Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT) quy định giáo viên phải nhận xét học sinh bằng điểm số, nhận xét (ngoại trừ môn âm nhạc, thể dục, mỹ thuật) gây áp lực rất lớn lên giáo viên.
Có giáo viên phải ghi nhận xét cho 400 đến 440 học sinh (nếu lớp có 40 học sinh) trong một học kỳ (ảnh minh họa) |
đ.n.t |
Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT áp dụng đối với lớp 6 (năm học 2021-2022) thì việc nhận xét, đánh giá học sinh có thể dùng lời nói hoặc viết. Điều này được nhiều thầy cô rất hoan nghênh. Ngược lại, theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT áp dụng đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 cũng trong năm học 2021-2022, giáo viên lại phải ghi quá nhiều nhận xét đối với học sinh bên cạnh đánh giá bằng điểm số.
Có giáo viên ghi nhận xét cho hơn 400 học sinh
Cụ thể sau khi kết thúc học kỳ 1, học kỳ 2 và cả năm, thầy cô bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện hai yêu cầu đối với từng học sinh: Một là đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giáo dục phổ thông; Hai là đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với môn học quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.
Như vậy nếu một giáo viên dạy nhiều lớp, từ 10 đến 11 lớp, nhất là đối với giáo viên dạy môn sử, địa, giáo dục công dân… phải ghi nhận xét cho 400 đến 440 học sinh (nếu lớp có 40 học sinh) trong một học kỳ. Điều này thật vô cùng vất vả, không cần thiết.
Thứ nhất giáo viên không thể theo dõi và nhớ từng ấy học sinh mình dạy để nhận xét cho chính xác được, khi chấm bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ thầy cô đã có ghi điểm và nhận xét trực tiếp vào bài làm của học sinh rồi.
Thứ hai, thầy cô dễ nhầm lần giữa em này với em khác rồi dẫn đến ghi trùng lời nhận xét vì quá nhiều học sinh. Mỗi học sinh được 26 lần đánh giá bằng nhận xét (13 môn học) trong một năm học (hai lần cuối kỳ x 13 = 26), chưa kể đánh giá nhận xét cuối năm của giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó, có giáo viên phải ghi hơn 800 nhận xét.
Nhiều nhưng không tập trung, thiếu chính xác
Đồng ý đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số là đánh giá được toàn diện học sinh hơn về năng lực và phẩm chất. Tuy nhiên có quá nhiều đánh giá nhận xét như nói trên là sự dàn trải không tập trung trong đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh dẫn đến sẽ có thể thiếu chính xác, lãng phí ít thời gian của thầy cô.
Vì mỗi thầy cô phải viết quá nhiều nhận xét nên chỉ nhận xét có tính chung chung và trùng lặp: học được; có cố gắng; hoàn thành tốt…, mà không có ý nghĩa về đánh giá phẩm chất năng lực của học sinh theo mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để việc nhận xét có hiệu quả giáo dục học sinh thiết thực nên chăng giao việc đánh giá bằng nhận xét cho giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện có phối hợp với giáo viên bộ môn. Chỉ cần sử dụng phần mềm Vnedu, giáo viên bộ môn vào điểm và giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận xét từng em một cách ngắn gọn sau khi đã trao đổi cụ thể với giáo viên bộ môn. Lúc này, một giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ phải nhận xét nhiều nhất từ 40 đến 45 học sinh/lớp, và việc đánh giá học sinh sẽ đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Bình luận (0)