'Điểm cộng' cho người trẻ mê thể thao

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/09/2020 07:30 GMT+7

Có nhiều sinh viên không chỉ tích lũy kiến thức, năng lực làm việc mà còn đam mê thể thao . Từ thể thao, họ hoàn thiện bản thân nhiều hơn, mở ra cho mình nhiều cơ hội.

Chàng trai giỏi bóng rổ

Nhìn Đặng Phước Andy (22 tuổi, trú Q.1, TP.HCM), sinh viên (SV) năm 2 Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, di chuyển trên sân bóng rổ, không ai nghĩ anh từng nặng tới 120 kg. Andy cho biết động lực để có sức khỏe và sức bền tham gia nhiều hoạt động thể thao hơn khiến anh giảm cân. Tới nay, sau 3 tháng, Andy còn 90 kg và sẽ giảm tiếp trong thời gian tới.
Thể thao vốn là sở trường, đam mê của nam sinh từng học THPT và 2 năm đầu chuyên ngành xương khớp tại một trường ĐH tại Mỹ. Andy cho biết bóng bầu dục, bóng rổ, điền kinh là 3 môn thể thao thế mạnh của mình. Các giải thưởng thi đấu thể thao góp phần không nhỏ vào các học bổng Andy giành được tại trường phổ thông và ĐH.
Cách đây 2 năm, mong muốn được ở bên gia đình và hỗ trợ mẹ nhiều hơn trong công việc, Đặng Phước Andy trở về Việt Nam. Gia đình có cả cha và mẹ sở hữu hai công ty du lịch tại TP.HCM, do đó Andy chọn học về quản trị kinh doanh - marketing. Bước qua giai đoạn đầu khó khăn khi phải làm quen lại môi trường học tập mới, Andy luôn nỗ lực để đạt điểm số cao. Năm đầu tiên, Đặng Phước Andy là SV xuất sắc với điểm 3,88/4. Năm thứ 2, bạn xếp loại giỏi với điểm 3,27/4.

Andy tại sân tập bóng rổ

Đặng Phước

Andy giành nhiều giải thưởng với bóng rổ tại Mỹ và nhiều huy chương tại Việt Nam như huy chương vàng Don Bosco Da Lat 2019, huy chương vàng Eazyball 2020 lần 7 và Eazyball 2020 lần 13.
“Ở Mỹ tôi có nhiều điều, nhưng 2 thứ không bao giờ có được như ở Việt Nam là gia đình và ẩm thực. Mẹ tôi là một người phụ nữ rất tâm lý, bà không chỉ là một người bạn, người thúc đẩy giúp tôi tìm ra động lực để học tập, chơi thể thao mà còn định hướng giúp tôi về tương lai của mình. Tôi hiểu rằng chắc chắn mình phải trở thành một người thành công trong sự nghiệp để mang lại hạnh phúc cho mẹ và những người mình yêu thương”, Andy chia sẻ.

Cô gái mê karatedo

Phạm Thị Ngọc Dung (21 tuổi, quê ở H.Phú Giáo, Bình Dương), SV năm 4 Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, vốn là người hướng ngoại, thích các hoạt động sôi nổi, ít khi để thời gian “chết”. Từ năm 2 ĐH, Dung đã đi làm thêm các công việc liên quan ngành học như tư vấn khách hàng, sáng tạo nội dung… Đồng thời, nữ SV năng nổ, có thành tích học tập tốt, nhiều học kỳ giành học bổng của trường ĐH này còn tham gia nhiều môn thể thao. Dung đang là thành viên tích cực tại CLB karatedo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và đạt đai màu xanh dương. Từ lớp võ này, cô được gặp nhiều bạn bè, anh chị là SV giỏi, năng động Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Trước khi làm quen với karatedo, Dung thích chơi cầu lông, tham gia đi bộ, bơi lội. Tại các công viên ở Q.5 (TP.HCM), Dung có không gian thoáng mát để đi bộ, chơi cầu lông… “Tôi nghĩ SV có rất nhiều thời gian, nếu để dành hết cho những giờ lên giảng đường hoặc về nhà “sống” trong thế giới “ảo” của Facebook, TikTok thì thật lãng phí. Thể thao giúp tôi gặp những người sống tích cực để từ đó có định hướng tốt hơn cho tương lai”, Dung chia sẻ.

Ngọc Dung đam mê karatedo, ảnh chụp khi cô đai xanh lá cây

NVCC

Nhờ biết chơi bida mà trúng tuyển công ty nước ngoài

Anh Dương Thanh Hiền (39 tuổi, trú Q.8, TP.HCM) còn nhớ duyên nợ của mình với một công ty chuyên về gia công cho các hãng phim của Mỹ, Pháp, làm 3D cho game, phim hoạt hình cách đây 8 năm. Sau khi xem hồ sơ, hỏi các câu thông thường, giám đốc nhân sự hỏi anh Hiền: “Anh có biết chơi bida không? Cơ bao nhiêu?”. Rất may mắn, anh Hiền biết chơi bida từ nhỏ. Vượt qua nhiều ứng viên khác, anh trúng tuyển. “Các công ty game thường thích tuyển những người biết chơi thể thao, bởi xu hướng chung là các bạn trẻ đó sẽ trẻ trung, vui vẻ, sáng tạo game phù hợp sở thích của giới trẻ”, anh Hiền lý giải.

Người trẻ chơi thể thao trong trường học

Thúy Hằng

Ưu tiên tuyển dụng ngay Nguyễn Lê Thanh Tòng, bạn trẻ từng là thành viên đội tuyển Việt Nam tham gia các giải FIFA online (bóng đá trực tuyến) vào công ty mình 4 năm trước, anh Lê Thanh Tuấn, CEO Công ty Aron (công ty về công nghệ thông tin, phần mềm quản trị doanh nghiệp ở TP.HCM), cho hay vì Tòng thông minh, có tố chất thể thao. “Đến nay, Tòng làm việc rất tốt. Khi tuyển dụng, tôi đánh giá điểm về tinh thần, năng lực thể thao gần bằng điểm năng lực chuyên môn. Tôi rất đam mê bóng đá. Trên sân bóng, tôi quan sát được ý thức trách nhiệm của mỗi người trẻ với công việc của họ, chỉ từ cách họ chơi bóng ra sao”, anh Tuấn nói.
Trao đổi với PV, anh Võ Hoàng Phúc, nhà sáng lập The Bike Coffee (Q.3, TP.HCM), cho hay anh luôn khuyến khích nhân viên của mình đạp xe đạp đi làm, nếu nhân viên mới vào chưa có tiền mua xe đạp, anh sẽ cho mượn tiền và trả dần. “Khi tuyển dụng, các bạn trẻ biết các môn thể thao, nhất là đạp xe, chạy bộ, bơi lội sẽ được ưu tiên hơn các ứng viên khác”, anh Phúc nói.
Tăng thêm năng lực cạnh tranh
HLV muay Thái Trần Trung Sơn cho biết từ việc làm quen một môn thể thao cho tới khi chơi thành thục, giỏi môn đó, mỗi SV sẽ phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Quá trình kiên nhẫn, bền bỉ, vượt khó, theo đuổi đến cùng để học thể thao cũng cho người trẻ đó nhiều bài học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống sau này. Đồng thời, chơi thể thao cũng là một cách xả stress. Sau thời gian chơi thể thao, người trẻ dẻo dai, bền bỉ hơn, suy nghĩ lạc quan, có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo phục vụ học tập, công việc.
Huấn luyện viên Lưu Ngọc Hùng, người sáng lập Trung tâm bóng đá Ngọc Hùng (TP.HCM), cho biết người trẻ sẽ học hỏi và trưởng thành tại nhiều môi trường, trong đó giảng đường chỉ là một phần. Bên cạnh tích lũy kiến thức, việc rèn luyện thể thao sẽ là “điểm cộng” giúp người trẻ tăng thêm năng lực cạnh tranh cho mình khi đi làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.