Hội Thanh niên, Sinh viên VN tại các nước Châu Âu ra kiến nghị Biển Đông

17/10/2019 18:40 GMT+7

Buổi tọa đàm về Biển Đông và vai trò của thế hệ trẻ ngoài nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã diễn ra tại Paris (Pháp) với sự tham gia của nhiều hội đoàn đại diện thanh niên, sinh viên VN tại Châu Âu.

Buổi tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong bối cảnh nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN, đồng thời đề xuất những giải pháp để thế hệ trẻ VN tại nước ngoài đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Biển Đông.

Trình bày về bản Kiến nghị Biển Đông

C.T.V

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều hội đoàn đại diện thế hệ trẻ VN tại châu Âu: Hội sinh viên VN tại các nước Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Hội Thanh niên, sinh viên tại Cộng hòa Séc, Ban cán sự Đoàn Liên bang Nga. Khách mời của sự kiện là hai chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Biển Đông: nhà báo Võ Trung Dung của tờ báo châu Á – Thái Bình Dương (AsiePacifique.fr) và ông Trần Bằng đại diện của nhóm Biển Đông tại Pháp. Đặc biệt, tọa đàm còn có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Bổn, người gắn bó lâu năm và hiện là Phó chủ tịch đặc trách đối ngoại của Hội người VN tại Pháp.
Buổi tọa đàm đã diễn ra hết sức sôi nổi và cởi mở. Hai khách mời đã chia sẻ những thông tin, ý kiến môt cách khoa học, chắt lọc từ nhiều nguồn thông tin khác nhau và đáng tin cậy. Đại diện các bạn trẻ Việt tại châu Âu với vốn kiến thức của mình cộng với sự chuẩn bị kỹ càng đã liên tục nêu nhiều ý kiến thể hiện quan điểm và mang tính xây dựng cao.
Trong đó có việc phân tích về những toan tính mang tính chiến lược lâu dài của Trung Quốc đối với vùng biển của VN nói riêng và của một số nước Đông Nam Á nói chung.
Nhiều giải pháp bảo vệ chủ quyền đã được nêu ra với trọng tâm là đề cao tinh thần dân tộc, đây cũng chính là bản sắc của con người VN. Trong bối cảnh hiện nay, việc đấu tranh cần liên tục, có tính kiên trì và đi kèm với phương pháp đối ngoại phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Bổn, đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp phát biểu

C.T.V

Những đại diện nòng cốt của thanh niên, sinh viên VN tại Châu Âu đã thể hiện sự bất bình trước việc chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm và đưa ra nhiều giải pháp để góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền VN, đặc biệt là trên mặt trận truyền thông. Trước những hành động liên tục vi phạm luật pháp quốc tế của chính phủ Trung Quốc, thế hệ trẻ VN nói chung và cộng đồng người VN ở nước ngoài nói riêng phải bằng nhiều cách đưa thông tin một cách chính xác và lan tỏa tới với bạn bè quốc tế, nêu cao lẽ phải và tinh thần chính nghĩa của VN.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Linh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp phát biểu tại buổi tọa đàm

C.T.V

Bản kiến nghị Biển Đông hiện đang lan tỏa tại châu Âu, nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng VN tại đây và bạn bè quốc tế. Bản kiến nghị này được viết bằng 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt yêu cầu chính phủ Trung Quốc tôn trọng chủ quyền VN và chấp hành luật pháp quốc tế. Kiến nghị Biển Đông kêu gọi Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế cần thể hiện những cam kết vững vàng và đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đảm bảo pháp luật quốc tế (Công ước Luật Biển quốc tế (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố của ASEAN về quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Trong thời gian sắp tới, bản kiến nghị Biển Đông cùng danh sách chữ ký sẽ được gửi đến các cơ quan của Liên minh châu Âu và chính phủ các nước châu Âu, được gửi tới báo chí quốc tế và được đăng tải trên mạng xã hội).
Kết thúc buổi tọa đàm về Biển Đông, tiến sĩ Nguyễn Khánh Linh, Chủ tịch Hội sinh viên VN tại Pháp khẳng định: “Thế hệ thanh niên, sinh viên ở nước ngoài đa phần là trí thức, một trong những bộ phận tinh hoa của dân tộc VN, chúng ta không những không thể làm ngơ trước việc Tổ quốc lâm nguy mà còn phải là lực lượng tiên phong trong việc bảo vệ chủ quyền VN. Cần phải đặt sự toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết nhưng cũng phải đối ứng một cách khéo léo trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đạt mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.