Công trình nhân văn và quy mô này gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang do nhà văn - cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, giới thiệu những tác phẩm hay nhất, nổi tiếng một thời của 30 tác giả. Không chỉ có Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, công trình còn có hàng chục nhật ký chiến trường khác chưa từng được độc giả biết đến như: Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn), Nhật ký chiến tranh (nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong), Nhật ký chiến trường (nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý), Nhật ký đi B (cố nhà văn Triệu Bôn)… Ngoài ra, người đọc còn được tiếp cận nhiều trang viết hiếm hoi đậm chất tâm linh trong nhật ký Trở về trong giấc mơ của liệt sĩ Trần Minh Tiến và những trang nhật ký Tài hoa ra trận đầy chất văn chương, da diết của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân.
Theo nhà văn - cựu chiến binh Đặng Vương Hưng: “Hai phần ba tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và do di chứng chiến tranh nên cũng mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất...”. Phải mất 16 năm (từ 2004 - 2020), nhà văn - cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành bộ sách tâm huyết này nhằm lưu giữ các tư liệu quý cho thế hệ mai sau.
Bình luận (0)