Cách mạng tháng Tám qua hồi ức nhân sĩ trí thức Nam bộ:

Giáo sư Phạm Thiều - Trưởng thành nhờ cách mạng

23/08/2024 05:57 GMT+7

"Trưởng thành nhờ cách mạng" là tên bài viết của Giáo sư Phạm Thiều do Trần Vọng Đức ghi, được in trong sách Cách mạng mùa thu - Giang sơn tuổi trẻ (NXB Trẻ, 1992). Đó là một phần tâm sự của một nhà trí thức sáng danh gốc người miền Trung gắn bó với Nam bộ.

"Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, tôi lúc này đang chấm thi ở Cần Thơ. Khi tôi trở lại Sài Gòn thì chính quyền cách mạng đã được thiết lập ở đây. Tôi đến gặp các anh ở Thành ủy Sài Gòn (đóng ở đường Lý Tự Trọng bây giờ) để xin tham gia công tác".

Giáo sư Phạm Thiều - Trưởng thành nhờ cách mạng- Ảnh 1.

Giáo sư Phạm Thiều (1904 - 1986)

Trước đó, trong Niên giám bản thân của ông - một dạng lý lịch tự thuật - cho biết ông về dạy toán rồi chữ Hán ở Trung học Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) từ 1938 - 1945. Bom Mỹ ném, nửa trường định dời về Bến Tre, ông "đi cổ động cho Thanh niên Tiền phong và giao thiệp với một số đảng viên cộng sản".

Giáo sư Phạm Thiều (1904 - 1986) sinh tại H.Diễn Châu, Nghệ An. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ông vào Nam lập nghiệp. Nhà trí thức họ Phạm đã nhanh chóng tạo được dấu ấn trong giới trí thức qua các hoạt động xã hội cổ động tinh thần yêu nước. Trên Nam kỳ tuần báo (số 71, ra ngày 17.2.1944), Trường Sơn Chí (bút danh của ông Ung Ngọc Ky) cho biết cuộc diễn thuyết ngày 9.1.1944 tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo để quyên tiền cứu trợ nạn nhân bị bom ở miền Bắc, Giáo sư Phạm Thiều diễn thuyết đã dùng từ "hào khí Đồng Nai" để ca ngợi truyền thống hào hiệp "thấy nghĩa thì dám làm, ra ơn không cần báo" của người Nam bộ.

Khi Nhật lật Pháp (9.3.1945), trong hồi ký ông cho biết lúc đó bắt đầu tỉnh ngộ, biết Nhật không tốt... Sau khi chính quyền Nhật đưa Trần Trọng Kim lên làm Thủ tướng Đế quốc Việt Nam, ở Sài Gòn xuất hiện phong trào Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng đầu. Giáo sư Phạm Thiều tham gia Thanh niên Tiền phong để hướng thanh niên Việt Nam tham gia vào các tổ chức yêu nước, giành độc lập dân tộc.

Giáo sư Phạm Thiều - Trưởng thành nhờ cách mạng- Ảnh 2.

Đại sứ Phạm Thiều (bên phải) tại Tiệp Khắc (1962)

Tư liệu

Đang chấm thi ở Cần Thơ, Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Giáo sư Phạm Thiều trở lại Sài Gòn. Về đến nơi, chính quyền cách mạng đã được thiết lập. Ông đến trụ sở UBND cách mạng lâm thời để xin tham gia công tác và được chấp nhận. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau, đêm 22 rạng 23.9.1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh đã nổ súng đánh chiếm lại Sài Gòn. "Cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân Nam bộ bắt đầu. Sau lần tham dự trận đánh Cầu Bông, tôi gởi gia đình về Bến Tre, rồi tới ở cạnh chùa Diệu Giác bên Gia Định", Giáo sư Phạm Thiều kể lại.

Trận đánh Cầu Bông được báo Cứu quốc (số 54, ra ngày 29.9.1945) ghi nhận qua bài Vẫn kịch chiến trong thành phố Sài Gòn: "Đêm 26.9 rạng ngày 27.9 đại đội Cộng hòa vệ binh Tân Định hiệp lực với Cộng hòa vệ binh Tiền Giang đã tổng công kích quân địch từ 21 giờ đến 0 giờ sáng 27. 9, đánh lui quân địch ra khỏi Cầu Bông và chiếm cầu ấy. Vì không muốn đụng chạm với quân đội Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh nên đại đội quân ta đã rút lui. Quân ta đã thắng lợi và quân địch đã tổn thương rất nhiều". Hình ảnh chiến sĩ "bạch đầu quân" Phạm Thiều đã in sâu trong tâm trí những người kháng chiến Nam bộ. Sau này, Thượng tướng Trần Văn Trà còn nhắc lại trong hồi ký: "Tôi không quên được hình ảnh cụ Phạm Thiều, một giáo sư nổi tiếng của Sài Gòn hồi ấy, cũng đầu đội mũ nan, tay cầm tầm vông vạt nhọn, lăn bò theo đám thanh niên chúng tôi, nhằm vào quân thù mà tiến".

Năm 1946, trong cuộc đàm phán thi hành Hiệp định Sơ bộ trên địa bàn Khu 7, có Đại tá Fehler - đại diện quân đội Pháp, và đại diện của ta là Khu phó - Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cùng sự tham gia của Giáo sư Phạm Thiều - Trưởng phòng Chính trị. Tin này truyền khắp Sài Gòn, làm nức lòng nhân dân: Việt Minh lôi cuốn cả các "giáo sư cỡ bự như Phạm Thiều và biết bao trí thức lớn khác". Còn Giáo sư Phạm Thiều kể lại giản dị: "Ngày 10.10.1945, tôi qua Gò Vấp gặp được anh Hà Huy Giáp. Thế là từ đấy tôi gắn đời mình với cách mạng. Ra đi kháng chiến khi trên mình chỉ có mảnh áo sơ mi, chiếc quần soọc, đôi giày vải và chiếc mũ trắng"... (còn tiếp)

Người trí thức danh tiếng này, từ 1948 - 1954, đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Giám đốc Sở Thông tin tuyên truyền Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính thành Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Phân khu miền Đông Nam bộ...

Trở lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất, dù đã nghỉ hưu, nhưng với uy tín lớn trong giới trí thức và nhân dân Nam bộ, Giáo sư Phạm Thiều tiếp tục làm Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa VI (1976 - 1981)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.