6 người trong nhà thành F0, người âm tính còn lại bình tĩnh xử lý thế nào?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
01/08/2021 08:52 GMT+7

Từ đầu mùa dịch, là bí thư đoàn phường, anh đi khắp các điểm nóng để vận động, hỗ trợ người dân… Dù đã phòng trước, anh không ngờ có ngày cả gia đình mình lại thành ổ dịch, khi 6 người trong nhà trở thành F0.

Cho đến nay, anh Lưu Tuấn Thành, Bí thư đoàn phường 4 (30 tuổi, quận 10, TP.HCM), đã tự cách ly ở nhà ngày thứ 5. Anh là người duy nhất trong gia đình có 7 người cho kết quả xét nghiệm âm tính. 6 người còn lại từ mẹ anh, 2 người em, 2 dì, cậu… đều trở thành F0 khi xét nghiệm dương tính, hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện dã chiến số 8 (TP.Thủ Đức).

Chuẩn bị sẵn tinh thần cho cả gia đình

Gia đình anh Thành sống ở quận 10, trong khu dân cư đông đúc. Ở đây một nhà có thể có đến 3-4 hộ khẩu và vài chục nhân khẩu sống chung. Khu vực này chợ truyền thống cũng nhiều, đặc biệt trước đó một chợ truyền thống gần nhà đã thành ổ dịch, hàng chục người thành F0 nên anh đã báo động và nhắc nhở mọi người thường xuyên về việc tuân thủ quy tắc phòng bệnh. Nhưng anh cũng đồng thời chuẩn bị sẵn tình huống cả gia đình có thể bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào khi sống ở khu vực dịch bệnh phức tạp.
"Lúc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, cả gia đình được lấy chung mẫu gộp. Nhận kết quả dương tính thì chắc chắn trong nhà đã có người bị nhiễm Covid-19. Là người đầu tiên biết tin, lúc đó mình có lo lắng, vì gia đình đông người sống chung với nhau, sợ mọi người sẽ lây nhau hết”, anh Thành nói.
Và điều anh lo lắng đã trở thành sư thật, sau khi xét nghiệm lại bằng PCR, có tới 6 người trong gia đình thành F0 khi kết quả đều khẳng định dương tính.
“Đã nhiều lần xử lý các ổ dịch nên với gia đình mình cũng nhanh chóng lây lại bình tĩnh. Trước đó cũng đã làm công tác tư tưởng, chuẩn bị sẵn tinh thần cho gia đình trong trường hợp nếu chẳng may nhiễm bệnh thì phải làm gì. Do vậy, sau khi nhận kết quả, mình dặn dò từng người chuẩn bị những vật dụng cần thiết, đề khi có điều động đi điều trị tập trung là có mặt liền, không làm mất thời gian và mất bình tĩnh như nhiều người khác”, anh Thành chia sẻ.
Trong 6 người bị dương tính thì mẹ và các dì, cậu đã lớn tuổi. Trong lúc chờ người thân đi tới bệnh viện điều trị anh cũng đã kịp mua muốn số loại thuốc và vitamin theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC). Những ngày đầu, có người bị sốt, mệt mỏi…, anh đều bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
May mắn, cả gia đình anh sau đó được đưa đến bệnh viện dã chiến số 8. Tình trạng và mức độ bệnh giống nhau nên mọi người được xếp ở chung một phòng lớn, khá rộng rãi, thoáng mát.
Riêng bản thân Thành, là người duy nhất âm tính nhưng cũng là F1 nên anh cũng tự thực hiện cách ly tại nhà và tự theo dõi sức khoẻ của mình.

Từ khi dịch bùng phát trở lại ở TP.HCM, anh Thành và đồng nghiệp của mình vừa tích cực tuyên truyền mọi người tuân thủ quy tắc phòng dịch, vừa hỗ trợ mọi người ở các khu cách ly, phong toả. Anh đi từ sáng sớm tới khuya muộn mới về nhà

NVCC

Cần bình tĩnh để giải quyết mọi tình huống

Là bí thư đoàn phường, từ khi TP.HCM bùng phát dịch hồi cuối tháng 5 tới nay anh Thành cho biết hiếm có lúc nào anh có thời gian rảnh. “Thời gian ở ngoài nhiều hơn ở nhà, 6 giờ sáng mình đã rời nhà cho đến khuya mới về. Đây cũng có thể là lý do khiến mình là người duy nhất trong nhà âm tính với Covid-19”, nam bí thư phường chia sẻ.
Cũng từ lúc dịch bùng phát trở lại, anh tất bật với với những chuyến hàng hỗ trợ cho bà con từ khắp nơi chuyển tới. Hàng để lâu sợ bị hỏng, mọi người cứ thế, mỗi khi nhận hàng tấn hàng lại cùng nhau phân thành từng phần, rồi tất bật chuyển tới những khu bị phong toả, cách ly…
Anh cho biết, trong quá trình đi “dập dịch”, anh đã gặp không ít trường hợp vì mất bình tĩnh khi nhận tin dương tính có những phản ứng thái quá, chống đối cả những người thực hiện nhiễm vụ. Với dịch bệnh này, hầu hết mọi người đều là lần đầu tiên mắc bệnh nên tạm thời khó thích ứng, chấp nhận được.
“Có những trường hợp khi dương tính, lực lượng chức năng xuống chăng dây phong toả. Một số người cho rằng ‘mình phong toả người ta thì phải có nhiệm vụ chăm lo đời sống cho họ’. Do vậy thiếu một bịch muối, hết dầu ăn, tả bỉm cho con… họ đều gọi lên phường yêu cầu tiếp tế, cung cấp đủ thứ. Do vậy, nhiều khi chúng tôi quá tải, dàn hết lực lượng ra cũng không xử lý hết các đầu việc. Vì thế, chúng tôi chỉ mong mọi người thông cảm, bình tĩnh hơn, mỗi người chịu khó thêm một chút để san sẻ với nhau trong thời gian này”, Thành nhắn nhủ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.