Mở kho tư liệu Việt Nam - nhìn chiến tranh từ dưới lên

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/10/2019 06:24 GMT+7

Theo PGS-TS Vũ Thị Phụng, các hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về VN cho thấy những giá trị nhân văn như tinh thần dũng cảm, vượt trên đau thương, cũng như khát khao hàn gắn hướng tới hòa bình. Nó cũng cho thấy cái nhìn về chiến tranh từ những câu chuyện cá nhân của dân thường và binh lính.

"Làm sao có thể sống bình thường trong hoàn cảnh chiến tranh”

Ông Larry Berman, ĐH California (Mỹ) không xa lạ gì với độc giả VN. Ông là người đã viết cuốn Điệp viên hoàn hảo về cuộc đời điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Tại hội thảo quốc tế Hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về VN: Giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía diễn ra hôm qua (24.10) ở Hà Nội, ông Larry Berman nói nhiều về những lần phỏng vấn ông Ẩn. “Ông Ẩn nói với tôi, trong thâm tâm ông không muốn trở thành điệp viên, nhưng đất nước cần ông ấy làm điều đó và ông ấy làm. Nếu không có chiến tranh, ông ấy muốn làm nhà báo. Ông ấy cũng nói nhiều với tôi về việc đã được giúp đỡ trong thời gian học báo chí ở Mỹ. Bài học ông Ẩn học được là giữa con người với nhau, người VN và Mỹ có thể yêu nhau sau khi chiến tranh kết thúc. Dù rất lâu sau, điều đó mới có thể thành sự thật”, ông Larry Berman nói.
Ông Larry cũng nói về việc khi VN đổi mới, rồi mở cửa, ông Ẩn chính là thành viên chủ chốt cho hòa giải quan hệ VN - Mỹ. “Ông ấy từng không có cơ hội đi Mỹ vì visa bị từ chối. Nhưng sau này, con trai ông ấy có thể đến California để học báo chí như người cha điệp viên của mình. Rồi cậu ấy đã phiên dịch cho Tổng thống Bush khi tới VN”, ông Larry kể.
Đó cũng chính là chiến tranh VN, tư liệu VN nhưng không phải qua cái nhìn từ các lãnh đạo cấp cao hai nước, mà là cái nhìn từ những câu chuyện bình dị của những người dân, những người lính bình thường - những người không nằm trong giới chính trị.
Gọi cách khai thác tư liệu VN như vậy là “cách nhìn chiến tranh từ dưới lên”, ông Larry chia sẻ nhiều câu chuyện cựu binh Mỹ: “Có những người lính Mỹ còn trẻ đến mức chưa đủ tuổi uống bia. Họ đến từ những thị trấn xa xôi, gia đình lao động. Nhiều người rõ là bị cưỡng bức tham chiến, bị bắt lính. Có người hiểu nếu không tình nguyện cũng sẽ bị bắt lính nên họ đăng ký vào hải quân để tránh trực tiếp tham chiến”.
Chính vì thế, trong các câu chuyện tại hội thảo, rất nhiều tâm sự được chia sẻ giống với nhật ký Đặng Thùy Trâm. Đó là mong ước “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình” như nữ bác sĩ từng ao ước. Nhiếp ảnh gia là cựu chiến binh Mỹ Ted Engelmann, người đã chuyển cuốn nhật ký lại cho gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cũng có mặt trong hội thảo. Ông cho biết: “Chúng tôi không thực sự muốn tham chiến. Chúng tôi cũng nhìn thấy những đứa trẻ chạy trong sợ hãi thời kỳ 1968 - 1969. Làm sao có thể sống bình thường trong hoàn cảnh chiến tranh!”.
Trong khi đó, PGS-TS Vũ Thị Phụng (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) lại chọn nghiên cứu ký ức những người con liệt sĩ ở Thái Bình. Bà kể: “Họ nhớ lúc đói ăn, ngày mưa bão không có người đàn ông để chống chọi. Họ cũng nói về việc mình đã nỗ lực vươn lên như thế nào. Nhiều con liệt sĩ được nhà nước cử đi xuất khẩu lao động, nhưng chủ yếu họ được người xung quanh giúp ngay tại địa phương”.
Mở kho tư liệu VN - nhìn chiến tranh từ dưới lên1

Những vựa ngô ven sông Hồng, sông Đáy trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1967

Xây dựng hệ thống tư liệu tiếng nói cá nhân, chuyên nghiệp

Bà Phụng cũng cho biết những người con liệt sĩ mà bà phỏng vấn ở Thái Bình đều không kêu ca trách móc số phận. Họ hiểu đó là hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. “Họ cho rằng có thể sử dụng ký ức của họ để giúp người trẻ hình dung, cũng như giảng dạy về lịch sử chiến tranh”, bà Phụng nói.
Việc giảng dạy về chiến tranh VN qua các bộ phim Mỹ cũng được PGS-TS Justin Hart (ĐH Công nghệ Texas, Mỹ) phân tích. Theo ông, có những hạn chế trong việc hiểu biết thật sự về VN và người dân VN trong các bộ phim lớn của Mỹ. “Những phim này chủ yếu tập trung vào trải nghiệm của người Mỹ trong chiến tranh VN. Ngay cả những phim chỉ trích Mỹ nổi tiếng như Apocalype Now, Trung đội, Sinh ngày 4 tháng 7… cũng cho thấy người làm phim còn ít quan tâm đến quan điểm của người VN”, ông phân tích. Theo ông, những năm gần đây, tình trạng này được khắc phục phần nào.
Ông Ted Engelmann đã làm việc nhiều với bảo tàng Hàn Quốc về ký ức những người lính Hàn Quốc. Ông cho rằng cần thiết lập bộ sưu tập và lưu trữ chuyên nghiệp ở VN để thu thập, gìn giữ cho thế hệ tương lai những tiếng nói cá nhân và tinh thần văn hóa VN đã trải qua chiến tranh với Mỹ.
Trong khi đó, GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Chúng ta dạy lịch sử rất bài bản và chính thống với quan điểm từ nhà nước, từ chính phủ. Nhưng một cuộc chiến tranh không chỉ có đường lối, mà thực hiện chiến tranh là những con người. Cuộc chiến tranh của chúng ta vĩ đại với mấy chục triệu người tham gia thì cần nhìn từ góc độ của họ. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh hướng nghiên cứu đó. Nên hợp tác với các nước với các nguồn tư liệu lớn. Nó góp phần xây dựng cái nhìn đầy đủ hơn nữa về chiến tranh VN”. T.N
Hội thảo quốc tế Hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về VN: Giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía do ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Hội thảo có nhiều chuyên gia từ các nước Mỹ, Nga, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan… Đặc biệt, 2 trung tâm lưu trữ tư liệu VN lớn cũng có đại diện tại hội thảo là Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Aix - Marseille (Pháp) và ĐH Công nghệ Texas (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.