Nghịch lý trình độ trung cấp phải thi chứng chỉ sơ cấp!

Hà Ánh
Hà Ánh
07/09/2019 08:30 GMT+7

Dù tốt nghiệp đại học với chuẩn đầu ra ngoại ngữ tương đương trình độ trung cấp nhưng khi nộp hồ sơ tuyển dụng ứng viên vẫn phải dự thi lấy chứng chỉ trình độ sơ cấp. Tình trạng tréo ngoe này đang diễn ra trong thực tế dự tuyển viên chức , công chức .

Theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, với các trường ĐH không chuyên ngữ, sinh viên (SV) tốt nghiệp phải đạt trình độ bậc 3/6 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN do Bộ GD-ĐT ban hành theo Thông tư 01/2014), tương đương với B1 - trình độ trung cấp (theo Khung tham chiếu chung châu Âu). Trên cơ sở này, nhiều trường ĐH hiện đang áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh tương đương trình độ B1.
Một trong các điều kiện để được công nhận xét tốt nghiệp là SV hoàn thành các học phần tiếng Anh theo quy định và tích lũy điểm đủ số tín chỉ. Trình độ tương đương B1 thể hiện qua điểm số các học phần tiếng Anh trong bảng điểm SV và trường không cấp chứng chỉ.

Có trình độ B1 nhưng phải thi A2 ?

Tuy nhiên, SV ra trường làm việc, khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi viên chức, công chức một số vị trí việc làm thì lại được yêu cầu nộp chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN), tức A2 (trình độ sơ cấp). Yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị hiện đang thực hiện theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ và Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ về vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức.
Chẳng hạn, theo kế hoạch tổ chức thi tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn năm 2019 của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, sở này yêu cầu rõ ứng viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ VN hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B cũ trở lên.
Vị trí việc làm với giảng viên ĐH hạng 3 cũng có yêu cầu tương tự về chứng chỉ ngoại ngữ khi dự tuyển. Theo thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH (số 36/2014) của Bộ Nội vụ, người dự tuyển vị trí giảng viên hạng 3 cần có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định của Thông tư 01/2014 trên.
Để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A2 này, người dự tuyển phải tham gia kỳ thi để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN (trừ trường hợp chứng chỉ quốc tế tương đương còn thời hạn, bằng cử nhân ngoại ngữ, chứng chỉ B theo quy định…). Hiện tại Bộ GD-ĐT thông báo cả nước chỉ có 8 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ này (gồm: 2 ĐH Thái Nguyên và Cần Thơ; các trường ĐH gồm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Ngoại ngữ (ĐH Huế), Sư phạm TP.HCM, Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).

B1 của trường ĐH chỉ được công nhận nội bộ

Trước nghịch lý giữa đào tạo và đòi hỏi thực tế, đại diện các trường ĐH có những ý kiến khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết SV trường này khi hoàn tất chương trình tiếng Anh tại trường được công nhận B1. Tuy nhiên đây chỉ là sự công nhận trong phạm vi trường để xét tốt nghiệp. Nhưng nếu muốn có chứng chỉ tiếng Anh tương đương B1 thì SV phải tham dự kỳ thi theo quy định chung. Các đơn vị tuyển dụng hầu hết đều công nhận trình độ này nhưng với việc tuyển dụng công chức, viên chức của nhà nước thì cần phải có chứng chỉ theo quy định. Thực tế có tình trạng SV tốt nghiệp trình độ tương đương B1 của trường này nhưng không được trường khác chấp nhận khi xét miễn đầu vào ngoại ngữ ở bậc học cao hơn. “Trình độ và chứng chỉ là tách bạch, trình độ này có thể được đo bằng nhiều thước như chứng chỉ ngoại ngữ tương đương B1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu, các chứng chỉ quốc tế…”, tiến sĩ Hồng nói.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường ĐH khác tại TP.HCM lại đặt vấn đề: “SV khi theo học chương trình 4 năm được cam kết là đạt trình độ B1. Chương trình ĐH chính là cam kết của nhà trường với xã hội, trong đó bao gồm năng lực ngoại ngữ. Còn chứng chỉ là một hình thức đào tạo thường xuyên cho đối tượng học tự do, trong khi trường ĐH được Bộ cho phép đào tạo chính quy lại không được công nhận mà yêu cầu chứng chỉ?”.
Người này cho rằng trước mắt nên mở rộng công nhận trình độ B1 của SV ở những trường có ngành ngoại ngữ được kiểm định chất lượng, “Bởi trong số hơn 200 trường ĐH hiện nay, dù cùng tương đương trình độ B1 nhưng năng lực thực sự người học sẽ ở mức khác nhau. Đặc biệt là khi kỳ thi và cấp chứng chỉ này thực hiện trên 4 kỹ năng trong khi ở nhiều trường việc đào tạo còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung kỹ năng đọc hiểu”, vị hiệu trưởng này nhận định.

Trình độ B1 mà thi A2 vẫn có thể rớt !

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng bảng điểm các học phần tiếng Anh trong trường ĐH không có cùng cách đánh giá như kết quả thi chứng chỉ. “Chứng chỉ quốc tế hay quốc gia là một thước đo trình độ dựa trên chuẩn mực chung. Còn chuẩn đầu ra của trường ĐH, thể hiện trên bảng điểm chưa thể đánh giá chính xác năng lực ngôn ngữ của SV. Bởi kết quả thi học phần trong trường ĐH hiện bao gồm điểm kiểm tra kiến thức và cả điểm quá trình, trong đó có cả sự chuyên cần. Còn kỳ thi để lấy chứng chỉ đánh giá đầy đủ các kỹ năng về ngôn ngữ đó của người học”, ông Hạ nói.
Theo một tiến sĩ chuyên ngành tiếng Anh, vấn đề hiện nay vẫn là đào tạo và thi trong thực tế. Việc đào tạo không thực sự hiệu quả mà chỉ đáp ứng nhu cầu tự thân của người học. “Bản thân tôi đã học nhiều ngoại ngữ, có ngôn ngữ đạt ở trình độ khá cao nhưng với cách đào tạo ĐH thì kỹ năng chủ yếu có được vẫn chỉ là đọc. Trong khi đó để dự một kỳ thi 4 kỹ năng tổng quát có những đòi hỏi khác, nên người có trình độ tương đương B1 ở bậc ĐH dự thi lấy chứng chỉ A2 vẫn có khả năng rớt”, người này nói.
Thi toàn bộ trên máy tính
Theo Quyết định 1481/2016 của Bộ GD-ĐT ban hành định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN (cho người lớn), tức tương đương trình độ A2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu, bài thi 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cùng được thực hiện trên máy tính.
Mỗi kỹ năng thi được đánh giá hoặc quy đổi về thang điểm từ 0 - 25. Điểm của bài thi được cộng từ điểm của mỗi kỹ năng thi, tối đa là 100 điểm, sau đó quy về thang điểm 10, làm tròn đến 0,5 điểm; được sử dụng để xác định mức đạt hay không đạt. Yêu cầu đối với mức đạt gồm: có kết quả thi của cả 4 kỹ năng thi, tổng điểm của cả 4 kỹ năng đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Sẽ bắt buộc có chứng chỉ mới ra trường
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, SV trúng tuyển khóa 2017 của ĐH Quốc gia TP.HCM đã học tiếng Anh theo 4 kỹ năng. SV khóa này bắt buộc phải có chứng chỉ quốc tế hoặc chứng chỉ công nhận đạt trình độ B1 (4 kỹ năng) mới được tốt nghiệp. Như vậy khi hoàn tất chương trình trong trường ĐH, SV phải dự thi để có chứng chỉ chính thức mới được xét tốt nghiệp.
Trong khi đó một số trường hiện đã áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh ở mức khá cao. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhiều năm nay yêu cầu SV phải có chứng chỉ quốc tế mới được xét công nhận tốt nghiệp. Chuẩn này cho các khóa cũ là 450 TOEIC và khóa mới tăng lên mức 500 - 600 TOEIC tùy ngành.
Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đã áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh là chứng chỉ quốc tế từ khóa 2008 - 2012. Hiện nay, chuẩn tiếng Anh các ngành thuộc chương trình đại trà là 450 - 500 TOEIC (tùy ngành) và chương trình chất lượng cao 600…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.