'Cõng' nhà trên cổng trời

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/05/2021 08:35 GMT+7

Hàng trăm đoàn viên, thanh niên vùng cao Quảng Nam phối hợp với lực lượng biên phòng, công an vừa giúp “cõng” gần 100 ngôi nhà khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.

Làng Ch’nốc, nơi có khoảng 110 hộ dân (gần 500 nhân khẩu) đang sinh sống thuộc địa phận xã Ch’Ơm (H.Tây Giang, Quảng Nam), nằm cheo leo trên dãy núi Bạch Mã có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển. Ch’nốc là một trong những bản làng được mệnh danh “cổng trời” nơi vùng biên giới Việt - Lào.

Dời nhà, tặng quà

Sau đợt mưa lũ cuối năm 2020, nhiều căn nhà nằm dọc sườn núi bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở cao. Lo cho tính mạng và tài sản người dân khi mùa mưa bão đang cận kề, những ngày qua, Huyện đoàn Tây Giang đã huy động khoảng 200 thanh niên ở 10 xã và các chi đoàn trực thuộc phối hợp với lực lượng biên phòng, công an huyện giúp dân tháo dỡ, dời nhà. Để di dời được một căn nhà, các thanh niên phải cột chằng cho chắc chắn, đào hố xung quanh các trụ, buộc các tay đà vào các trụ, sau đó cùng nhau “cõng” nhà đến vị trí mới.
'Cõng' nhà trên cổng trời1

Thanh niên phối hợp với lực lượng biên phòng, công an di dời nhà giúp dân

Anh Cơlâu Hoài, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, cho hay trước khi vượt quãng đường bùn lầy dài gần 3 km vào làng Ch’nốc, các bạn trẻ đã gùi cõng lương thực, thực phẩm để tự túc nấu ăn. Các bạn biết rõ tình cảnh dân làng Ch’nốc khốn khó, không muốn phiền hà và nhất là xác định rõ “làm vì dân”. Họ chỉ xin nghỉ nhờ và có chỗ sinh hoạt…
“Sau 4 ngày làm bất chấp nắng mưa, chúng tôi đã “cõng” xong gần 100 ngôi nhà đến nơi bằng phẳng, rộng rãi. Nhà “cõng” đi xa nhất là 300 m, gần nhất 5 m. Chúng tôi cũng chia nửa lực lượng giúp dân san ủi mặt bằng nền nhà”, anh Cơlâu Hoài nói. Lại có thêm 20 suất quà được Huyện đoàn Tây Giang tặng những hộ khó khăn.

“Người làng mình biết ơn lắm !”

Alăng Men, Bí thư Đoàn xã Bhalêê, cũng tự tin bảo quãng đường đất đỏ trơn trượt không cản được sự quyết tâm của những bạn trẻ. Không ai bảo ai, mỗi người một việc, người tham gia di dời nhà, người vận chuyển tủ, giường chiếu, thậm chí từng cây củi khô cũng được nhặt nhạnh đưa đến vị trí mới. “Chúng tôi quyết tâm làm nhanh nhất có thể, để bà con về nơi ở mới”, anh vừa thở dốc vừa nói.
'Cõng' nhà trên cổng trời2

Để vào được làng Ch’nốc, các bạn trẻ phải vượt qua con đường đất đỏ trơn trượt dài 3 km

ẢNH: NAM THỊNH

Từ làng Ch’nốc qua cụm bản Tà Vàng (H.Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ băng bộ. Già làng Cơlâu Hênh bảo Ch’nốc nằm ở khu vực biên giới Việt - Lào, nên đời sống người dân Cơ Tu luôn gặp khó do cách trở. Nhất là con chữ, luôn “xa lạ” với đồng bào... “Trước đây, muốn dời nhà, chúng tôi phải tháo rời từng bộ phận rồi sau đó lắp lại, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể nhà cũ, tháo ra càng khó ráp lại. Khi người dân đang lúng túng không biết phải di dời như thế nào, thì các bạn thanh niên tìm đến giúp… Người làng mình biết ơn lắm, nhờ các chú ấy mà nhà cửa được chuyển đi rất nhanh”, già Hênh thổ lộ.
Ông Alăng Rép, Phó chủ tịch UBND xã Ch’Ơm, cũng nhìn nhận nếu tháo dỡ và di dời gần 100 ngôi nhà theo cách cũ, người dân phải mất ít nhất một tháng. Nhưng khi có sự giúp đỡ của Đoàn thanh niên và lực lượng biên phòng, công an thì thời gian rút ngắn rất nhiều, chỉ trong vòng vài ngày.
“Đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến làng này bị cô lập hơn 3 tháng liền do con đường độc đạo sạt lở nặng. Địa phương đã huy động lực lượng cõng gùi gạo, lương thực thực phẩm vào tiếp tế để cứu đói tạm thời. Việc giúp dân di dời nhà không chỉ tránh được sạt lở mà còn thực hiện theo nghị quyết sắp xếp lại dân cư ở khu vực miền núi”, ông Rép nói.
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết hiện tại địa phương đã rà soát toàn bộ hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, triển khai di dời về nơi ở mới và cơ bản ổn định dân cư. Ít nhất 105 khu đã được san ủi mặt bằng ở 63 thôn, làm nơi sắp xếp, bố trí chỗ ở mới… Những chuyến “cõng” nhà cho người dân đã giúp khép lại một hành trình vượt thoát vùng sạt lở ở vùng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.