Đối sánh học và thi: Xây dựng nền giáo dục học thật, thi thật và nhân tài thật

21/05/2021 07:41 GMT+7

Sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh giữa điểm học bạ và điểm thi của học sinh 60 tỉnh, thành phố thi THPT đợt 1. Việc làm này đã được xã hội đồng tình cao.

Mới đây, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì việc đối sánh này cần phải tiếp tục thực hiện và ngày càng hoàn thiện hơn.

Đối sánh để thấy sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ

Qua đối sánh đã xác định điểm trung bình (TB) điểm thi 60 tỉnh, thành phố là 6,15. Trong đó, 11 tỉnh, thành phố có trung bình điểm thi cao: Bình Dương (TB điểm thi 6,84; xếp thứ 1), Nam Định (6,82; 2), An Giang (6,68; 3), Ninh Bình (6,62; 4), Hà Nam (6,59; 5), TP.HCM (6,59; 6), Hải Phòng (6,53; 7), Bạc Liêu (6,52; 8), Vĩnh Phúc (6,5; 9), Lâm Đồng (6,45; 10) và Cần Thơ (6,45; 11).
Một số địa phương do điều kiện khó khăn nên kết quả kỳ thi thấp hơn TB toàn quốc, như Tuyên Quang (TB điểm thi 5,91; xếp thứ 50), Điện Biên (5,84; 51), Ninh Thuận (5,81; 52), Đắk Nông (5,81; 53), Lạng Sơn (5,8; 54), Yên Bái (5,8; 55), Lai Châu (5,77; 56), Cao Bằng (5,6; 57), Hòa Bình (5,46; 58), Sơn La (5,36; 59) và Hà Giang (5,06; 60).
Về chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có sự rộng, hẹp khác nhau. Hẹp nhất là Bình Dương (chỉ 0,32 điểm) và rộng nhất là Long An và Nghệ An (cùng mức 1,7 điểm). Có 11 địa phương được đánh giá tốt (điểm chênh lệch dưới 1,0), gồm: Bình Dương (chênh lệch 0,32; xếp thứ 1), Ninh Bình (0,45; 2), Bạc Liêu (0,54; 3), Lâm Đồng (0,62; 4), Lào Cai (0,64; 5), Phú Thọ (0,68; 6), Bắc Kạn (0,68; 7), Vĩnh Phúc (0,7; 8), Nam Định (0,77; 9), Tây Ninh (0,78; 10) và Cần Thơ (0,85; 11).
Trong khi có 10 địa phương điểm chênh lệch khá rộng, gồm: Sơn La (điểm chênh lệch 1,43; xếp thứ 51), Hà Nội (1,47; 52), Hưng Yên (1,57; 53), Hải Phòng (1,59; 54), Bắc Ninh (1,61; 55), Hà Giang (1,65; 56), Phú Yên (1,67; 57), Quảng Ninh (1,69; 58), Long An (1,7; 59) và Nghệ An (1,7; 60). Một số địa phương, thứ hạng điểm thi và thứ hạng điểm chênh lệch vênh nhau như: Hải Phòng (điểm thi có thứ hạng 7; điểm chênh lệch có thứ hạng 54); TP.HCM (6; 23); Hà Nội (18; 52); Long An (22; 59).

Học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới

Đào Ngọc Thạch

Đối sánh giúp địa phương cải tiến chất lượng giáo dục

Theo các chuyên gia giáo dục, việc đối sánh, công khai điểm thi, thứ hạng có thể gây áp lực cho địa phương. Tuy nhiên, đây là những chỉ báo rất tốt để các đơn vị biết được vị trí của mình đang ở đâu trong tương quan so sánh, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Chẳng hạn, qua đối sánh, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh có truyền thống về học sinh (HS) giỏi, tuy nhiên chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh còn thấp, nhất là ở 11 huyện miền núi. Cần có giải pháp nâng cao chất lượng đại trà để Nghệ An nằm trong top 15 toàn quốc về thi THPT.
Có thể khẳng định rằng khi HS cả nước cùng tham dự một kỳ thi với chung đề thi, thì việc đánh giá HS sẽ sát hơn trình độ của các em và cung cấp nhiều thông tin để địa phương và ngành giáo dục điều chỉnh việc dạy và học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục từng nhà trường và địa phương, giảm hiện tượng giáo viên nới lỏng trong đánh giá để HS có lợi trong tốt nghiệp.

Đối sánh cần toàn diện hơn

Đối sánh có 3 mục tiêu quan trọng: hiểu rõ hiện trạng của chính mình; xác định các khoảng cách giữa mình và các chuẩn khách quan bên ngoài mà mình muốn đạt; học hỏi những phương pháp thành công tốt nhất từ đơn vị khác triển khai tại đơn vị mình.
Đối sánh không phải là một công cụ đo lường dữ liệu, dựa trên dữ liệu đó để chỉ trích, hạ uy tín nhau hay tâng bốc thành tích của mình mà cái chính là tìm hiểu thực trạng của mình, so sánh, đối chiếu với đơn vị khác để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục không chỉ được đánh giá thông qua chỉ một kỳ thi, mà cần đối sánh nhiều lĩnh vực khác nữa. Chẳng hạn, đối sánh về thành tích HS giỏi quốc gia, HS giỏi quốc tế, về phân luồng HS...
Cần xây dựng hệ thống đối sánh giáo dục quốc gia
Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT dựa trên kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm đưa ra bảng xếp hạng THPT theo tiêu chí là bình quân tổng điểm 3 môn thi ĐH của HS từng trường, từng tỉnh, thành phố.
Việc xếp hạng này được xã hội ghi nhận. ĐH Quốc gia TPHCM dựa vào bảng xếp hạng trường THPT để tuyển thẳng HS tốt nghiệp giỏi ở các trường THPT có thứ hạng cao. Đây là một minh chứng cho giá trị thực tiễn của đối sánh trong giáo dục.
Năm 2018, nhờ so sánh phổ điểm các môn thi đã phát hiện ra vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Năm 2020, Bộ đã tiến hành đối sánh điểm thi và điểm học bạ của HS dự thi THPT.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đối sánh như các nước. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần xây dựng hệ thống đối sánh quốc gia, do Cục Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm phát triển và duy trì. Hệ thống này sẽ tích hợp dữ liệu từ hệ thống quản lý thi THPT và hệ thống thông tin quản lý giáo dục EMIS (hiện đã số hóa và định danh 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên và 23 triệu HS). Nếu xây dựng được hệ thống này, trường phổ thông và địa phương sử dụng để tiến hành đối sánh giữa các trường học với nhau trên nhiều phương diện và công khai chất lượng giáo dục cho xã hội biết. Đây sẽ là một công cụ hữu hiệu nhằm hướng đến một nền giáo dục học thật, thi thật và nhân tài thật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.