Tiếp sức mùa thi lan tỏa giá trị nhân văn:Hành trình do nhiều thế hệ vun đắp nên

Thúy Hằng
Thúy Hằng
11/06/2021 07:42 GMT+7

Hạnh phúc không phải là đích đến, nó là một hành trình. Và 20 năm Tiếp sức mùa thi là một hành trình có cả những giọt mồ hôi mặn chát và quả ngọt những giá trị nhân văn mà nhiều thế hệ đã vun vén.

Trong số những người đặt những viên gạch đầu tiên, “khai sinh” Tiếp sức mùa thi, có một người phụ nữ đặc biệt. Chị là Nguyễn Thị Nhung, nguyên Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM (1998 - 2007), hiện là Trưởng ban quản lý Ký túc xá Cỏ May, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
“Bây giờ ngồi đây, nhớ lại những ngày đầu tiên của Tiếp sức mùa thi, tôi thấy trong mình bao cảm xúc ùa về. Cảm giác ấy cũng giống những mùa hè vừa qua, chạy xe trên đường giữa mùa thi, thấy những tình nguyện viên áo xanh đang tiếp sức, trong tôi lâng lâng, xao xuyến như nhìn thấy hình ảnh chúng tôi của ngày xưa”, chị Nhung bộc bạch.

5 cô gái ngày đêm nghĩ ra những cái mới

Tiếp sức mùa thi chính thức có tên gọi này vào năm 2001, nhưng trước đó, từ những năm 1996, 1997, nó đã được manh nha từ các hoạt hoạt động nhỏ lẻ, hỗ trợ thí sinh (TS) từ các tỉnh về TP thi ĐH của Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM.
 

Rèn ý chí cho chính những người trong cuộc

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chị Nguyễn Thị Nhung tâm sự Tiếp sức mùa thi đã nâng đỡ, đồng hành cùng TS, để các em tự tin bước vào kỳ thi ĐH. Ngược lại, chính những cán bộ, thanh niên, tình nguyện viên cống hiến sức trẻ cùng Tiếp sức mùa thi đều được rèn luyện bản lĩnh, ý chí, sự sáng tạo.
Những người gầy dựng nền móng cho Tiếp sức mùa thi 20 năm về trước, bây giờ đều mạnh mẽ và đều có những dấu ấn riêng trong sự nghiệp của mình liên quan công tác học sinh, sinh viên. Như chị Nguyệt Hoàng, Thùy Trang đang phụ trách công tác sinh viên các trường ĐH, chị Thu Thủy là giáo viên một trường THPT, chị Võ Ngọc đã nghỉ hưu, anh Quách Hải Đạt đang là Giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM…
Chị Nhung chính thức nghỉ hưu năm 2013, nhưng nghỉ ngơi được 3 năm thì có lời mời làm Trưởng ban quản lý Ký túc xá Cỏ May (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chị làm việc tới tận bây giờ. Tính đến nay, người phụ nữ yêu thương, quan tâm sinh viên như con mình đã có tổng cộng 36 năm gắn bó với công tác sinh viên.
Năm 2000, sau nhiều lần TS từ các tỉnh về TP bơ vơ vì mất đồ, mất tiền, thất lạc giấy tờ ở bến xe, những cán bộ, nhân viên của trung tâm này đã quyết tâm làm những hoạt động quy mô, bài bản hơn để giúp TS như đội hình xe máy đón TS từ bến xe về nhà trọ.
Dần dần, sức lan tỏa, ảnh hưởng của chương trình ngày càng lớn, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, các doanh nghiệp, đơn vị, phương tiện truyền thông mà Tiếp sức mùa thi ngày càng hoàn thiện về các phương thức hỗ trợ TS. Chương trình luôn đổi mới, cập nhật nội dung mới, đáp ứng đúng - trúng nhu cầu của các em như hướng dẫn từ bến xe về địa điểm thi, tìm nhà trọ giá rẻ, xe ôm miễn phí, nhà trọ miễn phí cho TS, nơi bán cơm ngon - giá rẻ cho TS, những suất cơm miễn phí để TS khó khăn yên tâm bước vào ngày thi ĐH…

Công việc mang nhiều ý nghĩa của thời sinh viên

       

ẢNH: NVCC

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm thời thanh xuân của những năm 2015, khi đó vừa kết thúc học kỳ 2 của năm thứ 2 ĐH, tôi và các bạn học sư phạm khoa hóa cùng nhau đăng ký đi tình nguyện Tiếp sức mùa thi.
Thời sinh viên, đây là một công việc mang nhiều ý nghĩa, một nét đẹp trong cách sống và cống hiến cho cộng đồng. Nhìn phụ huynh, thí sinh, cảm xúc năm xưa chợt ùa về khi chúng tôi còn là học sinh lớp 12, cũng khăn gói lên thành phố thi cử với bao hoài bão của tuổi trẻ. Chúng tôi cũng được sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của anh chị sinh viên Tiếp sức mùa thi. Hiểu được điều đó nên ngay những ngày đầu là sinh viên, tôi và bạn bè của mình nôn nao chờ đến ngày được đăng ký tham gia chương trình, tiếp nối truyền thống đẹp của thanh niên VN sống là cống hiến bằng cả trái tim và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh
(giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM)
“Những ngày đầu tiên, tính cả cộng tác viên bộ máy nhân sự của chúng tôi có 8 người, trong đó có 5 nữ, 3 nam. Lương ngày đó thấp, nhưng mọi người làm việc hăng say, không biết mệt mỏi. 5 cô gái gồm tôi, bạn Nguyệt Hoàng, chị Võ Thị Ngọc, Phùng Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Thu Thủy suy nghĩ ngày đêm, làm sao để có nhiều ý tưởng mới để Tiếp sức mùa thi năm sau phải có điểm mới hơn năm trước”, chị Nhung kể.
“Tôi cảm kích sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các chủ nhà trọ, các cô bác bán cơm, các em tình nguyện viên đã tiếp lửa chung cùng chúng tôi để Tiếp sức mùa thi được mạnh mẽ hơn. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cô Thu chủ nhà trọ Q.6, chú Dung, chú Để, cô Hòa chủ nhà Q.Gò Vấp, mọi người dọn nhà sạch đón TS ở miễn phí, còn rủ bạn bè chung tay giúp thêm. Như chú Thoại, bạn của cô Thu là người ủng hộ những phần cơm miễn phí đầu tiên cho Tiếp sức mùa thi”, chị Nhung bồi hồi.

“Chuyển giao công nghệ” tiếp sức mùa thi

20 năm trôi qua, phương thức thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ có nhiều thay đổi, Tiếp sức mùa thi luôn linh hoạt thay đổi để thích ứng, hỗ trợ kịp thời nhất những giá trị vật chất, tinh thần với TS.

Nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi

       
Có một kỷ niệm khi tham gia Tiếp sức mùa thi đến bây giờ tôi còn nhớ mãi. Năm đó, một TS từ quê lên thành phố đi thi, do thay đổi thời tiết nên bị bệnh đột xuất. Đội tình nguyện chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ đưa TS này đến điểm thi một cách an toàn, đảm bảo thời gian thi. Phụ huynh của TS này đã rất tin tưởng và giao TS cho đội Tiếp sức mùa thi đưa đón trong suốt kỳ thi. Những lời cảm ơn kèm ánh mắt đầy xúc động của phụ huynh dành cho đội tình nguyện khi đó làm chúng tôi vui đến quên cả mệt nhoài, quên luôn cái nắng trưa hè nóng bức giữa tiết trời hạ tháng 6.
Có những kỷ niệm thật đẹp của thời thanh xuân ngày ấy. Đó là khi đội tình nguyện chúng tôi kết tay nhau để phân luồng giao thông, tránh ùn tắc tại điểm thi với nhữnng nụ cười dễ thương, gương mặt rạng rỡ... Chúng tôi mỉm cười vì đã có một thời thanh xuân tươi đẹp, sống có ý nghĩa và sống vì tha nhân.
Đặng Hữu Toàn
(giáo viên, trợ lý thanh niên Trường THPT Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Với chị Nguyễn Thị Nhung, những giá trị to lớn mà Tiếp sức mùa thi mang lại không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục VN, nâng bước nhiều thế hệ học sinh từ khắp các vùng quê vào ĐH, mà còn tạo ra những bước chuyển giao - tiếp nối về Tiếp sức mùa thi từ TP.HCM về các địa phương để mỗi tỉnh, thành khác đều có thể chủ động tiếp sức cho chính các TS của mình khi kỳ thi “2 trong 1” diễn ra.
“Mô hình Tiếp sức mùa thi bây giờ được nhân rộng ở nhiều địa phương. Như vậy, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, có thể gọi vui là “chuyển giao công nghệ”. Những người đã từng được Tiếp sức mùa thi nâng bước, bây giờ lại trở thành những người tổ chức, tình nguyện viên để lan tỏa tinh thần “Người đi trước rước người đi sau”. Và như thế, chương trình sẽ còn được nhân rộng và tiếp nối dài mãi”, người khai sinh ra Tiếp sức mùa thi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.