Liên quan đến chuyện giáo viên dạy học sinh diễn "cảnh nóng", TAND Quận 12 (TP.HCM) vừa có Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc "Yêu cầu hủy các quyết định kỷ luật và bồi thường thiệt hại" giữa ông Phạm Quốc Đạt và bị đơn là Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP.HCM) vào ngày 15.9.
Trước đó, tòa có văn bản xin ý kiến Sở GD-ĐT TP.HCM về nội dung hoạt cảnh Quan âm Thị Kính và Bỉ vỏ (hai hoạt cảnh thầy Đạt cho học sinh diễn trước đó gây xôn xao dư luận) có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc THPT hay không?
Trước đề nghị của phía tòa án, Sở GD-ĐT đã có trả lời bằng văn bản. Theo Sở, căn cứ chương trình giáo dục môn ngữ văn THPT, tác phẩm Quan âm Thị Kính thuộc bài đọc thêm trong chương trình ngữ văn lớp 7, còn Bỉ vỏ không nằm trong chương trình giảng dạy ở bậc THPT. Theo Điều 12 Thông tư 12/2011 của Bộ GD-ĐT về ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học thì các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học như trường hợp này có thể thuộc hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
|
Trong Điều 12 có một số nội dung là: Hoạt động ngoại khóa là một trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp có tổ chức, có kế hoạch, có phương hướng, có mục đích rõ ràng; Mục tiêu của hoạt động ngoại khoá là bổ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng, hình thành phẩm chất tốt đẹp, rèn luyện kỹ năng sống...; Việc quản lý hoạt động chuyên môn nói chung, hoạt động ngoại khoá nói riêng được căn cứ vào kế hoạch tổ bộ môn và hiệu trưởng phê duyệt...
Như vậy, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu xét ở góc độ hoạt động ngoại khóa thì phải xem xét kế hoạch tổ chức, nội dung, mục đích cụ thể của hoạt động này mà tổ bộ môn, nhà trường đã xây dựng và hiệu trưởng nhà trường duyệt thì mới có đủ căn cứ trả lời "có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc phổ thông trung học hay không".
Thầy giáo Phạm Quốc Đạt (Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM) cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia (Số Đỏ - Vũ Trọng Phụng), Quan âm Thị Kính, Bỉ vỏ vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, một số cảnh sân khấu hóa này bị phản ứng vì được cho là tái hiện “cảnh nóng”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp… Hai clip trong vở kịch này bị “rò rỉ” lên mạng. Cảnh sân khấu hóa này bị nhiều giáo viên trong trường phản đối, một số phụ huynh gửi đơn lên nhà trường. Tháng 1.2019, lãnh đạo trường ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều lỗi, trong đó có nội dung là cho học sinh diễn kịch “không phù hợp với lứa tuổi”, “diễn những cảnh nhạy cảm”… Ông Đạt bị cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, chuyển về làm công tác thư viện của nhà trường... |
Bình luận (0)