Không dễ có bảng xếp hạng đáng tin cậy!

09/09/2017 07:46 GMT+7

Các chuyên gia có chung nhận định, để có một bảng xếp hạng khả tín thì ngoài yếu tố kỹ thuật chuyên môn và dữ liệu đáng tin cậy, cần có nguồn lực đủ lớn về con người cũng như tài chính.

Chất lượng dữ liệu là tối quan trọng
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quyên, nguyên Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Kinh tế Hà Nội, cho rằng để có một bảng xếp hạng tốt thì cần có bộ chỉ số tốt, cấu trúc và hệ số hợp lý, phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu và dữ liệu chuẩn. Tuy nhiên, với hiện trạng giáo dục ĐH ở VN, việc lấy được bộ dữ liệu tốt, đáng tin cậy để làm xếp hạng là trở ngại lớn và nan giải nhất. "Đây có thể là lý do những nỗ lực xây dựng hệ thống xếp hạng ĐH ở VN chưa có kết quả" - bà Quyên nói.

tin liên quan

Cẩn trọng với 'bẫy' xếp hạng đại học
Sự kiện một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng đại học VN gây tranh luận mới đây không chỉ vì là bảng xếp hạng đầu tiên trong nước, mà còn thể hiện nhu cầu “khát” xếp hạng đại học trong đời sống xã hội. 
Còn theo GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, yêu cầu đầu tiên của việc xếp hạng là phải đạt độ tin cậy về dữ liệu, nếu không thì kết quả xếp hạng không có ý nghĩa. Ông Thanh dẫn chứng những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới đều có một nguồn dữ liệu được tập hợp từ nhiều năm, nền tảng dữ liệu khá chắc chắn. Thậm chí, họ phải mua các dữ liệu nếu không thể tiếp cận bằng các cách khác.
Ông Thanh cũng cho biết, trong các tổ chức xếp hạng sẽ có các chuyên gia về giáo dục để xác định xem những chỉ số như vậy đã phản ánh đầy đủ những chiều cạnh họ quan tâm hay chưa.
Xác định bộ tiêu chí
Gắn sao thay vì xếp hạng
Theo GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, việc xếp hạng bao giờ cũng có sai số và điều này khiến việc xếp hạng biến từ hợp tác thành một cuộc cạnh tranh nhiều khi không tích cực. Hiện nay, ĐH này tư vấn cho Bộ GD-ĐT phát triển theo hướng xếp hạng theo nhóm tương tự bảng xếp hạng gắn sao của QS (QS Star) mà một số trường ĐH VN đã thực hiện. Nguyên tắc của việc xếp hạng này là nếu các trường đáp ứng các tiêu chí ở mức điểm nào đó thì sẽ gắn sao tương ứng. Hướng đi này có vẻ phù hợp với VN vì mỗi trường sẽ tự đối sánh theo một bộ tiêu chí được xây dựng sẵn.

GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng gắn sao là cách thức thúc đẩy chất lượng nhiều hơn xếp hạng.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, giảng viên một trường ĐH tại TPHCM, bên cạnh dữ liệu tốt, để có một bảng xếp hạng có độ xác tín cao, quan trọng là việc xác định bộ tiêu chí. Dẫn ví dụ từ báo cáo xếp hạng 49 ĐH VN của nhóm 6 chuyên gia độc lập, bà Ly cho rằng giải thích về lý do chọn tiêu chí của nhóm cho thấy, họ đặt tiêu chí dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có và cách giải thích đó là không ổn. "Không ổn ở chỗ nó không đáp ứng được mục tiêu của xếp hạng. Xếp hạng là để làm gì? Là vì mình muốn đánh giá trường nào làm tốt, và làm tốt đến mức độ nào. Mình muốn kết quả xếp hạng đó phản ánh chất lượng hoạt động của nhà trường ở mức độ càng chính xác, càng toàn diện thì càng tốt. Nghĩa là mình xuất phát từ mục tiêu của việc xếp hạng để định ra tiêu chí chứ không phải dựa trên cái mình có sẵn mới định ra tiêu chí”, bà Ly nói.
Theo bà Ly, cơ sở quan trọng nhất để xác định tiêu chí là phản ánh được đến một mức độ nào đó chất lượng và sứ mạng của nhà trường. “Vì thế lấy một bộ tiêu chí mà dùng cho tất cả các loại trường khác nhau là rất buồn cười. Sở dĩ giới hàn lâm phản ứng với các bảng xếp hạng là vì họ dùng một thước đo và đo tất cả các trường, bất kể sứ mạng của từng trường khác nhau. Đó là chưa kể nó không phản ánh được những gì nhà trường phải làm", bà Ly cho biết.
Tổ chức phải có uy tín
Các chuyên gia cũng cho rằng rất khó để có một bảng xếp hạng thực sự uy tín và đáng tin cậy, nếu nó chỉ là sản phẩm của một nhóm cá nhân đơn lẻ thiếu thốn nguồn lực cả về con người lẫn tài chính.
Theo GS Nguyễn Quý Thanh, thông lệ các bảng xếp hạng trên thế giới cho thấy chưa có chỗ nào chỉ có một nhóm người làm. Họ đều là những tổ chức có uy tín, đã được thừa nhận ở một lĩnh vực nào đó khác. Thông thường liên quan tới truyền thông, hoặc một tổ chức nghiên cứu nào đó để đảm bảo nguồn lực để có thể hình thành một hệ thống thu thập dữ liệu khổng lồ phục vụ cho việc xếp hạng. "Tổ chức đó sẽ phải là nơi tập trung nhiều chuyên gia giáo dục, thu thập dữ liệu, thống kê, phân tích và cả những chuyên gia về công nghệ, tìm kiếm dữ liệu", GS Thanh nói.
Ông Phạm Hùng Hiệp, ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan, đề xuất ở VN nên để một tổ chức độc lập, một đơn vị tư nhân hoặc tốt nhất là một cơ quan truyền thông làm sẽ đảm bảo được tính khách quan chứ Bộ GD-ĐT hay Chính phủ không nên tham gia, thậm chí không nên quan tâm và cũng không cần có ý kiến.

tin liên quan

Giáo viên có nên mặc quần jeans áo thun?

Ăn mặc như thế nào là chuyện cá nhân của mỗi người, nhưng ở một không gian mang tính giáo dục như trường học, thì lâu nay vẫn có những quy định 'bất thành văn' về trang phục mà giáo viên nào cũng luôn lưu ý. 

Còn bà Ly thì cho rằng, những người tham gia xếp hạng ĐH cần phải là những người có chuyên môn, chuyên gia trong lĩnh vực xếp hạng ĐH. "Xếp hạng có nhiều vấn đề kỹ thuật, ví dụ như xử lý số liệu, tính toán trọng số, chuẩn hóa các loại số liệu, loại bỏ các loại dữ liệu bị nhiễu... Tất cả các vấn đề kỹ thuật đó đòi hỏi người có chuyên môn chứ không phải ai cũng làm được", bà Ly nhìn nhận.
PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng những người tham gia nhóm, tổ chức xếp hạng phải hội tụ một số điều kiện nhất định. Phải có những am hiểu về khoa học giáo dục, đồng thời cũng phải có kinh nghiệm hoặc nghiên cứu về giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, để đánh giá được toàn bộ hoạt động của một trường ĐH thì phải có những người có kiến thức về quản trị ĐH.
Ý kiến
Một dạng chạy theo thành tích
Nhiều người ca ngợi tiến bộ vượt bậc về nghiên cứu khoa học của những ngôi trường được xếp hạng cao trong danh sách xếp hạng vừa được công bố, nhưng không mấy ai để ý đến việc có những trường “quăng” tiền ra để “mua” những tên tuổi đã có thành tích khoa học rồi trả lương cao, để họ chỉ ngồi đó viết bài dưới tên của trường để tăng hạng. Còn lại thì giáo viên cơ hữu của trường không hề được đầu tư và sinh viên vẫn thuộc hàng có chất lượng khá thấp. Đây là một dạng chạy theo thành tích mà không có đóng góp gì cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng nghiên cứu, tạo ra giá trị thật cho những ngôi trường ĐH của VN. Mặt trái của việc xếp hạng ĐH đã được giới nghiên cứu cảnh báo từ nhiều năm nay. Việc mải mê chạy theo các thứ hạng cao không những không làm tăng mà còn làm giảm chất lượng giáo dục ĐH. Nó thúc đẩy các trường chạy theo những yêu cầu bên ngoài nhằm tăng hạng và bỏ qua nhiệm vụ cung cấp những chương trình giáo dục phù hợp để đáp ứng sự phát triển của xã hội.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh 
(Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ VN)
Không cẩn thận sẽ đi lệch hướng
Một bảng xếp hạng không mang tính khoa học sẽ có nhiều điều không lợi. Khi đó, có thể cổ xúy cho phong trào không lành mạnh như cố gắng làm mọi việc để thăng hạng, tập trung không toàn diện vào một số mục tiêu nào đó. Ví dụ như thuê một đội ngũ chuyên nghiệp chỉ thực hiện một nhiệm vụ, có trường tiêu cực hơn thì bỏ tiền “mua tiêu chí” thông qua hình thức nhận lương để đứng tên vào bài báo của trường... Điều này sẽ dẫn đến có khả năng tách rời sứ mạng, mục tiêu phát triển mà trường đã đặt ra. Nếu không cẩn thận thì có thể đi lệch hướng và rất nguy hiểm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính 
(Phó giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM)
Phải có tiêu chí và nguyên tắc nhất định
Bảng xếp hạng vừa rồi khiến xã hội hoài nghi độ tin cậy, tính khoa học và mục tiêu của việc làm này, đặc biệt khi các trường ĐH đột ngột bị tham gia mà không phải tự nguyện. Nguyên tắc xếp hạng là cùng loại, cùng đặc điểm, cùng tính chất. Xếp hạng phải có tiêu chí và phải có nguyên tắc nhất định khi xây dựng chứ không thể tùy tiện. Tiêu chí đó phải đo đếm được hoặc chuyển đổi được. Bảng xếp hạng vừa được công bố thì bộ tiêu chí làm chưa đúng, không khoa học nên dẫn tới bị phản ứng. ĐH quốc gia xếp chung với trường ĐH riêng lẻ thì không thể được.
PGS-TS Hồ Thanh Phong 
(Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đánh giá cần toàn diện
Việc xếp hạng một trường ĐH không thể chỉ dựa vào một vài tiêu chí. Tiêu chí mà các bảng xếp hạng hiện nay đưa ra chỉ là bước ban đầu, muốn đánh giá thực sự thì cần theo chuẩn quốc tế chứ không thể chủ quan. Mỗi trường có thế mạnh riêng nên việc đánh giá cần toàn diện.
GS-TS Vũ Đình Thành 
(Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.