Theo ghi nhận, nhiều giáo viên (GV) loay hoay khi ra ngữ liệu thơ ngoài SGK, còn học sinh (HS) cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với văn bản hoàn toàn mới.
Bộ GD-ĐT lưu ý trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra |
đào ngọc thạch |
Ngày 21.7.2022, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các sở GD-ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Theo đó, Bộ lưu ý trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, GV cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết, để đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Công văn của Bộ như thổi một luồng gió mới vào việc dạy và học môn ngữ văn ở các trường phổ thông hiện nay, đó là góp phần triệt tiêu dạy và học theo văn mẫu đã tồn tại từ hàng chục năm qua.
Tuy vậy, việc ra đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn lớp 10 lấy ngữ liệu thơ ngoài chương trình SGK khiến nhiều GV gặp không ít khó khăn vì nguồn không có sẵn. Cùng với đó, thầy cô chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu ra đề kiểm tra đối với một văn bản thơ mới.
Là một tổ trưởng chuyên môn, vừa qua tôi nhận được một số đề kiểm tra ngữ văn lớp 10 của đồng nghiệp gửi. Đọc kỹ những đề này, tôi thấy mắc nhiều lỗi, HS sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi làm bài.
Trước đây, cứ đến kỳ kiểm tra hay tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thậm chí thi HS giỏi, thì HS lại chăm chăm vào đề cương và cứ thế mà học thuộc lòng văn mẫu. Các em có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi nhưng sau đó thì gần như quên tất cả. Nhiều em không biết cách viết một đoạn văn đơn giản hoặc rất khó khăn khi diễn đạt điều mình cần nói.
Đó cũng là lý do khiến Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc đánh giá HS trong môn ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của HS, hay nói cách khác là phải xóa bỏ văn mẫu.
Thế nhưng phần tri thức ngữ văn trong SGK (ví dụ chủ đề giao cảm với thiên nhiên) chỉ cung cấp một phạm vi kiến thức ít ỏi, đó là: chủ thể trữ tình; vần và nhịp; từ ngữ, hình ảnh trong thơ. Trong khi đó, HS phải biết viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (đoạn thơ), thực tế là quá sức với các em.
Nhìn chung, yêu cầu HS bậc THCS, THPT phân tích nội dung, nghệ thuật của một bài thơ ngoài chương trình SGK là có phần quá sức với các em. Việc phân tích, cảm nhận thơ chỉ dành cho những HS có năng khiếu văn chương, sinh viên chuyên ngành hay các chuyên gia nghiên cứu văn học, ngôn ngữ.
Bình luận (0)