Dành những gì tốt nhất cho giáo dục

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/08/2019 07:27 GMT+7

Hôm nay (19.8), học sinh trên cả nước bắt đầu tựu trường bước vào năm học mới. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định năm học này là năm 'bản lề' chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa (bắt đầu từ lớp 1), trong đó ngành GD-ĐT quyết tâm dành những gì tốt nhất cho giáo dục .

Dự kiến tuyển dụng thêm 23.000 giáo viên

Năm học tới là năm “bản lề” chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu từ lớp 1. Xin ông cho biết đến thời điểm này công tác chuẩn bị ra sao?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

T.M

Vấn đề đặt ra để chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào cuộc sống thì Bộ phải làm 2 việc: biên soạn sách giáo khoa (SGK) và tập huấn cho tất cả giáo viên (GV) được tham gia, hiểu về chương trình. Hiện đã hoàn tất việc xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng GV.
Thay đổi mạnh mẽ nhất lần này là Bộ chủ trương biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng của GV, tất cả tài liệu và các bài giảng minh họa sẽ được đưa lên mạng để các GV có thể tự học, học qua mạng trong khoảng 1 tháng. Sau đó sẽ gặp gỡ trực tiếp các giảng viên cốt cán để được giải đáp những vướng mắc, khó khăn mà GV gặp phải.
Bộ cũng đang xây dựng phần mềm kiểm tra, đánh giá sau khóa tập huấn, bồi dưỡng, GV sẽ làm một bài kiểm tra, nếu đạt các yêu cầu thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Giấy chứng nhận này có thể sẽ do các trường ĐH sư phạm được giao nhiệm vụ này cấp.

Việc quan tâm thỏa đáng về chính sách cho giáo viên là rất cần thiết khi mà đổi mới giáo dục có những yêu cầu cao hơn 

Nhiều địa phương đang thừa - thiếu GV cục bộ, có những môn học, bậc học thiếu GV nhưng lại không có chỉ tiêu tuyển dụng, theo chủ trương giảm biên chế. Bộ GD-ĐT có kiến nghị gì với Chính phủ và Bộ Nội vụ về khó khăn này?
Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương rà soát lại đội ngũ GV, đề xuất nhu cầu của các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ Chính trị để báo cáo và xin chủ trương về việc cho phép tuyển dụng thêm 23.000 GV. Bộ Chính trị đã yêu cầu 2 bộ đề xuất cụ thể về nhu cầu tuyển dụng GV của từng địa phương. Tinh thần là ở đâu có học sinh (HS), ở đó phải có đủ GV. Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện yêu cầu này.
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì ở cấp tiểu học, việc dạy học 2 buổi/ngày sẽ là bắt buộc thay vì tự chọn như hiện nay. Vậy cơ chế chính sách với GV có gì thay đổi không, thưa ông?
Đúng là Bộ sẽ phải đề xuất vấn đề này. Bộ đang nghiên cứu định mức giờ dạy khi GV thực hiện chương trình mới để đề xuất chính sách phù hợp nhằm tránh thiệt thòi cho GV và cả cán bộ quản lý nếu phải làm thêm giờ, thêm việc. Do vậy, việc quan trọng là cơ cấu lại đội ngũ GV, tăng số lượng GV dạy các môn học chuyên biệt như tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…
Chúng tôi xác định việc quan tâm thỏa đáng về chính sách cho GV là rất cần thiết khi mà đổi mới giáo dục có những yêu cầu cao hơn, dạy học phát triển năng lực HS đòi hỏi GV phải có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi lên lớp. Đối tượng và mục tiêu thay đổi thì GV sẽ phải thay đổi, họ phải rất tâm huyết, thậm chí là “lao tâm khổ tứ” để thực hiện yêu cầu mới.
Dành những gì tốt nhất cho giáo dục2

Năm học mới là năm “bản lề” chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu từ lớp 1

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ít nhất 1/3 GV đứng lớp tham gia hội đồng chọn SGK

Những GV trực tiếp đứng lớp có vai trò, tiếng nói gì trong việc lựa chọn SGK hay không, thưa ông?
Hiện có 5 bộ SGK lớp 1 trọn vẹn và SGK lẻ của một số môn đang được thẩm định. Dự kiến cuối tháng 9 thẩm định xong và được công bố danh mục SGK đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. UBND các tỉnh, thành có quyền chọn SGK cho HS địa phương mình. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư về việc thành lập hội đồng lựa chọn SGK, mỗi tỉnh sẽ có một hội đồng tham vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc lựa chọn.
Tinh thần là trong thành phần của hội đồng này phải có GV trực tiếp tham gia giảng dạy và chiếm 1/3 số lượng. Đây là những người thực dạy, hiểu HS để chọn những cuốn SGK phù hợp nhất. Đội ngũ GV này sẽ phải đại diện cho cả vùng thuận lợi và khó khăn để thảo luận và tìm được tiếng nói chung trong việc chọn SGK sát với thực tế, tránh trường hợp vùng thuận lợi chọn SGK cho HS vùng khó khăn và ngược lại.
Đến thời điểm này có thể đánh giá ra sao về chất lượng SGK lớp 1 đang được thẩm định, thưa ông?
Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định xong lần 1 với một số bộ SGK lớp 1, cơ bản đánh giá là SGK đã cụ thể hóa được tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đánh giá ban đầu là “đạt nhưng cần phải sửa chữa”, không có cuốn SGK đạt mà không phải sửa chữa gì. Các nhóm tác giả đang có 1 tháng để chỉnh sửa theo yêu cầu, đầu tháng 9 sẽ gửi lại để thẩm định lần 2.
Việc thẩm định cũng làm liên tục với từng bộ/cuốn SGK chứ không đồng loạt cả 5 bộ SGK. Tôi khẳng định là việc thẩm định rất chặt chẽ, chi tiết, ghi rõ từng cuốn phải sửa những gì.
Tất nhiên, các nhóm tác giả có quyền phản biện. Khi có kết quả, hội đồng sẽ mời nhóm tác giả đến để công bố và yêu cầu chỉnh sửa những nội dung, chi tiết cụ thể. Những gì hợp lý thì họ sẽ tiếp thu, cái gì họ bảo lưu thì sẽ nêu ý kiến bằng văn bản. Tinh thần là làm việc khách quan, dân chủ nhưng độc lập.
Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì tổ chức biên soạn 1 bộ SGK để đảm bảo có đủ SGK khi thực hiện chương trình mới. Vậy khi Bộ không có đủ tác giả tham gia viết SGK nữa đồng nghĩa với việc sẽ không có bộ SGK do Bộ chủ trì biên soạn?
Kể cả nếu Bộ biên soạn SGK theo tinh thần của Nghị quyết 88 thì bộ SGK ấy cũng sẽ bình đẳng trong việc thẩm định và lựa chọn với các bộ và cuốn SGK. Do vậy, khi không có đủ tác giả tham gia biên soạn SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì và phải thực hiện mục tiêu xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia viết SGK, Bộ đã báo Chính phủ về thực tế này để Chính phủ báo cáo với Quốc hội. Mục tiêu cuối cùng là phải có đủ SGK của từng cấp học, môn học đạt chuẩn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
 Các nội dung tập trung cho năm học mới
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, sẽ tập trung vào các nội dung:
- Cố gắng để sĩ số HS đảm bảo theo chuẩn, tối đa là 35 HS/lớp, học 2 buổi/ngày. Bộ sẽ rà soát mạng lưới, quy mô trường học để đáp ứng được nhu cầu học tập, nhất là cho HS lớp 1.
- Xây dựng đội ngũ GV, xác định GV là quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo. Đặc biệt là việc bồi dưỡng GV dạy chương trình mới.
- Coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Nhà giáo phải quan tâm tới giáo dục đạo đức, phương pháp sư phạm; là tấm gương cho HS.
- Chuyển từ quản lý bằng mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác.
- Tiếp tục tiếp thu những ý kiến góp ý để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 tốt hơn.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.