Gia đình dấu yêu: Sống tử tế để làm gương cho con

15/09/2019 11:47 GMT+7

Có ai dám chắc con trẻ lớn lên mà không mảy may ảnh hưởng bởi cách sống, cách ứng xử , sinh hoạt của những người lớn xung quanh mình? Thế nên, đừng xem thường những gì chúng ta đang làm hoặc cho rằng những điều đó không quan trọng, hoặc suy nghĩ “trẻ con mà biết gì”.

Sáng chủ nhật, dắt cu con đi ăn sáng sẵn ghé mua vài bịch chè. Đến trước tôi là hai mẹ con nọ, cô con gái tầm 12 tuổi. Nhận chè xong họ đi ngay. Bỗng nghe bà bán chè lớn tuổi la lên rằng hai mẹ con nọ chưa trả tiền mà đi rồi.
Đường chợ đông nghịt, khách đang đợi khá đông khiến bà lu bu quên mất hỏi tiền mẹ con họ. Cu con hỏi tôi: “Sao bà ấy không trả tiền mà lấy chè đi vậy mẹ?”. Tôi cho rằng đôi khi người ta vẫn có thể đãng trí đến độ “quên” trả tiền một cách lãng xẹt như thế, nên đành nói dối con rằng chỉ vì họ quên chưa kịp trả thôi. Nhưng con tôi, thằng bé 11 tuổi, không hiểu nghĩ gì mà lại khẳng định mẹ con nhà nọ “ăn gian”, vì cu cậu không nghĩ người ta có thể “quên” trả tiền dễ dàng vậy.
Gần đây, liên tục đọc trên mạng những thông tin tiêu cực về những người-lớn-xấu-xí, tạm gọi là như thế khi tôi chưa thể dùng từ ngữ nào chính xác hơn để gọi những nhân vật “người lớn” trong những câu chuyện chẳng mấy hay ho tử tế ấy. Từ người đàn ông bạo lực đánh tới tấp vào người vợ không có khả năng kháng cự bởi còn đang ẵm trên tay đứa con của mình, đến người phụ nữ “biến hình” trước mắt đứa con gái bé bỏng để tả xung hữu đột ở sân bay. Cả hai đều có chung đặc điểm là thích thể hiện sức mạnh (một bên là vũ lực, bên kia là quyền lực) với người khác nhưng không hề giữ gìn hình ảnh trước con cái mình...
Tôi vẫn chứng kiến trên đường đi làm mỗi ngày những ông bố chở con nhỏ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy xe lên vỉa hè, liên tục bấm còi tin tin mỗi khi xe đông. Tôi vẫn chứng kiến trong siêu thị các bà mẹ dúi vào tay con nhỏ vài món đồ chỉ để mẹ con họ được ưu tiên xếp hàng tính tiền trước. Những người đàn ông trong nhiều quán ăn vẫn phì phà khói thuốc dù xung quanh không ít trẻ em. Hoặc bố mẹ thản nhiên cãi nhau trước mặt con cái. Trẻ con sẽ học được gì từ những điều chẳng mấy hay ho này của người lớn?
Có ai dám chắc con trẻ lớn lên mà không mảy may ảnh hưởng bởi cách sống, cách ứng xử, sinh hoạt của những người lớn xung quanh mình? Thế nên, đừng xem thường những gì chúng ta đang làm hoặc cho rằng những điều đó không quan trọng, hoặc suy nghĩ “trẻ con mà biết gì”. Bởi con cái chẳng khác tờ giấy thấm, chưa đủ sức đề kháng hoặc phân biệt phải - trái, đúng - sai nhưng lại dễ tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi những gì xảy ra xung quanh mình. Con trẻ đồng thời là tấm gương phản ánh cách dạy dỗ cũng như cách sống của cha mẹ chúng, nên một đứa trẻ khó trở thành người tốt khi lớn lên trong một môi trường xấu.
Đừng than phiền về một xã hội chưa tốt đẹp khi bản thân người lớn chúng ta chưa phải là những tấm gương tốt đẹp. Nếu ta sống tốt và luôn làm đúng, ắt con cái chúng ta không có lúc bị chỉ trích chỉ vì bố mẹ chúng đã từng sai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.