Điểm thi một số môn tốt nghiệp THPT của TP.HCM nằm ngoài tốp 30 cả nước

Bích Thanh
Bích Thanh
31/08/2020 17:43 GMT+7

Ông Dương Anh Đức chỉ ra điều đáng lo từ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ngoài môn toán, tiếng Anh có kết quả nổi trội, nhiều môn còn lại, kết quả của học sinh thành phố nằm ngoài xếp hạng tốp 30 trên cả nước.

Ngày 31.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ từ bậc mầm non đến THPT năm học 2020-2021.

Thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học

Theo đó, trong báo cáo tổng kết năm học 2019-2020 từ bậc mầm non đến THPT, toàn thành phố có 1.391 trường công lập và 1.002 trường ngoài công lập ở tất cả bậc học. Đánh giá về những khó khăn, hạn chế, lãnh đạo Sở cho hay ở bậc mầm non sĩ số học sinh/lớp còn cao, khó khăn trong việc đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 10 m2/trẻ ở các quận trung tâm. Trong khi đó, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không ổn định, trình độ trên chuẩn chưa cao. Các cơ sở giáo dục không có biên chế nhân viên phục vụ, gây khó khăn cho việc đảm bảo vệ sinh.

Ở bậc tiểu học, áp lực tăng dân số khiến số trường và số phòng học chưa đủ đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,34 chưa đủ so với quy định chung là 1,5 giáo viên/lớp. Nhiều trường tiểu học còn thiếu giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học - Công nghệ. Toàn thành phố hiện có 96,3% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh ở cả 5 khối lớp. Tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực (từ B2 trở lên) là 51,23%.

Trong năm học mới, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ngành giáo dục sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19, nhất là Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động, tích cực, và sáng tạo của học sinh. Đẩy mạnh hoạt động chuyên đề, tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. Tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, lồng ghép định hướng nghề nghiệp. Khuyến khích học sinh nghiên cứu các ứng dụng trong đời sống thực tiễn thông qua các dự án nhỏ và vừa, phù hợp lứa tuổi. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm học thuật trong nhà trường làm nền tảng cho hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học…

Giải pháp cho tình trạng thiếu chỗ học cục bộ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, ngành giáo dục đã có những sáng tạo, mạnh dạn đưa vào các chương trình đạo đạo phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, ông Đức cũng chỉ ra điều đáng lo từ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ngoài môn toán, môn tiếng Anh có kết quả nổi trội thì một số môn còn lại, kết quả của học sinh thành phố nằm ngoài xếp hạng tốp 30 địa phương trên cả nước. Vì vậy, ngành giáo dục nên xem xét nghiên cứu để cải thiện kết quả nói trên trong những năm học tới vì nền tảng kiến thức phổ thông rất quan trọng để tiếp bước ở những bậc học trên. Cần thiết có thể tổ chức các hội thảo để tìm ra các giải pháp thiết thực.

Thêm vào đó, ông Đức chỉ ra tình trạng thiếu chỗ học cục bộ, có trường có quá nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em theo học và ngược lại. Vì vậy ngành giáo dục cần làm cho chất lượng và môi trường học tập của các cơ sở giáo dục gần lại với nhau. Chỉ có như vậy mới làm giảm áp lực trong giáo dục từ mầm non cho đến THPT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.