Xét GS, PGS phải lùi lại do nhiều đơn tố cáo !

Quý Hiên
Quý Hiên
28/10/2020 09:13 GMT+7

Theo kế hoạch, từ 20 - 25.10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2020.

Tuy nhiên, trước nhiều đơn tố cáo hàng loạt ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được các hội đồng ngành thông qua, kỳ họp xét đã phải lùi lại vì phải đợi một số hội đồng ngành xét lại.

31/40 ứng viên của một ngành bị tố không đạt

Theo thông báo trên trang chính thức của Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN), sau khi 26 HĐGS ngành họp xét ứng viên (ƯV) đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2020 (2 ngành khoa học an ninh và khoa học quân sự chưa xét), cả nước có 321 ƯV được thông qua. Riêng ngành y học có 40 ƯV được thông qua, gồm 9 ƯV GS và 31 ƯV PGS.
Xét về số lượng ƯV được HĐ ngành thông qua, ngành y xếp thứ 2 (nhiều nhất là ngành kinh tế, có 48 ƯV); xét riêng số lượng ƯV GS, ngành y dẫn đầu và chiếm 22,5% số ƯV GS của cả nước. Tuy nhiên, sau khi có kết quả trên, cơ quan chức năng cũng như nhiều nhà khoa học nhận được nhiều đơn tố cáo phản ánh việc hàng loạt ƯV các ngành y, dược, công nghệ thực phẩm hồ sơ không đạt các yêu cầu của Quyết định 37 (quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn chức danh GS/PGS) nhưng vẫn được các HĐ ngành thông qua.
Theo các đơn tố cáo mà Báo Thanh Niên nhận được, riêng ngành y có 32 ƯV bị tố cáo là không đạt, chủ yếu do không đủ số lượng công trình đăng tạp chí quốc tế uy tín (bài báo quốc tế), nhưng 1 ƯV đã bị HĐGS ngành y loại từ trước khi có các đơn tố cáo này. Trong đó có 10 ƯV bị tố cáo đợt đầu (Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh), sau đó bạn đọc lại tiếp tục gửi thư đến Báo Thanh Niên tố cáo tiếp 18 ƯV ngành y không đạt yêu cầu về bài báo quốc tế, nhưng vẫn được HĐ ngành thông qua. Ngoài ra, có 3 ƯV nữa cũng được các đơn tố cáo xếp vào diện nghi ngờ, cần được kiểm tra lại hồ sơ. Như vậy, riêng ngành y, có 31/40 ƯV đã được HĐ ngành thông qua bị tố cáo là không đạt số lượng bài báo quốc tế.
Ngoài ra, Báo Thanh Niên còn nhận được các đơn tố cáo 5 ƯV ngành dược, 1 ƯV ngành công nghệ thực phẩm không đạt các yêu cầu nhưng vẫn được các HĐ ngành thông qua.
Theo GS Nguyễn Ngọc Châu, một nhà khoa học lĩnh vực sinh học, người có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định các công bố trong lĩnh vực khoa học sự sống (sinh học, y dược học), với hơn 20 trường hợp bị tố cáo sau, ông đã kiểm tra ngẫu nhiên một số trường hợp và nhận thấy tố cáo có cơ sở. Vì thế GS Châu đã chuyển danh sách này và đề nghị HĐGSNN yêu cầu các HĐ ngành xem xét cùng với 15 ƯV bị tố cáo trước đó. “Theo tôi, HĐGSNN nên chủ động giải quyết vấn đề, không nên vì chạy theo "lịch xét đúng hạn" mà để vấn đề bùng phát ngoài vòng kiểm soát đến mức Thủ tướng phải yêu cầu rà soát lại như đợt xét năm 2017. Việc chủ động rà soát lại này còn đem lại niềm tin cho cộng đồng khoa học và nhân dân nói chung”, GS Châu chia sẻ.

Có dấu hiệu “chạy bài” để xét GS, PGS

Một nội dung khác mà mới đây Báo Thanh Niên cũng nhận được tố cáo về hiện tượng đăng bài ồ ạt trên tạp chí quốc tế, qua đó dấy lên nghi ngờ có việc “chạy bài” để được xét GS/PGS. Báo Thanh Niên nhờ một số nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, am hiểu về công bố quốc tế, kiểm tra một số nội dung tố cáo. Kết quả kiểm tra cho thấy, đúng là có biểu hiện vi phạm “liêm chính khoa học” ở một số ƯV.

Yêu cầu các hội đồng ngành có đơn tố cáo phải kiểm tra,
rà soát lại 

Sau khi nhận được các đơn tố cáo mới được bổ sung, chúng tôi đã liên lạc với một số ƯV qua điện thoại nhưng các ƯV này hoặc không bắt máy, hoặc bắt máy nhưng sau khi biết cuộc gọi đến từ Báo Thanh Niên thì trả lời bận họp và sau đó không trả lời cuộc gọi nào nữa. Một số ƯV chúng tôi liên lạc qua thư điện tử nhưng cũng không được hồi đáp.
Theo kế hoạch của HĐGSNN, 15.10 là hạn cuối cùng các HĐ ngành báo cáo kết quả xét ƯV của ngành mình, từ 20 đến 25.10 là HĐGSNN họp xét công nhận ở cấp nhà nước. Tuy nhiên, do xuất hiện các đơn tố cáo nói trên, HĐGSNN đã yêu cầu những HĐ ngành liên quan phải kiểm tra, rà soát lại, hạn cuối phải báo cáo với HĐGSNN là ngày 26.10.
Theo PGS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HĐGSNN, sau khi nhận được kết quả rà soát từ các HĐ ngành, Văn phòng HĐGSNN sẽ báo cáo lên Thường trực HĐGSNN, sau đó HĐGSNN họp và có kết luận. “Văn phòng sẽ thông tin cho báo chí và công luận sau khi có kết luận của HĐGSNN”, PGS Trần Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết cơ quan thanh tra của bộ này cũng nhận được một số đơn tố cáo liên quan tới hoạt động xét GS, PGS năm nay. Tuy nhiên, do HĐGSNN đang giải quyết sự việc theo chức năng nên Thanh tra Bộ GD-ĐT chưa vào cuộc.
Tiến sĩ Doãn Minh Đăng, hiện làm việc cho Công ty kỹ thuật IAV GmbH ở Đức, nêu ví dụ: “Đơn tố cáo chỉ nói ƯV PGS ngành dược Tr. đăng bài ồ ạt trên các tạp chí kém chất lượng ở Pakistan hoặc Ấn Độ. Tôi và một nhà khoa học người VN ở Mỹ cùng kiểm tra thì thấy, ƯV này gần như “thầu” toàn bộ bài các số báo phụ bản trên 3 số chuyên đề của 3 tạp chí. Cụ thể, tạp chí Journal of the Pakistan Medical Association, tập 69, số 6 (tháng 6.2019) có 18 bài, tác giả Tr. vừa là biên tập viên vừa đứng tên 17 bài, trong đó có 15 bài ƯV này là tác giả đầu mối (corresponding author). Tạp chí Journal of Clinical and Diagnostic Research, số bổ sung tháng 6, tập 12, năm 2018, Tr. là đồng tác giả 17/18 bài, trong đó 16/18 bài ƯV này đóng vai trò tác giả đầu mối. Tạp chí Asian Journal of Pharmaceutics, số đặc biệt 01, tập 12 (2018), Tr. có 12/13 bài, trong đó 9 bài Tr. là tác giả đầu mối”. Tiến sĩ Đăng còn cho biết thêm, tạp chí Asian Journal of Pharmaceutics đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018 với lý do “quan ngại về quy trình xuất bản”, tuy nhiên trên trang web của tạp chí này vẫn để thông tin nằm trong danh mục Scopus. Tạp chí Journal of Clinical and Diagnostic Research cũng bị loại khỏi danh mục Scopus cùng năm 2018 với lý do có sự đột biến về số lượng bài công bố hoặc trích dẫn.
Theo tiến sĩ Đăng, điều đáng chú ý, mặc dù số lượng bài lớn như vậy ở 3 tạp chí nói trên (46 bài) nhưng ƯV Tr. khai giảm đi trong hồ sơ xét PGS (mỗi số tạp chí ƯV chỉ khai mình có 6 - 8 bài). Ngoài ra, một ƯV PGS ngành dược khác có tên Th. là đồng nghiệp cùng trường với ƯV Tr. nhưng đã bị HĐ ngành loại, cũng có nhiều bài đứng tên chung với Tr. trong các số tạp chí chuyên đề trên. “Về hiện tượng đăng bài ồ ạt của ƯV Tr. là có, nhưng liệu có chuyện ƯV đó đứng ra “mua” trọn một số của các tạp chí rồi “bán” cho các tác giả khác (để được ghi tên đồng tác giả) như đơn tố cáo hay không thì cần tới việc điều tra của cơ quan chức năng”, tiến sĩ Đăng nhận xét.
Một trường hợp khác là ông T., ưv GS ngành dược, tiến sĩ Đăng cũng cho rằng có hiện tượng “chạy bài” để đối phó với tiêu chuẩn xét GS. Theo hồ sơ của ƯV này, một thời gian dài trước đó ƯV hầu như không có bài báo quốc tế, đến 2019 mới đăng một loạt bài mà hầu hết là ở tạp chí OA (Open Access) chất lượng thấp. Có một bài báo cáo được đăng trên trang web của WHO có vẻ chỉ số IF (số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học được xuất bản) cao, nhưng xem xét kỹ thì việc nghiên cứu để có báo cáo đó do một nhóm ở Viện Pasteur làm là chính, tên của ƯV T. được xác định trong phần "Authors' contribution", và chỉ là kiểm tra kết quả. Như vậy, có thể coi như ƯV T. chỉ đứng tên ké trong 1 bài có 15 tác giả, với các ngành khác, vai trò đó không đủ tiêu chuẩn đóng góp để đứng tên, còn nếu ngành dược cho phép ghi nhận kiểu đó thì đóng góp của ƯV ở báo cáo đó cũng rất nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.