'Giáo viên vẫn tiếp tục điệp khúc câu đợi, câu chờ chính sách tiền lương mới'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/06/2024 19:37 GMT+7

Đồng tình với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1.7 tới, song đại biểu Quốc hội cho rằng, các nhà giáo vẫn sẽ tiếp tục điệp khúc 'câu đợi, câu chờ' chính sách cải cách tiền lương mới được ban hành.

Chiều 26.6, Quốc hội thảo luận các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, việc Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 30% từ ngày 1.7 là hợp lý, khả thi và có thể thực hiện ngay.

'Giáo viên vẫn tiếp tục điệp khúc câu đợi, câu chờ chính sách tiền lương mới'- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Minh Ánh phát biểu chiều 26.6

GIA HÂN

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành nên một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tâm tư và băn khoăn.

Theo bà Ánh, chủ trương lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp tại Nghị quyết 29 năm 2013 sau 11 năm đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.

"Suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà giáo vẫn sẽ tiếp tục điệp khúc câu đợi, câu chờ cho đến khi có chính sách cải cách tiền lương mới ban hành", bà Ánh nói.

Về nguồn thu được trích lập để thực hiện cải cách tiền lương, bà Ánh cho biết, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện và phát huy rất tốt sau khi được thực hiện giao tự chủ.

"Có ý kiến của đại biểu trong đoàn TP.Hà Nội đề xuất nếu đơn vị nào đã thực hiện về tự chủ tốt thì có thể giao cho áp dụng về cơ chế, chính sách tiền lương mới", bà Ánh nêu.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục và y tế đang thực hiện tự chủ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không đảm bảo được nguồn để tăng lương cho cán bộ, viên chức tới đây.

Từ đó, bà Ánh đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, hướng dẫn để các đơn vị tự chủ, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu không đảm bảo được nguồn để chi tăng lương cho các cán bộ, viên chức thì sẽ lấy từ đâu?

Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho hay, việc xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm để thực hiện chính sách tiền lương mới, hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, còn thiếu rất nhiều ngành nghề dẫn đến khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Do vậy, bà đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành bổ sung danh mục vị trí việc làm theo lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị, tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện danh mục này.

Đề nghị tăng lương cán bộ theo quy mô GDP

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) lại cho rằng, vấn đề cần quan tâm là cách thức cải cách tiền lương, nhất là cách thức trả lương.

'Giáo viên vẫn tiếp tục điệp khúc câu đợi, câu chờ chính sách tiền lương mới'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị tăng lương khu vực công theo GDP

GIA HÂN

Ông Huân cho hay, lần gần nhất thực hiện cải cách tiền lương là năm 2003, khi đó, GDP của Việt Nam chỉ 43 tỉ USD, tới nay GDP của Việt Nam đã là 450 tỉ USD, tức là tăng khoảng hơn 10 lần. Tích lũy được 913.000 tỉ đồng để tăng lương đợt này là một nỗ lực rất lớn, tuy nhiên, nếu có cách nào đó để khi GDP tăng lên một mức nào đó đủ lớn thì sẽ thay đổi tiền lương và không phải cải cách tiền lương nữa.

"Cán bộ quản lý nền kinh tế 45 tỉ đô với 450 tỉ đô rất khác nhau. Nếu tiền lương chỉ tăng theo cách chống lạm phát hoặc đảm bảo đời sống thì không khuyến khích cán bộ, công chức viên chức trong khu vực công", ông Huân nêu và cho biết, người làm khu vực công ngoài tự hào về vị trí thì phải yên tâm về thu nhập mới có thể gắn bó lâu dài. 

Đây cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Vì lúc đó, lương đủ lớn, đủ trang trải gia đình, tương xứng với mức đóng góp GDP, tăng trưởng GDP thì người ta không muốn tham nhũng và rất e ngại tham nhũng vì mất nguồn thu nhập rất lớn.

Ông Huân cũng cho rằng, theo cách này thì cũng đỡ vất vả chuyện tích trữ, huy động đủ các nguồn ngân sách cũng chỉ được 913.000 tỉ tăng lương như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.