Chiến thuật 'nước rút' ôn thi THPT quốc gia

Bích Thanh
Bích Thanh
10/05/2019 11:07 GMT+7

Còn hơn tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra. Các giáo viên gợi ý cho học sinh những cách thức ôn tập hiệu quả.

Ôn kỹ kiến thức lớp 12

Từ đề minh họa năm 2019, giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nhận xét: Câu hỏi mang tính lý thuyết chỉ ở mức độ nhận biết và chiếm gần 50% trong đề thi. Cách đặt câu hỏi trong đề rất đa dạng và phương án nhiễu thường nhắm đến những sai lầm khi học sinh (HS) không nắm chắc lý thuyết. Do vậy, HS phải nắm vững các định nghĩa, khái niệm, công thức, định lý và tính chất có trong SGK lớp 12, cũng như các công thức trong hệ tọa độ OXY, phương trình các đường cônic, các công thức liên quan đến cấp số cộng, cấp số nhân, quy tắc đếm, đại số tổ hợp, trong chương trình lớp 10 và 11.

Đề thi thường có một số bài toán thực tế như: bài toán lãi suất, bài toán tính chi phí để làm một dụng cụ nào đó, bài toán vật lý... Những bài toán này có sẵn trong SGK và không khó, HS chỉ cần ôn lại các công thức liên quan những vấn đề đã nêu ở trên.
Giáo viên Đỗ Đức Anh, tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chia sẻ bí quyết “hạ gục” giám khảo bằng chiến thuật ôn thi nước rút thông minh. “Rất nhiều HS đang rơi vào tình trạng choáng váng với khối lượng kiến thức khổng lồ, băn khoăn viết dài chưa chắc đã điểm cao, loay hoay không biết viết sao cho đủ ý, bấn loạn vì học xong rồi lại quên ngay, không có cảm xúc để cảm thụ…”, thầy Đức Anh cho biết.

Học theo bảng biểu, sơ đồ

Để quá trình ôn tập trong giai đoạn này đạt kết quả tốt nhất, theo giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), sự lựa chọn tổ hợp bộ môn khoa học xã hội để xét tuyển tốt nghiệp hay dùng điểm môn lịch sử để xét tuyển vào các trường ĐH là yếu tố quan trọng trong việc giới hạn nội dung ôn tập.
Nếu để xét tuyển tốt nghiệp thì HS nên tập trung ôn tập chương trình lớp 12. Nếu xét tuyển vào ĐH thì phải mở rộng ôn tập kiến thức lớp 10, 11. Đặc thù của môn lịch sử là bao gồm nhiều sự kiện, trải qua nhiều thời gian khác nhau nên để nhớ nhiều và nhớ lâu cách học tốt nhất là học theo kiểu hệ thống hóa theo chuyên đề, học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, các bảng thống kê…
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM ôn tập môn địa lý Đào Ngọc Thạch
Còn giáo viên Trần Ngọc Anh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), hướng dẫn để học tốt môn địa lý, ngoài học các nội dung cơ bản trong bài bằng các sơ đồ, bảng so sánh, bài ghi, gạch chân nội dung chính... thì HS phải thường xuyên rèn luyện các bài tập trắc nghiệm, thử thách với các dạng câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp và rút ra bí quyết riêng cho mình khi giải đề. Theo giáo viên này, được sử dụng Altat địa lý là một lợi thế rất lớn, giúp giải nhanh các câu về Altat, HS cũng nên dùng chính Atlat để đọc thêm thông tin nhằm trả lời các câu liên quan khác.
Bí quyết ôn thi đạt điểm cao trên các kênh của Báo Thanh Niên
Hằng tuần, từ thứ hai đến thứ bảy, vào khung giờ 18 giờ 30 và 20 giờ 30, Báo Thanh Niên phát sóng các chuyên đề ôn tập của 9 môn thi trong chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao. Chương trình có sự tham gia của các giáo viên giàu kinh nghiệm trong việc hướng dẫn HS lớp 12 ôn thi của các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Marie Curie.
HS trên cả nước có thể theo dõi trực tiếp hoặc xem lại các bài giảng đã phát sóng tại các kênh truyền thông của Báo Thanh Niên như sau: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.