Năm học mới chú trọng dạy làm người

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/09/2019 07:44 GMT+7

Giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay đang bị xem nhẹ, khi nhiều học sinh được học đủ kiến thức cao siêu, tham dự và giành giải cao ở rất nhiều cuộc thi nhưng vẫn có hành động phản cảm trong đời thường.

Năm học 2019 - 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD-ĐT hướng đến là tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh (HS), sinh viên.

Những hiểu lầm tai hại về giáo dục đạo đức

PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, chia sẻ: "Tôi thấy một cô giáo phát biểu rằng: vì có nhiều cuộc thi các môn văn hóa... nên môn đạo đức chưa được quan tâm. Tiếp xúc với giáo viên (GV) cũng thấy một vài hiểu lầm của một số thầy cô giáo trong việc giáo dục đạo đức cho HS".
PGS Thơ cho rằng hiểu lầm đầu tiên, đó là suy nghĩ chỉ có môn đạo đức hay giáo dục công dân mới thực hiện việc giáo dục đạo đức. Trong khi đó, hai môn học này giúp HS có hiểu biết về đạo đức. Còn thực hành đạo đức hay nói rộng là rèn luyện đạo đức không chỉ là trách nhiệm của môn học này.
“Không thể có cuộc thi HS giỏi đạo đức, cũng chẳng ai khoe mình giỏi đạo đức. Đạo đức thuộc về phẩm giá con người, nó giúp ta sống được trong xã hội, hay nói cách khác là làm người được”, bà Thơ nói.
Hiểu lầm phổ biến thứ hai, nhiều người nghĩ rằng học tốt là đạo đức tốt và đánh giá đạo đức, hạnh kiểm của HS thông qua kết quả học tập. "Mới đây, tôi có tọa đàm với GV, thì sự thật là rất nhiều GV cứ "phiên" rằng: học lực giỏi thì sẽ có hạnh kiểm khá trở lên. Mặc dù các GV khi cùng tôi phân tích thì khẳng định, kết quả học tập độc lập với đạo đức, nhưng họ nói, đánh giá như trên đã trở thành một thói quen. Vả lại, nếu cho các em hạnh kiểm trung bình thì "hại" các em", PGS Thơ nói.
PGS Chu Cẩm Thơ cũng chỉ ra rằng, nhiều GV có suy nghĩ dạy học văn hóa cho các em đạt yêu cầu đã mệt lắm rồi thì còn đâu thời gian giáo dục đạo đức. Việc đó xin dành cho gia đình.

Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày

Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội)

Học sinh sẽ nhìn vào thầy cô

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT, cho rằng sẽ không thể có hiệu quả trong giáo dục đạo đức lối sống cho HS khi ta dạy đạo đức bằng cách giảng giải, bởi đạo đức được hình thành qua rèn giũa và trải nghiệm. Học trò thường ít làm theo khi nghe ta nói, nhưng lại làm theo khi được trải nghiệm, đặc biệt là khi nhìn thầy cô làm. Bà Nhiếp nêu ví dụ: khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhiều thầy cô mẫu mực từng giờ lên lớp, từng lời ăn tiếng nói... nhưng còn không ít thầy cô lười đọc, rất ngại tự học, hay chê bai và bàn lùi với đổi mới. “Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày”, bà Nhiếp chia sẻ.
Cũng theo bà Nhiếp, trên thực tế, các môn học - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như dạy người ta luôn phải “thi” suốt đời là lối sống và ứng xử lại chưa được chú trọng. Ta thường nói “học chữ song song với học làm người” hoặc “dạy người thông qua dạy chữ” chứ chưa tiếp cận theo hướng đạo đức là nền tảng của mọi môn học, không phải là môn học tách biệt.
Đồng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết ở trường ông có 3 yêu cầu đối với GV: “GV thay đổi, tự thay đổi; GV hạnh phúc; tôn trọng sự khác biệt”. Lý giải về điều này, ông Hòa cho rằng, GV thay đổi sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao, làm thay đổi nhà trường.

Đừng đánh giá học sinh chỉ bằng điểm số

Ông Hòa bày tỏ mong muốn mỗi nhà trường phải trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục thực sự chứ không phải chỉ là nơi dạy chữ. Theo ông Hòa, những quy chế, quy định về giáo dục, dạy học đã tồn tại từ 50 - 60 năm nay rồi nên cần phải thay đổi.
Theo ông Hòa, cần thay đổi nhất là quy chế về đánh giá HS, việc phân loại HS về 5 loại: yếu, kém, trung bình, khá, giỏi theo điểm số, theo điểm tổng kết các môn bây giờ không còn thích hợp nữa. “Trong vài ba năm nữa, chúng ta làm thế nào để thay đổi mang lại màu sắc mới, không khí mới trong việc nhìn nhận HS của chúng ta trong thời đại này không phải dưới lăng kính điểm số, không phải theo con mắt đánh giá dán tem dán nhãn, phân loại con người như chúng ta đã làm trong nhiều năm nay”, ông Hòa nói.
GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2021, cũng cho rằng ban giám hiệu nhà trường phải có tư duy, khuyến khích và định hướng được quá trình đổi mới. GV phát huy chủ động sáng tạo của HS, không áp đặt, không thiên vị, tôn trọng sự khác biệt của HS và đồng nghiệp…
Không cần những điều cao xa
Tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của ngành giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành giáo dục cần quan tâm đến việc dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống. Thầy cô phải làm gương cho HS.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định thời gian tới Bộ tiếp tục chỉ đạo đồng bộ các giải pháp để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Trong đó, quan tâm công tác tư vấn học đường, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho HS, tạo nền tảng đạo đức, nhân cách cho các em. Tổ chức thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục HS...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.