Dù chưa có con thi tốt nghiệp THPT năm nay, tôi cũng thấy quyết định này không hợp lý, nhất là vào lúc này. Tôi tin rằng, nếu làm một khảo sát xã hội học nhanh thì từ phụ huynh học sinh, chuyên gia ngành giáo dục, chuyên gia y tế, thậm chí lãnh đạo các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố… không mấy ai ủng hộ quyết định này. Vậy tại sao chúng ta vẫn cố làm?
Kết quả tốt nghiệp phổ thông chỉ là một giấy thông hành rất ít điểm đến
Vì học sinh cả nước phải thi tốt nghiệp THPT? Đây là việc hàng năm của Bộ GD-ĐT? Vì kết quả kỳ thi là một trong những tiêu chí cho các trường cao đẳng, đại học xét tuyển đầu vào?
Không cần phải bàn tới việc có kỳ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh mới có căn cứ được cấp bằng tốt nghiệp. Bởi một thực tế là tỉ lệ tốt nghiệp của chúng ta rất cao. Trong 12 năm phổ thông, năm nào chúng ta cũng làm công tác kiểm tra đánh giá. Tỉ lệ 95 - 99% học sinh tốt nghiệp lớp 12 trong nhiều năm qua cho thấy các em xứng đáng được tốt nghiệp THPT. 12 năm học phổ thông với biết bao bất cập từ chương trình thiếu khoa học, lạc hậu so với thực tế đòi hỏi. Kể cả có được xét tốt nghiệp hết thì cũng chẳng nơi đâu tuyển dụng, ngoại trừ lao động phổ thông và đi nghĩa vụ quân sự. Vì thế, kết quả tốt nghiệp phổ thông chỉ là một giấy thông hành rất ít điểm đến.
Nếu Bộ GD-ĐT kiên quyết phải tổ chức một kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, chẳng hóa ra toàn bộ quy trình kiểm tra đánh giá của Bộ GD-ĐT trong 3 năm THPT là không đáng tin cậy? Đội ngũ ban giám hiệu, giáo viên bộ môn cả nước đều tiêu cực, thiên vị, mua bán kết quả học tập của học sinh? Vì thế, dù là cùng một hệ thống giáo dục, các trường cao đẳng, đại học không thể tin tưởng hệ thống giáo dục phổ thông? Chúng ta phải làm đi làm lại việc kiểm tra chính mình?
Rốt cuộc chúng ta tin gì khi không thể tin nhau và không tin chính mình?
Đã hơn 2 tháng từ khi dịch Covid-19 trở lại và ngành giáo dục cả nước phải ngừng đến trường, hơn 1 tháng TP.HCM giãn cách xã hội và thậm chí là phong tỏa tùy khu vực, mà tình hình không khả quan hơn: Số ca nhiễm mới phải truy vết dịch tễ vẫn tăng, nguồn lây của nhiều F0 vẫn là cái đuôi mà thành phố chạy theo truy đuổi, kế sinh nhai của nhiều gia đình bị tước đoạt, kinh tế kiệt quệ vì chẳng mấy ai làm ăn được gì ngoài một số ngành như ngân hàng đang cho vay với lãi suất cắt cổ, ngân sách thành phố sụt giảm và còn phải gồng gánh quá nhiều chi phí cho công tác xét nghiệm, điều trị, mua văc xin…
Cho phép TP.HCM thí điểm xét tốt nghiệp năm nay
Thiết nghĩ, việc cần làm hơn hết lúc này là dồn toàn bộ công sức tập trung dập dịch, không để ảnh hưởng hơn nữa đến đời sống người dân và nền kinh tế của các tỉnh thành lân cận. TP.HCM không thể không dập được dịch, vì bên cạnh TP.HCM là toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh lân cận sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong một thế phát triển kinh tế mà các vùng luôn phụ thuộc lẫn nhau. Đó mới chính là việc cần 'cố bằng mọi giá' để làm cho bằng được, chứ không phải việc thi tốt nghiệp.
Do đó, lãnh đạo TP.HCM cần đề xuất Bộ GD-ĐT và Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm xét tốt nghiệp năm nay. Các bước cần làm như sau:
1. TP.HCM cần làm khảo sát nhanh trên các kênh truyền thông cho mọi người dân, kể cả lãnh đạo thành phố, các chuyên gia ngành y tế, giáo dục; các trường cao đẳng, đại học cho ý kiến về việc TP.HCM thí điểm xét tốt nghiệp thay vì thi tập trung. Việc khảo sát kéo dài 2 ngày 3 và 4.7.
2. Chất lượng giáo dục TP.HCM luôn ở TOP các địa phương dẫn đầu cả nước, quá trình đánh giá học sinh liên tục và nghiêm túc. Vì vậy, việc lấy điểm học bạ xét tốt nghiệp là khả thi có tính minh bạch cao. Thành phố cần lấy báo cáo tốt nghiệp và tỉ lệ được xét tuyển vào các trường đại học trong 3 năm gần đây để làm tham chiếu ở mức tương đương cung cấp cho các trường đại học, cao đẳng.
3. Thống kê nhanh chi phí tiết kiệm được khi không tổ chức kỳ thi này: chi phí xét nghiệm Covid-19 học sinh, giáo viên coi thi, hội đồng thi (tổng 106.327 người x 250.000 = 26,581 tỉ đồng) chi phí tổ chức thi 2 - 3 lần; chưa kể các chi phí khác khi cha mẹ phụ huynh đưa đón con đến kỳ thi.
4. Giảm áp lực cho lãnh đạo TP.HCM đang cần tập trung cho việc ngăn chặn dịch hiện nay và phát triển kinh tế phục mục tiêu kép của Chính phủ.
5. Dành thời gian cho kế hoạch sắp tới: năm học mới đã cận kề, cần tâp trung nghiên cứu triển khai nhiệm vụ năm học mới trong bối cảnh cần tính tới kịch bản xấu nhất là sang tháng 9 vẫn chưa khống chế được dịch.
6. Kịp cơ hội chung cho học sinh: Thực tế các trường cao đẳng, đại học đã chủ động kế hoạch tuyển sinh thông qua xét điểm học bạ và tổ chức thi năng lực đầu vào từ tháng 5. Vì vậy, việc cần xem xét lại kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tương lai là tất yếu.
7. Người dân đã cạn dần nguồn lực vì dịch bệnh, tinh thần bất an, các nhà quản lý nên có cách xử lý hợp lòng dân trong vấn đề thì cử năm nay.
Tôi tin rằng, nếu người dân được công khai tiếng nói, sự tiến bộ xã hội sẽ nói không với những quyết định nặng tính hình thức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi tin rằng một Chính phủ năng động, kiến tạo đang thể hiện sẽ tìm ra giải pháp về cơ chế để ‘gỡ rối’ cho lãnh đạo TP.HCM. Tôi cũng tin rằng, những kỳ vọng của chúng ta vào một Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới cũng sẽ được giải đáp trong chính sự việc này. Chúng ta hãy 'cố bằng mọi giá' cho những điều xứng đáng.
Bình luận (0)