Dấu ấn trẻ ở dự án metro

Phạm Hữu
Phạm Hữu
12/02/2021 09:00 GMT+7

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc (46 tuổi) llà một trong những người Việt tạo dấu ấn ở dự án metro đầu tiên được xây dựng tại TP.HCM.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài 19,7 km. Trong đó, tiến sĩ Quốc,  à người nước ngoài đầu tiên được vào biên chế chính thức sau hơn 210 năm lịch sử của Tập đoàn Shimizu hàng đầu Nhật Bản,  hiện là Phó trưởng đại diện Tập đoàn Shimizu tại Việt Nam, và là một trong những người Việt có đóng góp to lớn trong dự án này.
Phân vân giữa 2 con đường
Ít ai biết tiến sĩ Quốc từng phân vân giữa 2 con đường: thể thao hay học vấn. Khi đang học năm 3 Trường đại học Bách khoa TP.HCM, anh đã là kiện tướng quốc gia môn taekwondo. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành xây dựng năm 1996, anh trở thành giảng viên trẻ ở Khoa Xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.HCM, đồng thời được gọi vào đội tuyển taekwondo Việt Nam.
Khi anh Quốc vừa làm trợ giảng vừa tập luyện chuẩn bị thi đấu tại SEA Games 19 thì nhận được học bổng thạc sĩ tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Quyết định từ bỏ giấc mơ khoác áo tuyển thủ quốc gia, anh chọn sang Nhật du học. Những năm sau đó, anh hoàn thành luận án tiến sĩ rồi làm nghiên cứu sau tiến sĩ, đồng thời tham gia giảng dạy tại đại học này. Khi kết thúc sau tiến sĩ, anh nhận thấy cần phải hoàn thiện hơn về kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng, anh quyết định xin vào làm ở Tập đoàn Shimizu.

Khiến thay đổi quan điểm về sử dụng người nước ngoài

Trong môi trường thực tiễn ở Nhật Bản, bằng cấp không thể quyết định vị trí làm việc. Các doanh nghiệp Nhật còn e dè khi tuyển dụng người nước ngoài.
Muốn phát triển, anh Quốc phải khẳng định mình bằng năng lực từ vị trí thấp nhất của tập đoàn. Anh bắt đầu làm kỹ sư tư vấn nội bộ ở phòng kỹ thuật. Ngày qua ngày, anh vừa thiết kế, hỗ trợ công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng, tham gia các ủy ban nghiên cứu mà anh từng gắn bó từ hồi ở Đại học Tokyo, vừa mạnh dạn đề xuất các hướng phát triển công nghệ mới và miệt mài nghiên cứu.
Với những nỗ lực đó, tiến sĩ Quốc đã đóng góp 4 phát minh đột phá trong xây dựng ở Nhật Bản. Anh khiến lãnh đạo tập đoàn phải thay đổi quan điểm về sử dụng người nước ngoài, đồng thời anh được ký hợp đồng chính thức, được bổ nhiệm chức danh quản lý ở phòng kỹ thuật. Nhờ vai trò mở đường này mà sau đó nhiều người nước ngoài được nhận vào làm việc chính thức ở tập đoàn hơn. Các phát minh của anh hiện vẫn được tập đoàn áp dụng trong công việc hoặc bán ra bên ngoài từ nhiều năm nay.

Làm cầu nối ở dự án metro số 1

Anh Quốc chia sẻ: “Sau 8 năm nghiên cứu tại Đại học Tokyo, và hơn 10 năm làm việc thực tiễn, tôi nghĩ đã đến lúc trở về phát triển sự nghiệp xây dựng qua những công trình trọng điểm trên chính quê hương. Tôi mạnh dạn đề xuất lãnh đạo tập đoàn cho mình về nước làm việc. Tôi chứng minh mình phù hợp với vai trò đại diện và điều phối các hoạt động của tập đoàn thông qua các hoạt động tạo mạng lưới và kết nối cộng đồng mà tôi từng làm hồi còn là Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên, Phó chủ tịch Hội người Việt hay các vai trò khác trong Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Nhật Bản”.
Tham gia dự án metro số 1 từ những ngày đầu làm hồ sơ thầu, đàm phán ký kết hợp đồng và khởi động dự án, anh Quốc đã phát huy tối đa vai trò cầu nối và điều phối.
Giữa năm 2017, sau gần 3 năm kể từ lúc khởi công xây hầm tuyến metro số 1, giây phút robot khoan thông hầm và các kỹ sư từ trong hầm ra, anh Quốc xúc động mãnh liệt. Anh Quốc khẳng định thành công trong xây dựng đường hầm metro bằng robot đào hầm luôn có dấu ấn của cả một tập thể. “Trong đó không chỉ có kỹ sư Nhật mà còn có hàng chục kỹ sư Việt Nam. Kết quả là các kỹ sư Việt đã nắm bắt được cơ bản về kỹ thuật đào hầm metro và hiện giờ là nòng cốt làm dự án đào hầm metro ở Hà Nội. Hy vọng những kỹ sư này sẽ trưởng thành và tự làm được trong tương lai”, anh Quốc cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.