Trong khuôn khổ khoá học phòng chống bệnh liên quan lối sống dành cho 14 đại biểu của JICA đang diễn ra tại Nhật Bản, ngày 19.11, những người trẻ Việt Nam có mặt tại Trường ĐH quốc gia Kyushu.
GS Ninomiya Toshiharu, giáo sư lĩnh vực y tế công cộng và sức khỏe cộng đồng, Viện nghiên cứu y học thuộc Bệnh viện Trường ĐH quốc gia Kyushu, chia sẻ về nghiên cứu Hisayama - thực hiện tại thị trấn Hisayama, tỉnh Fukuoka. Nghiên cứu chỉ ra việc nguy cấp của bệnh sa sút trí tuệ (dementia), những nguyên nhân, giải pháp.
Sa sút trí tuệ là vấn đề của toàn thế giới
GS Ninomiya Toshiharu cho biết nghiên cứu Hisayama bắt đầu được thực hiện từ năm 1961 và đến nay vẫn tiếp tục. Nghiên cứu trên 10.000 người, đến nay người lớn tuổi nhất trong số này đã là 102 tuổi. Nhiều người đã qua đời, và được tiến hành khám nghiệm tử thi. Hiện số giáo sư, chuyên gia tham gia nghiên cứu này khoảng 30 người, trong đó có GS Ninomiya Toshiharu. Đây cũng là thế hệ thứ 5 các giáo sư, chuyên gia kế thừa để tiếp tục nghiên cứu.
“Bệnh sa sút trí tuệ đang là vấn đề chung của thế giới, người mắc bệnh này gặp vấn đề liên quan suy giảm trí nhớ, khó kiểm soát suy nghĩ, hành vi, năng lực. Hiện trên thế giới có 46,8 triệu người mắc, và con số này sẽ tăng gấp đôi lên 74,7 triệu người vào năm 2030, và gấp 3 lần năm 2050 (131,5 triệu người). Dự đoán khu vực châu Á sẽ là khu vực tăng mạnh nhất.
Một chi tiết khá thú vị, theo nghiên cứu Hisayama, đó là bệnh sa sút trí tuệ liên quan đến số răng. Hay nếu ngủ quá ít, dưới 5 tiếng, đều có nguy cơ tăng mắc bệnh sa sút trí tuệ. Nếu người cao tuổi có ít răng, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn, bởi sẽ gặp khó khăn khi nghiền thức ăn, chuyển hoá đường, lương thực, thịt cá thành các chất... Vấn đề này có thể giải quyết bằng việc người bệnh lắp răng giả.
Hiện nghiên cứu Hisayama cũng được một số quốc gia hợp tác và được Mỹ, Úc, một số nước châu Âu cùng thực hiện, thu được những kết quả gần như tương tự với Nhật Bản.
|
Trong khi đó, tại Nhật Bản, đến năm 2050, tính từ lúc chào đời, cứ 10 người Nhật thì có 1 người bị sa sút trí tuệ. Còn nếu trên 60 tuổi thì cứ 3 người lại có 1 người bị. Vậy là 1 người, nhìn sang bên trái và bên phải đều thấy người khác bị sa sút trí tuệ, nếu không có biện pháp phòng chống bệnh sa sút trí tuệ thì Nhật Bản sẽ bị diệt vong”, GS Ninomiya Toshiharu, đại diện cho nhóm nghiên cứu của Trường ĐH quốc gia Kyushu phân tích.
|
Người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ
GS Ninomiya Toshiharu cho biết người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh sa sút trí tuệ, dạng sa sút trí tuệ mạch não. Nhưng phổ biến nhất mắc bệnh này là người trên 65 tuổi.
“Người mắc bệnh sa sút trí tuệ dễ quên, dễ chạy xe ngược chiều trên đường cao tốc, họ có thể đi chợ nhưng không biết đường về nhà hoặc cất đồ ở đâu đó nhưng lại nói là bị mất trộm và gọi cảnh sát. Những người cô đơn càng có nguy cơ cao mắc bệnh sa sút trí tuệ...”, GS Ninomiya Toshiharu nói.
GS dẫn ra lời khuyên của tổ chức y tế thế giới WHO, để phòng chống bệnh sa sút trí tuệ, mỗi người cần nâng cao thể chất, tăng hoạt động xã hội, giảm hút thuốc lá, ăn uống cân bằng, giảm thức uống có cồn, tăng cường giáo dục nhận thức, quản lý thính lực.
|
Không chỉ gây ấn tượng với phần trình bày bài giảng khoa học, logic và lôi cuốn, GS Ninomiya Toshiharu cũng cho thấy là một người thầy luôn lắng nghe, sẵn sàng trao đổi.
Cuối bài giảng, khi một bạn trẻ trong đoàn Việt Nam tiến gần hơn tới giáo sư Ninomiya Toshiharu, cúi đầu trân trọng: “Mẹ em đang gặp vấn đề này, mẹ em đã mắc tiểu đường 15 năm nay và gần đây có dấu hiệu sa sút trí tuệ, bà đi chợ và không nhớ đường về nhà. Em cảm ơn thầy về bài giảng ý nghĩa”. Vị GS Nhật Bản ôn tồn: "Anh có thể giúp mẹ có một chế độ ăn uống khoa học hơn. Quan trọng nhất, đừng để người già cô đơn, hãy nói chuyện, chia sẻ với mẹ nhiều hơn nữa”.
Bình luận (0)