Làm việc 2 buổi/ngày nhưng hưởng lương 1 buổi
Theo cô Đ.H.Y, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM, chương trình mỗi tuần vẫn có 25 tiết chính khóa nhưng với học sinh (HS) lớp 1 thì còn có thêm các môn tự chọn về kỹ năng, hoạt động ở trường theo chương trình mới. Cô Y. cho biết trường phân bổ thời khóa biểu các môn tự chọn xen kẽ lớp buổi sáng, lớp buổi chiều thành ra có trường hợp buổi sáng HS học chính khóa, buổi chiều học môn tự chọn nên giáo viên (GV) phải làm việc nguyên ngày. Nhiều GV chủ nhiệm, dù có những tiết học mình không dạy nhưng vẫn phải tới trường để quản lý HS...
Cô Y. phân tích: Một tuần GV sẽ dạy 25 tiết, đáng ra mỗi buổi GV sẽ dạy 5 tiết và không dạy thứ bảy. Nhưng nếu HS học 2 buổi/ngày thì theo quy định chỉ cho phép buổi sáng dạy tối đa 4 tiết, buổi chiều 3 tiết. Do vậy, GV sau khi hoàn thành 4 tiết vào buổi sáng thì còn thiếu 5 tiết/tuần nên buộc phải dạy vào buổi chiều. Do vậy GV nào cũng phải đi làm từ sáng đến chiều.
Theo cô Y., đối với GV tiểu học, một năm học chỉ cho phép tính tối đa 200 tiết phụ trội/người, nếu quá số tiết này sẽ không được hưởng. Như vậy, mỗi tuần GV sẽ phụ trội 2 tiết dạy, cùng với 3 tiết chủ nhiệm, trong 35 tuần học là 175 tiết phụ trội nhưng trên thực tế GV làm việc quá số tiết này rất nhiều.
“Chúng tôi đã từng trình bày vấn đề này, nhưng một số nhà quản lý cho rằng đây là công việc bắt buộc của GV khi triển khai chương trình mới. Trường không được thu thêm khoản phí nào, cũng không có ngân sách chi cho khoản này nên GV phải chịu thôi. Hiện chúng tôi vẫn đang có kiến nghị để tìm cách tháo gỡ vấn đề này chứ không thể để GV chịu thiệt thòi như thế này được”, cô Y. bức xúc.
Vì sao giáo viên chỉ được nhận lương 1 buổi ?
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TP.HCM cho biết GV rất vất vả khi chạy theo chương trình mới.
Theo quy định, HS học 2 buổi/ngày thì phải có 1,5 GV/lớp nhưng hiện nay nhiều trường không đủ tỷ lệ này, do vậy GV sẽ phải dạy thêm tiết. Nhưng số tiết tăng thêm này hiện chưa có văn bản hướng dẫn nào chi cho GV. “Hiện nhiều quận khác đang có ý kiến tham mưu với Sở GD-ĐT về việc tính tiền buổi thứ 2 để có khoản chi cho GV chủ nhiệm và các bộ môn khác. GV rất vất vả, người lao động các ngành khác thì quy định ngày làm 8 tiếng nhưng với GV tiểu học ngày 7 tiếng, buổi tối về còn làm giáo án, sổ sách, chấm bài, nhận xét HS...”, vị lãnh đạo này nói.
“Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn”Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đang tính toán tìm hướng giải quyết.
Ông Hiếu nói: “Số tiền phụ trội ít nên GV không hài lòng, họ không mong muốn tính tiền phụ trội mà muốn được hưởng chế độ lương 2 buổi/ngày như trước đây. Chúng tôi đã nắm được vấn đề này nhưng đang chờ xin ý kiến của Bộ GD-ĐT để có văn bản hướng dẫn thu chung. Vì chương trình 2 buổi/ngày đối với lớp 1 hiện nay là bắt buộc, mà đã bắt buộc thì không được thu phí, do vậy chúng tôi cũng đang gặp khó khăn”.
“Bộ GD-ĐT cần xác định cụ thể HS học chương trình này phải học bao nhiêu buổi/tuần. Dựa trên khung này, các trường sẽ được thỏa thuận với phụ huynh để thu thêm khoản phí từ số buổi vượt chương trình. Vì trên thực tế, số buổi HS lớp 1 theo chương trình mới ở các trường không đồng đều. Ở những trường có cơ sở vật chất tốt, 100% HS học 10 buổi/tuần, nhưng ở những trường đông HS thì các em chỉ học 6 - 7 buổi/tuần”, ông Hiếu phân tích.
|
Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.2 (TP.HCM) - quận có 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày, cho biết: “Vấn đề này gây khó cho những quận đông HS vì từ trước giờ phần lớn HS học 1 buổi, khi chuyển qua chương trình mới học 2 buổi/ngày thì khối lượng công việc của GV tăng gấp đôi”.
Theo lý giải của ông Tùng, trước đây HS đăng ký buổi thứ 2 là học kỹ năng nên các trường được phép thu phí. Còn bây giờ chương trình mới đã quy định HS học 2 buổi/ngày, những tiết buổi chiều của GV là bắt buộc nên không được thu khoản này nữa. “Chúng tôi cũng đang rất mong chờ văn bản hướng dẫn thu chi cụ thể đối với chương trình 2 buổi/ngày của các cơ quan quản lý cấp trên. Mà để làm được điều này thì phụ thuộc vào Sở GD-ĐT và Sở Tài chính TP.HCM phối hợp rồi tham mưu với UBND TP mới được”, ông Tùng chia sẻ.
Bình luận (0)