Phát sinh nhiều vướng mắc?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong quá trình triển khai, xây dựng 6 nội dung cụ thể về cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 năm 2018 của T.Ư Đảng, nhất là việc xây dựng các bảng lương mới (bảng lương chức vụ, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang) cùng các chế độ phụ cấp, Chính phủ nhận thấy phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập. Cụ thể là việc xây dựng bảng lương mới; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp; xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực.
Thông tin thêm, bà Trà cho biết Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83 ngày 21.6, thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội (QH) triển khai thực hiện. Tại kỳ họp lần này, Chính phủ kiến nghị QH, thực hiện 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp (DN), cụ thể gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1.7); quy định cơ chế tiền lương đối với DN nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.2025).
Chính phủ cũng kiến nghị thực hiện 4/6 nội dung Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương. Hai nội dung còn lại gồm việc xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm và sắp xếp 9 chế độ phụ cấp mới chưa thực hiện do phát sinh nhiều bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Theo đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương thì giao Chính phủ thực hiện tăng lương, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1.7.
Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở T.Ư, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp. Đồng thời, thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6.2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1.7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Theo bà Trà, trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 1.7 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6.2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiến nghị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7. Cụ thể, tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH, đồng thời đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Hơi nửa vời, chưa rõ
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội QH Nguyễn Thúy Anh cho biết cơ quan thẩm tra thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương hoàn thiện các bảng lương, các chế độ phụ cấp, chế độ nâng lương, chế độ tiền thưởng, nguồn lực thực hiện, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để bảo đảm cải cách chính sách tiền lương thực sự là động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH.
Thảo luận tại tổ sau đó, ĐB Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, với các đề xuất lần này của Chính phủ, cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 là chưa đạt được. Theo ông, QH có nghị quyết từ cuối năm ngoái, theo đó từ 1.7 thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ lại có báo cáo chỉ thực hiện 4/6 nội dung theo Nghị quyết 27.
"Chúng ta thực hiện như thế này hơi nửa vời, chưa rõ. Nghị quyết 27 yêu cầu bỏ hết lương cơ sở, xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm. Đến giờ lại phải tiếp tục thực hiện lương cơ sở, vẫn theo hệ số lương cũ", ĐB Phú Thọ nêu.
ĐB Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh), Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, cũng cho biết một trong 2 yêu cầu rất lớn của Nghị quyết 27 là bỏ lương cơ sở, xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm thì chưa thực hiện được. Theo ông Thắng, đề xuất lần này của Chính phủ nói là thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 nhưng thực tế chỉ là điều chỉnh tăng lương. "Tôi đề nghị nói như vậy thôi chứ còn 6 nội dung của Nghị quyết 27 mới thực hiện được 4 nội dung, còn 2 nội dung cơ bản chưa thể thực hiện được. Mình nói cải cách phải rất căn bản. Như hiện nay là nâng lương chứ có gì đâu", ông Thắng nhìn nhận.
Giải thích vấn đề này tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết khó khăn lớn nhất của cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đến ngay từ vấn đề cơ bản nhất, đó là thiết kế các bảng lương cũng như cơ cấu, sắp xếp lại 9 nhóm phụ cấp. "Vướng mắc rất nhiều", bà Trà nói. Một khó khăn nữa đến từ xây dựng vị trí việc làm, dù triển khai từ 2012 nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Theo bà Trà, vừa qua, hệ thống chính trị "nước rút" để phê duyệt xong đề án vị trí việc làm, nhưng nhìn chung chưa đảm bảo chất lượng. Bộ Chính trị cũng chưa ban hành danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, dẫn đến khó khăn khi xây dựng vị trí việc làm gắn với mô tả, khung năng lực.
Báo cáo thêm tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thực tiễn cho thấy, năm 2023 khi tăng lương cơ bản 20,8%, CPI tăng không đáng kể, không vượt quá ngưỡng mà QH hiện giờ vẫn đang khống chế 4 - 4,5%. Vì thế, Chính phủ đã lên các kịch bản chi tiết, có giải pháp để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính xây dựng kịch bản chủ động từ sớm, cố gắng kiềm chế lạm phát.
Bà Nguyễn Thanh Hải được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ QUỐC HỘI
Chiều 25.6, với 449/450 ĐB tán thành, QH thông qua Nghị quyết về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thanh Hải (54 tuổi), quê Hà Nội, trình độ lý luận chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn PGS-TS vật lý. Bà Hải từng là Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) rồi Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH, trước khi được điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên vào tháng 7.2021.
Ông Đinh Tiến Dũng thôi làm ĐBQH
Chiều 25.6, với 440/445 ĐB tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trước đó, tại hội nghị bất thường ngày 21.6, T.Ư Đảng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Ngày 19.6, Bộ Chính trị cũng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV TP.Hà Nội và báo cáo T.Ư Đảng để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ các chức vụ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bình luận (0)