70 giáo viên mầm non ở TP.HCM vừa được trao giải Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố chủ đề "Giáo viên tài năng" dành cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập năm học 2023-2024. Những giáo viên trẻ được trao các giải nhất, giải nhì cấp thành phố chia sẻ với PV Thanh Niên những cú sốc trong nghề khi mới ra trường đi làm, cách các cô "vượt sốc" và gắn bó lâu dài với nghề nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Một ngày xoay như chong chóng từ 6 giờ 30 phút sáng
Cô Nguyễn Thị Hằng, 27 tuổi, quê Long An là giáo viên lớp mầm non Thiên An, H.Bình Chánh, TP.HCM đạt giải nhất hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi nhất cấp thành phố. Trên sân khấu, cô vừa kể chuyện, vừa biểu diễn múa rối câu chuyện "Bông hoa cúc trắng" rất xúc động cho khán giả. Nữ giáo viên mầm non học hệ trung cấp tại Trường CĐ Sư phạm T.Ư 3, sau đó vừa học vừa làm, đã nhận bằng tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bước sang năm thứ 8 đi làm.
"Đi làm rồi thì mới thấy những gì mình học trên giảng đường chỉ là lý thuyết, vào thực tế cuộc sống là nhiều tình huống khác nhau. Mới đi làm thì tôi còn nhiều cái bỡ ngỡ lắm, trẻ nhỏ thấy mình lạ thì không hợp tác. Tháng đầu tiên tôi dạy trong lớp nhà trẻ, trẻ ở độ tuổi này nhiều bạn mới được gia đình đưa đi lớp nên khóc rất nhiều, các con cũng chưa quen chế độ sinh hoạt, ăn uống trên lớp nên hay bệnh vặt", cô Hằng kể.
Nhiều người nghĩ rằng công việc của một giáo viên mầm non như cô Hằng chỉ múa, hát, đọc thơ cho các bé nghe. Nhưng thực tế, số công việc các giáo viên mầm non cần làm sẽ không thể đếm hết. 6 giờ 30 phút sáng, các cô phải có mặt ở lớp, dọn dẹp phòng học, đón con, chăm con, ăn sáng, lên tiết dạy, vui chơi với con, cho con ăn trưa, ngủ nghỉ... Những ngày lễ, lớp tổ chức các hoạt động lễ hội cho trẻ thì các cô còn nhiều nhiệm vụ hơn, đi sớm, về trễ hơn.
"Nếu hôm nào các con ăn ngoan, ngủ khỏe thì các cô cũng được thư thả ăn trưa, ngả lưng một chút buổi trưa. Còn nếu có bé bệnh, bé vừa nằm xuống giường mà ói hay khóc thì cô phải bỏ cả hộp cơm đang ăn ở đó để dọn cho bé, ôm bé, dỗ dành. Có bé ói, phun thẳng vào người cô. Nhiều bé mới đi học khóc nhiều lắm, các cô cứ thay phiên nhau ẵm con suốt để con quen", cô giáo trẻ kể. Thế nên, theo cô Hằng, ai làm giáo viên mầm non thì cũng đã quen với cảnh sáng đến trường ai cũng lộng lẫy với váy áo, giày cao gót, son trang điểm, nhưng tới chiều về thì tóc tai bơ phờ, mang luôn dép lê, áo bỏ ngoài... sau một ngày quay cuồng với trẻ.
Đã có lúc cô Hằng muốn xin nghỉ việc, nhất là những lúc thấy mình cô đơn, tủi thân, gặp các học trò nghịch ngợm, bướng bỉnh... nhưng dần dần, sự chia sẻ, động viên, vực dậy tinh thần từ người chủ lớp mầm non đã khiến cô kiên trì hơn, cố gắng và theo đuổi nghề đã được 8 năm.
Từng nghỉ việc và trở lại
Cô Lý Nguyễn Ngọc Trâm, 26 tuổi, giáo viên lớp mẫu giáo Khai Minh Trí, TP.Thủ Đức (TP.HCM) là người được trao giải nhất giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố ngày hôm qua (10.7). Chia sẻ trong niềm hạnh phúc, cô Trâm cho biết mình đã làm nghề được 3 năm và đang dạy lớp mẫu giáo 4-5 tuổi.
Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Gai Lai, đầu tiên cô Trâm đi dạy mầm non ở quê, tuy nhiên mới ra trường, gặp nhiều áp lực trong công việc nuôi dạy trẻ, thấy nghề này quá vất vả, cô gái đã xin nghỉ việc, làm nghề khác. Tuy nhiên, khi tới TP.HCM làm việc, cơ duyên giúp cô Trâm tiếp tục đi làm trở lại ở lớp mẫu giáo Khai Minh Trí và thấy trong mình vẫn còn muốn làm việc với trẻ em, muốn được chăm sóc, dạy dỗ các bạn nhỏ.
"Suốt 3 năm qua, khi tôi cảm thấy vất vả hoặc khó khăn quá, tôi lại nghĩ đến lý do mình bắt đầu, lý do mình làm cô giáo mầm non và tự động viên mình. Chẳng phải từ đầu, tôi đã chọn học nghề giáo viên mầm non và muốn đi làm để giúp được nhiều bạn nhỏ hay sao?", cô Trâm bộc bạch.
Những thầy giáo mầm non hiếm hoi bám nghề: Đến với nghề là một cái duyên!
Cách để cô giáo tìm thấy niềm vui trong nghề đó là luôn mang năng lượng tích cực tới các trẻ nhỏ, tới các đồng nghiệp và các phụ huynh. Khi bước chân tới lớp thì dù hôm qua ở nhà có chuyện gì buồn, trong lòng có buồn bực ra sao thì cũng tạm khép lại, để dành những giờ phút toàn tâm toàn ý đến các trẻ nhỏ của mình trên lớp.
16 năm gắn bó ở một nhóm trẻ độc lập
Cô Lê Ngô Minh Thư, giành giải nhất giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố năm học 2023-2024, đang công tác ở nhóm trẻ Hoa Lan, P.11, Q.Tân Bình, đã có 16 năm trong nghề, và đều làm việc ở Nhóm trẻ Hoa Lan. Thông thường, cô chủ yếu phụ trách lớp các bé 25-36 tháng tuổi - lứa tuổi nhà trẻ.
Cô Thư tâm sự cô từng có ước mơ trở thành một ca sĩ nhưng "nghề chọn người". Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm T.Ư 3, cô học liên thông lên ĐH và đã nhận bằng tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn. 16 năm qua, sự vất vả với công việc thì vô vàn nhưng niềm vui, động lực để cô luôn yêu thích nghề giáo viên mầm non đó là được làm việc với trẻ nhỏ - sở trường của cô.
"Trong 16 năm qua, nói thật cũng có lúc tôi muốn nghỉ việc, đó là sau đợt dịch Covid-19, lương giáo viên mầm non khó khăn, áp lực kinh tế gia đình khiến tôi muốn tìm một việc khác để làm. Nhưng nhóm trẻ nơi tôi làm việc rất chân tình. Nơi đây nuôi dạy trẻ rất có tâm, chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ. Chủ nhóm trẻ luôn động viên các giáo viên, những ai là giáo viên làm việc lâu năm cũng được chế độ đãi ngộ tương xứng với sự nỗ lực. Các giáo viên kỳ cựu quay trở lại nhóm trẻ sau mùa dịch cũng được hỗ trợ thêm tiền phụ cấp, vì chủ nhóm trẻ ghi nhận đây là những giáo viên tâm huyết với nghề. Sự chân thành, làm việc có tâm của nhóm trẻ là một trong những lý do để tôi luôn cố gắng phấn đấu trong suốt 16 năm nuôi dạy trẻ của mình", cô giáo mầm non bộc bạch.
Bình luận (0)