Gieo chữ ở đảo xa

08/05/2021 06:21 GMT+7

Cũng mười năm hơn, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ có chuyến đi thực tế ở Đảo Hòn Chuối .

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhưng cách đất liền hơn 17 hải lý. Đời sống của người dân trên đảo còn nhiều thiếu thốn, nhất là thiếu chữ. Bằng sự đóng góp cho giáo dục của những người thầy mang quân hàm xanh, mà hiện nay 100% các em nhỏ sống trên đảo đều “được nâng bước” đến trường.
1. Trên đường đi xuống ghềnh Nam, tôi bắt gặp những ánh mắt thơ ngây, tròn xoe của các em học sinh đang cắp sách từ dưới ghềnh lên, chăm chăm nhìn người lạ. Biết tôi thắc mắc chuyện các em nhỏ leo dốc núi đến trường, một chiến sĩ đi cùng tôi cho biết, trường của các em là dãy nhà cũ kỹ mà mọi người vừa đi ngang qua.
Lấy lý do không leo nổi dốc đá hơn 300 bậc thang, tôi xin trưởng đoàn ở lại để tạm nghỉ ngơi. Trong lòng tôi lúc ấy nhen nhúm ý định cùng các em nhỏ cắp sách đến trường, nghe ê a con chữ.
Trước mắt tôi là một lớp học chừng 30 m2, trước cửa phòng có treo biển nền đỏ chữ vàng: “Lớp học tình thương - Đồn biên phòng 704”. Bên trong căn phòng có khoảng 15 em ngồi ngay ngắn, cặm cụi chép bài. Bàn ghế cho các em ngồi cái cao, cái thấp trông rất cũ kỹ. Còn bàn, ghế của thầy giáo cũng chẳng hơn. “Thầy giáo” dạy cho các em không ai khác hơn là đại úy Trần Bình Phục.
Thầy Phục cho biết, lớp học có 5 khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Dụng cụ học tập của các em do Bộ đội Biên phòng tài trợ, hoặc từ đất liền đồng bào mình gửi ra tặng. Lớp học không ổn định sĩ số, bởi hết mùa tôm cá, các em phải theo cha mẹ chuyển đi làm ăn xa hoặc vào đất liền sinh sống. Thầy Phục còn cho biết thêm: “Học sinh ở lớp học này không có học bạ. Nhà em nào có điều kiện vào đất liền học tiếp sẽ được lãnh đạo đồn biên phòng xác thực thông tin”.

Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức
với tổng giải thưởng 260 triệu đồng

Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
2. Năm 1997, đại úy Trần Bình Phục nhận nhiệm vụ ra đảo Hòn Chuối để cùng bà con ở đây khắc phục những thiệt hại do bão Linda gây ra. Đây là cái duyên để đến năm 2009, anh bắt đầu bén nợ với đảo Hòn Chuối đến tận bây giờ.
Khi nhận công tác tại đảo, đại úy Phục nhìn cảnh các em nhỏ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cả con chữ, nên anh cầm lòng không đặng. Anh đã chủ động đề xuất lên ban chỉ huy xin dạy chữ cho các em thử một tháng. Nhưng anh đã gắn bó công việc gieo chữ cho đến hôm nay, 11 năm dư, dù chẳng có kiến thức nghiệp vụ, hay kinh nghiệm sư phạm...
“Trong mỗi con người chúng ta, ai cũng có lòng trắc ẩn, hơn nữa bản thân tôi là một người lính. Tụi nhỏ có những đứa bằng tuổi con mình... Học mới thay đổi được cuộc đời của một con người. Đói ăn, đói mặc không phải là điều ghê gớm, mà đói tri thức mới thật ghê gớm nhất!”, “thầy Phục” trải lòng.
Với “thầy Phục”, điều khó khăn nhất là thay đổi ý thức của người dân sống trên đảo Hòn Chuối. “Người dân có đời sống bấp bênh. Họ quan niệm làm có tiền là được, chứ không mặn mà đến chuyện học hành cho con cái. Họ cũng không tin rằng mình sẽ dạy được chữ cho con cái của họ”, “thầy Phục” nhớ lại.
Khó khăn là vậy, nhưng người thầy mang quân hàm xanh - Trần Bình Phục chưa bao nghĩ đến việc bỏ cuộc. “Thầy Phục” cùng các chiến sĩ đồn biên phòng đến gõ cửa từng hộ dân, trước là thăm hỏi, sau là vận động, thuyết phục họ cho con em của mình “đi học thử”.
Một điều khó khác, đó là chuyện các em không chịu đi học. “Thầy Phục” lại phải “thu phục” chúng bằng tình thương của một người bạn, người cha. “Em Dũng hồi đó lì lắm, hay trốn học đi câu. Lần đó, tức quá, tôi ra tới chỗ câu bắt em ấy về lớp rồi quát: “Con muốn học hay muốn bị ăn đòn?”. “Thầy đánh con hai cây đi, rồi cho con về đi câu kiếm tiền. Nhà con hết gạo rồi…!”. Hiểu hoàn cảnh Dũng nên tôi nén lòng và cố gắng thuyết phục em. Và rồi khi tôi trở thành bạn câu của em, em lại trở thành đứa học trò siêng năng, ngoan ngoãn của lớp, “thầy Phục” kể lại.

Khoảnh khắc “thầy giáo” Trần Bình Phục vui đùa với học trò của mình…

Ảnh: Đông Phong

3. Song song với việc dạy chữ, “thầy Phục” còn chú trọng đến việc dạy đạo đức cho các em. “Điều căn bản để làm người chính là đạo đức. Từ những đứa trẻ chỉ sống theo bản năng, nay chúng đã phân biệt được đúng - sai; các em giờ đã biết ước mơ, sống tích cực hơn”, “thầy Phục” chia sẻ.
Giờ đây, ngoài việc phụ giúp gia đình, các em sống trên đảo Hòn Chuối còn thêm một nhiệm vụ là học tập. Mỗi ngày đến trường, với các em là một ngày vui.
“Thầy Phục” tâm sự: “Tôi tin rằng sự chia sẻ dù nhỏ cũng tạo nên sự kỳ diệu. Lúc trước sáng đi học các em đói khát, khóc lóc, lem luốc; giờ các em đến trường với những nụ cười tươi nở trên môi . Với tôi, nụ cười chính là sự kỳ diệu!”.
4. “Thầy Phục” bảo hôm nào có dịp, tôi ra thăm Hòn Chuối. Rồi anh nói, ngôi trường cũ kỹ mà tôi thấy hồi trước, giờ đã khang trang. Tất cả nhờ vào sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau và Quỹ Thiện Tâm, cùng những tấm lòng của đồng bào ở đất liền hướng ra biển đảo, ý thức về giá trị học tập của phụ huynh sống trên đảo được nâng lên.
“Thầy Phục” còn cho biết thêm, hiện lớp học tình thương có 22 em theo học với 6 khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 6. Tụi nhỏ giờ ngoan lắm. Học trò của tôi, giờ có đứa vào đại học rồi à nghen. Càng khó khăn càng phải kiên định ý chí. Thành công này đâu chỉ của riêng tôi…” - “thầy Phục” khiêm tốn cho biết.
“Thầy Phục” hiểu rằng giáo dục là “vũ khí mạnh nhất” để thay đổi cuộc đời của con người. Và nơi nào bộ đội Cụ Hồ đến là nơi ấy phải thay đổi tốt đẹp.
Đảo Hòn Chuối sẽ hết nghèo tri thức, sẽ có thêm nhiều những ước mơ được chắp cánh bay cao. Vì thế, đại úy Trần Bình Phục, thật sự xứng đáng là một công dân Sống đẹp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.