Bỏ túi ‘bí kíp’ khi đến vùng lũ lụt cứu trợ

Lê Thanh
Lê Thanh
22/10/2020 14:19 GMT+7

Những người trẻ đã và đang có mặt ở vùng lũ lụt miền Trung chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu để chuyến đi cứu trợ được an toàn, suôn sẻ.

Cần người địa phương đồng hành

Theo anh Lê Thanh Tâm (24 tuổi, quê ở Đắk Lắk), người đang cùng nhóm bạn đến với bà con huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) cứu trợ, chia sẻ: “Một trong những lưu ý quan trọng là các đoàn từ thiện khi đến vùng lũ nên nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, tốt nhất là để họ cùng đồng hành”.
Lý giải về điều này, anh Tâm cho biết vì “lạ nước, lạ cái” nên nhóm người cứu trợ không thể nào rành đường. Chưa kể hiện nay, không gian các vùng quê ở miền Trung chỉ toàn nước và nước, khó phân biệt đâu là đường, đâu là sông, suối. “Nếu tự đi thì rất nguy hiểm”, anh Tâm nói.
Anh Tâm kể lại, cách đây một tuần, khi vừa đến xã Điền Hải, không gian ngập nước mênh mông, cả nhóm không biết phải làm thế nào để đến được trung tâm hành chính của xã. “May mắn là được người dân địa phương chỉ đường, dẫn lối. Những ngày sau đó, có sự hỗ trợ của họ, nên công việc cứu trợ diễn ra dễ dàng hơn”.

Chia sẻ, cứu trợ người dân bị lũ lụt tại xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình)

Ngọc Dương

Cùng quan điểm, anh Trương Thành Thắng (32 tuổi, quê ở TP.HCM), cho rằng rất cần những người ở địa phương tham gia cùng đoàn. Anh Thắng kể: Ngày 16.10 vừa qua, khi đến huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đoàn thấy bế tắc khi cả vùng quê bị nhấn chìm trong nước lũ. “Lúc đó, có người dân địa phương khuyên không nên đi tiếp. Bởi lẽ đoạn đường đó thường bị sạt lở, rất nguy hiểm. Nếu không nhận được lời khuyên đó, có thể cả đoàn đã gặp sự cố”, anh Thắng nói.
Là dân lái xe chuyên nghiệp, anh Thắng chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Phải đổ đầy xăng và chuẩn bị sẵn xăng trên xe, tránh cảnh hết xăng giữa đường, trong khi bốn bề là nước. Ngoài ra, khi đến tỉnh, huyện nào, thì phải lưu sẵn những số điện thoại cứu hộ xe ở nơi ấy, đề phòng bất trắc có thể xảy ra”.
Còn chị Nguyễn Thị Thảo (39 tuổi, ở Bình Dương), đang có mặt ở Quảng Trị, thì hướng dẫn: “Có một thực tế, là nhiều đoàn cứu trợ người dân, nhưng họ chưa biết rõ nơi nào đang trong tình trạng cấp thiết, phải cứu trợ giúp đỡ gấp. Có khi họ “dồn” đến một xóm để cứu trợ, vô tình quên những xóm khác. Thế nên, khi đến địa phương nào, có thể liên hệ chính quyền địa phương để xin thông tin. Khi đó, sẽ được cung cấp nơi cần ứng cứu, cũng như hướng dẫn cách thức di chuyển an toàn nhất”.

Giúp người là tốt, nhưng phải an toàn!

Chị Thảo cũng cho rằng, cần đặt yếu tố an toàn cho bản thân lên hàng đầu. Bởi đã có trường hợp không may tử nạn trong quá trình đi cứu trợ. 

Lũ nhấn chìm nhà cửa tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình

Ngọc Dương

Anh Trần Thanh Tĩnh (36 tuổi, ở Quảng Ngãi) thì khuyên: “Khi đến cứu trợ vùng đang bị bão lũ, mọi người cũng nên chuẩn bị sẵn những vật dụng thiết yếu, như mua áo phao, đem theo áo ấm, những loại thuốc, dầu xoa... Để khi sức khỏe có vấn đề thì có thể xử lý ngay.
Cũng theo anh Tĩnh, trong những ngày đi cứu trợ, phải luôn coi điện thoại là vật bất ly thân. Bên cạnh đó, phải sạc pin đầy trước khi bước đến vùng lũ. “Bởi khi đến những nơi nguy hiểm, thì người thân ở nhà rất lo. Cần phải để máy điện thoại hoạt động liên tục. Thỉnh thoảng phải báo tin cho người nhà biết, để họ đỡ lo lắng".

Chọn người phù hợp

Theo anh Nguyễn Lê Giang (25 tuổi, ở TP.HCM), khi kêu gọi mọi người tham gia lên đường ra miền Trung cứu trợ, rất nhiều người đăng ký. “Nhưng cần phải chọn lựa những người phù hợp. Đầu tiên là phải có sức khỏe tốt, để đáp ứng việc di chuyển liên tục trong thời tiết khắc nghiệt. Tiếp theo là chọn những người không ngại khó ngại khổ. Tránh việc vừa đi đến nơi, thấy nước ngập tràn, nghe tới cảnh phải đến nhiều vùng khó khăn, họ lại muốn dừng lại...”, anh Giang nói.

Đoàn cứu trợ tiếp cận để giúp người dân tại khu vực bị lũ nhấn chìm nhà cửa tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình

Ngọc Dương

Anh Giang chia sẻ thêm, tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương bị ngập lũ sẽ có nhu cầu cứu trợ khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn người dân nơi đây đều mong được hỗ trợ thực phẩm, nước sạch, đèn pin, nến...
Chị Thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Nói chung là trước khi đi cứu trợ, cần phải lên kế hoạch kỹ lưỡng. Liệt kê cả những tình huống, những điều bất trắc có thể xảy ra, rồi bàn bạc đưa ra những phương án có thể khắc phục… Có như vậy thì các chuyến đi cứu trợ người dân bị bão lũ sẽ suôn sẻ, thuận lợi”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.