. Tại sao Bộ Tài chính đưa ra đề nghị này?

Trước đó 5 ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương trong cuộc họp báo thừa nhận tình hình cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm, chi phí đưa xăng về nước, chi phí kinh doanh… tăng mạnh nhưng Bộ Tài chính chậm điều chỉnh khiến doanh nghiệp lỗ kéo dài không dám nhập về bán. Mà những vấn đề liên quan đến chi phí, thuế đối với mặt hàng xăng dầu thì thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Thế nên, để xăng dầu khan hiếm, thiếu hụt nhiều trong thời gian qua là một phần trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính.

Kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dẫn chứng từ đầu năm đến nay, Bộ này đã thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít xăng dẫn đến ngân sách thu 28.000 tỉ đồng. Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%; điều chỉnh 2 lần chi phí vận chuyển và quản lý cho mỗi lít xăng RON92 gần 2.000 đồng/lít. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã gửi lấy ý kiến các doanh nghiệp đầu mối và Bộ Công thương về vấn đề xin nâng định mức chi phí, nhưng đến nay mới nhận được phản hồi của 6 doanh nghiệp đầu mối, ý kiến của Bộ Công thương vẫn chưa thấy…

Luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, giả sử như rút hết các trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài chính được quy định trong Nghị định 95 về mặt hàng xăng dầu, từ việc hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý về quỹ bình ổn xăng dầu, kiểm tra giám sát quỹ thương nhân đầu mối thực hiện các quy định về trích, chi sử dụng quỹ; hay hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu… đến xác định các chi phí đưa xăng dầu về nước, điều chỉnh chi phí thế nào… thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính riêng mặt quản lý giá cả thôi vẫn còn “vướng” trong rất nhiều văn bản pháp quy khác.

Luật Giá 2012, quy định: “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá”. Hay với Nghị định 87 năm 2017 cũng ghi rõ: Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Tại điều 2 về nhiệm vụ và quyền hạn, Bộ Tài chính cũng đảm nhiệm vụ và quyền hạn về giá, quản lý thuế, phí, lệ phí; quản lý dự trữ quốc gia, tổ chức bảo quản, nhập, xuất, mua, bán, luân phiên đổi hàng đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật... Chưa tính các bộ ngành khác quản lý về kỹ thuật, môi trường… liên quan đến mặt hàng xăng dầu cũng phải “rút lui” theo đề nghị này để giao toàn bộ cho Bộ Công thương.

Từ góc nhìn đó, luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, điều thị trường xăng dầu cần là làm tốt công tác phối hợp giữa các bộ quản lý trực tiếp hơn là giao toàn bộ về cho cơ quan nào. Kế đó là thiết lập thị trường lại, giao quyền quyết định giá về cho bên bán, bên mua… có cạnh tranh và được giám sát tốt. "Thị trường xăng dầu thời gian qua lộn xộn do giá thế giới tăng, khó khăn bủa vây doanh nghiệp, nhà quản lý điều hành có lúng túng và không ít khó khăn. Nhưng thay vì hợp tác để có giải pháp tốt nhất thì các cơ quan quản lý lại “đá” quả bóng trách nhiệm qua lại. Thấy trách nhiệm nặng nề, khó giải quyết lại nản lòng, thoái thác kiểu "tôi giao hết cho anh đấy, anh giỏi cứ quản lý cho tốt vào là không nên", cần phối hợp để điều hành một cách tốt nhất" - LS Tám nhấn mạnh.

Giao cho Bộ Công thương chủ động ?

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), lại cho rằng đề xuất trên của Bộ Tài chính là hợp lý. Bộ Công thương muốn có cơ chế hoàn chỉnh để doanh nghiệp đầu mối hoạt động tương đối độc lập, doanh nghiệp trung gian cũng độc lập, doanh nghiệp bán lẻ độc lập thì cần có cơ chế về giá. Khi đó các cơ chế, quy định về định mức chiết khấu sẽ hợp lý hơn. Doanh nghiệp độc lập, kinh doanh tốt được lãi nhiều, kinh doanh không hiệu quả tự đóng cửa, phá sản. Quan trọng là lập lại trật tự hoạt động kinh doanh xăng dầu mà việc này nằm trong tay Bộ Công thương.

Theo ông Thịnh, hiện chúng ta có 34 doanh nghiệp đầu mối, 332 thương nhân phân phối được cấp phép và quản lý bởi Bộ Công thương. Bên cạnh đó là 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu do chính quyền địa phương cấp phép và quản lý. Trong thực tế, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, không phải ai mua về bán cũng thành công. Nó cần có chuyên gia về ngành này để đàm phán, hiểu và biết dự báo, nắm được xu thế thị trường thế giới và phân tích xu hướng, con số để đưa ra quyết định nhập khẩu theo kỳ hạn ngắn hay dài thế nào. Ngắn thì 10 - 15 ngày, dài từ 1-6 tháng. Nhưng phải biết dự báo để đưa ra quyết định. Việc có nhiều đầu mối kiểu “trăm hoa đua nở” những tưởng sẽ tạo được môi trường cạnh tranh tốt, song khi thị trường biến động quá lớn, dự báo khó khăn, trường vốn yếu… sẽ gặp thua lỗ ngay.

Thế nên, cũng theo TS Thịnh, giao về cho Bộ Công thương, cơ quan quản lý từ doanh nghiệp nhập đến doanh nghiệp phân phối, sẽ chủ động và hiểu được cơ chế về chi phí tăng giảm thế nào, từ đó có phương án xây dựng giá tốt nhất. Bên cạnh đó, trong quá trình kiến thiết lại thị trường và bộ máy một cách linh hoạt, chúng ta có thể cắt giảm bớt chi phí trung gian để doanh nghiệp bán lẻ lẫn người tiêu dùng tiếp cận được mức giá xăng dầu tương đối tiệm cận với giá thế giới mà không bị thiếu hàng hay lỗ lã thường xuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.