Cô giáo vào rừng kiếm học trò về học

Vũ Thơ
Vũ Thơ
30/10/2019 08:38 GMT+7

Từ dưới xuôi lên miền núi dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Thoa đã vượt qua nhiều khó khăn để bám trụ với nghề và truyền cảm hứng cho học sinh dân tộc thiểu số biết nghiên cứu khoa học phục vụ cuộc sống .

3 lần vào rừng vận động học trò

Cô Nguyễn Thị Thoa (35 tuổi, quê ở Bắc Giang) là giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát, H.Lộc Bình, Lạng Sơn. Đây là trường nằm ở xã vùng 3 (vùng có tốc độ tăng trưởng thấp nhất - PV), với hai dân tộc sinh sống chủ yếu là Nùng và Sán Chỉ. Trường cách trung tâm thị trấn Lộc Bình tới 22 km, đường đi rất gian nan.
Chia sẻ về những ngày đầu tiên đến với nghề, cô Thoa kể: “Thời gian đầu có lúc nản, tôi muốn buông xuôi, phần vì nơi này quá heo hút, phần vì quá nản với công việc. Tôi nhớ những buổi đầu lên lớp học trò ngơ ngác, bỡ ngỡ vì có cô giáo lạ nên cứ nhìn thấy cô là tránh. Có khi đang đi đường nhìn thấy cô cũng nấp vào bụi cây. Nghe các em nói chuyện tôi cũng không hiểu gì vì các em toàn giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc”.

Chạm sâu vào trái tim nhiều người

 
Đến thăm hỏi và tuyên dương các giáo viên tiêu biểu dạy học sinh dân tộc thiểu số tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn - những địa phương hằng năm phải chịu nhiều tác động của gió mùa đông bắc, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: “Cho dù điều kiện thiếu thốn, nhưng các thầy cô vẫn sớm hôm miệt mài bên trang giáo án để tìm ra phương pháp giảng dạy, học tập mới sao cho thật gần gũi và hiệu quả đối với các em. Ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn không quản khó khăn, nhọc nhằn để trèo đèo, vào sâu, động viên các em đồng bào dân tộc vượt qua hoàn cảnh của gia đình, vận động các em cùng các bạn đến trường mỗi ngày.
Chúng tôi thật sự rất xúc động và khâm phục các thầy cô giáo ở nơi non cao, hơn bất cứ điều gì. “Tâm huyết với nghề” chính là tài sản quý giá nhất của các thầy cô, nó đã làm sáng bừng lên cả một vùng trời đông bắc, chạm sâu vào trái tim của nhiều người. Thầy cô đã dẫn dắt các em đến với cánh cổng của tri thức, dạy các em hiểu được “Học là cách duy nhất để thoát nghèo”.
Nhưng rồi kiên trì bám trụ với nghề suốt 13 năm qua, cô đã dìu dắt được nhiều thế hệ học sinh (HS) dân tộc miền núi trưởng thành. Có những em đã bỏ học được cô động viên quay lại trường và giờ đã thành công trong cuộc sống. Đó là một em HS lớp 9, quyết định bỏ học vì gia đình khó khăn, trường cách xa nhà tới 12 km. Cô đã tìm đến tận nhà để vận động. “Lần đầu tiên em ấy chạy lên rừng, không thể gặp được. Tôi đi xe máy 7 km đến giữa đường thì phải bỏ xe giữa dốc để đi bộ hàng tiếng mới đến nơi, nhưng em ấy bỏ trốn. Tôi nghĩ cách dùng tập thể lớp đến vận động em. Lần thứ 3 tôi nhờ các em trong lớp đi cùng. Thế là 20 cô trò đi bộ 3 tiếng để đến nhà, nhưng em ấy vẫn không tiếp. Tôi nhờ các bạn cùng thôn đi tìm về và các bạn đã vận động bằng cách “dọa”: “Nếu không đi học thì không ai làm bạn nữa”. Vì tình bạn, em ấy đã đến trường và giờ cũng khá thành công trong cuộc sống”, cô Thoa chia sẻ.
Đặc biệt, có một HS nhà nghèo phải bỏ học, đã được cô nhận nuôi ăn ở cùng mình tại trường và hỗ trợ chi phí ăn học. “Hai cô trò ở với nhau suốt năm học lớp 7. Đến năm học lớp 8, Ban giám hiệu nhà trường thấy hoàn cảnh khó khăn của HS nên dành ra một phòng học cho các em ăn ở tại trường”, cô Thoa nhớ lại. Cô cũng chia sẻ, những năm đầu chưa thành lập trường bán trú, các em đi lại khó khăn, nhất là khi trời mưa trời rét, có những em phải dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ 3 tiếng mới tới trường. “Nhiều hôm trời mưa thấy các em chống gậy đến trường vừa ướt vừa lấm bẩn, vừa đói mà tôi thấy sống mũi mình cay cay”, cô Thoa xúc động kể.

Hạnh phúc là khi các em thành đạt

Có lẽ những hình ảnh đó là động lực để giúp cô tâm huyết với nghề. Cô Thoa chia sẻ: “Các em khó, khổ như vậy mới đến được với con chữ nên là một giáo viên, tôi không cho phép mình được lười biếng, được chán nản. Tôi luôn nghĩ một tiết học dở sẽ làm các em thấy chán đến trường, nên trong công tác chuyên môn tôi luôn muốn mang đến cho các em những tiết học thú vị để các em yêu trường yêu lớp hơn. Chỉ cần các em yêu mến môn học của mình là tôi thấy đã thành công”…
Từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cô tiếp tục hướng dẫn HS thi HS giỏi bộ môn và đã có 2 HS đoạt giải ba cuộc thi HS giỏi cấp huyện môn sinh học lớp 8. Trong 13 năm công tác tại trường, cô Thoa có 9 năm đạt danh hiệu lao động tiên tiến; 4 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 5 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện; 1 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Trải lòng về những gì đã làm được, cô Thoa nói: “Niềm vui của tôi là mỗi năm đến 20.11 lại nhận được những lời chúc mừng, thậm chí là những đóa hoa rừng của HS. Làm nghề giáo, cái mình cần không phải là vật chất mà là nhìn thấy các em thành đạt là hạnh phúc nhất rồi. Tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp rằng: cuộc sống của chúng ta có thể gặp những khó khăn, nghề của chúng ta có thể gặp bao nhiêu áp lực nhưng khi chúng ta có tấm lòng, có tình thương, có tình yêu nghề mãnh liệt thì ở đâu chúng ta cũng gieo được những tâm hồn, những hạt giống tốt”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.