Trẻ cô đơn, trầm cảm do… cha mẹ

03/12/2019 19:44 GMT+7

Ngày càng nhiều con trẻ cô đơn, thậm chí dẫn đến trầm cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Sự cô đơn ấy bắt đầu từ người lớn, từ những người thân yêu nhất: cha mẹ.

Thời đại 4.0, cha mẹ càng trở nên “xa” con cái hơn ngay cả khi tất cả các thành viên trong gia đình đang hiện diện trong một nhà. Điều đặc biệt là nhiều trẻ sống trong những gia đình có điều kiện lại càng nhiều nguy cơ dẫn đến cô đơn, trầm cảm.
Tôi biết một học sinh vì áp lực học tập, vì ba mẹ ít nói chuyện với mình nên không muốn về nhà sau những giờ tan trường. Một học trò khác ở nội trú trong một trường tư thục cuối tuần không muốn về nhà vì cách dạy “truyền thống” cổ hủ, áp đặt” từ người ba….
Qua thời gian tiếp xúc nhiều với học sinh, phụ huynh, tôi nhận thấy có những lý do sau đây khiến trẻ ngày càng trở nên cô đơn trong chính nơi được gọi là mái ấm.
Áp lực học tập
Học sinh từ bậc tiểu học (kể cả có một số trẻ bậc mầm non) đến THPT thời nay phải học cả ngày, cả đêm, chạy sô với con chữ để đạt được kết quả cao mà đôi khi chỉ để mang lại thành tích cho … người lớn. Học sinh đạt điểm cao, được nhiều giải thưởng, đó là niềm tự hào của các bậc phụ huynh. Thế nhưng không ít người lớn ép con trẻ vì… thành tích của mình. Điều quan trọng của rất nhiều bậc phụ huynh là con cái mang những tấm giấy khen, những điểm 10 tròn trĩnh cho cha mẹ để cha mẹ “hãnh diện” với dòng họ, với đồng nghiệp, bạn bè… Điều này vô tình đã gây áp lực rất lớn cho con trẻ.
Cha mẹ không dành thời gian cho con do bận rộn kiếm tiền
Nhiều bậc cha mẹ ít khi chuyện trò với con cái vì bận rộn công việc, bận kiếm tiền. Khi con muốn cha mẹ dành thời gian cùng con cái, có những bữa cơm đầm ấm tình cảm gia đình, thời gian bên nhau cùng dạo phố hay đi du lịch thì người lớn đủ lý do biện hộ. Cha mẹ thường có những câu nói quen thuộc và xoay đi xoay lại: kiếm tiền nhiều để nuôi con ăn học, để con được sung sướng... Chính vì kiếm thật nhiều tiền để con được sung sướng khiến cho một số cha mẹ đánh mất con suốt đời (con tự tử, hư hỏng,...)
Ôm điện thoại… sống ảo
Không ít cha mẹ suốt ngày… sống ảo bên chiếc điện thoại. Trò chuyện với con thì không có thời gian, nhưng sống ảo thì thời gian vô tội vạ. Đó cũng là “tấm gương tối” để con… sống ảo. Con trở thành… người lạ trong nhà. Con tìm đến bạn bè trên mạng để tâm sự, để vơi đi nỗi buồn, vơi đi áp lực học tập…
Chuyện con kể là… tào lao
Nhiều học sinh tâm sự, khi các em muốn kể chuyện ở lớp, ở trường, nhất là chuyện bạn bè thì cha mẹ thường gạt phắt đi. Họ không muốn nghe con kể, vì họ cho rằng, đó là những chuyện tào lao.
Những chuyện vui buồn ở trường lớp, nhiều lúc các em muốn tâm sự nhưng cha mẹ không muốn nghe. Điều quan trọng họ muốn nghe là kiểm tra đạt điểm cao, kết quả học kỳ là giỏi, cuối năm là giỏi. Khi quan tâm, giúp đỡ bạn bè thì bị phán: “Đó không phải là việc của mày!”.
Nhiều em muốn trở thành người tốt cũng không được. Bởi trước cha mẹ, con chỉ cần học giỏi là đủ.
Nếu cha mẹ không thức tỉnh
Hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con cái của mình. Mỗi đứa trẻ có mặt mạnh, điểm hạn chế nhất định. Hãy để con học được vui, được hạnh phúc. Đừng tạo cho con có khoảng cách với cha mẹ. Đừng đánh mất những điều giản dị trong đời sống gia đình. Hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ và yêu thương để trẻ cảm nhận được sự ấm áp, niềm tin cuộc sống. Nếu cha mẹ không thức tỉnh thì một ngày nào đó sẽ hối hận khi đánh mất con mãi mãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.