Cũng có một số bạn trẻ cho rằng trước 30 tuổi cần phải làm kiếm tiền và trải nghiệm cuộc sống rồi mới kết hôn. Điều này rất quan trọng vì để bản thân có được sự chín chắn và đủ điều kiện lo cuộc sống sau này.
Cần có công việc ổn định
Đang ở độ tuổi 25 nhưng Lý Tiến Đạt (làm nghề quay phim sự kiện, ngụ Q.8, TP.HCM) và bạn gái đã chuẩn bị cho việc cưới vào năm sau. Quyết định được đưa ra khi cả hai công nhận mình đã đủ độ chín chắn, cùng sự tin tưởng, đồng điệu về tính cách cũng như sự nhường nhịn nhau.
Hiện tại, Mai Kiều Oanh (28 tuổi, nhân viên văn phòng của một trường Anh ngữ, ngụ Q.12, TP.HCM) chưa muốn kết hôn mặc dù bạn trai gợi ý từ nhiều năm trước. Lý do Oanh đưa ra là chưa muốn bị ràng buộc ở thời điểm này. “Tôi thấy cuộc sống của mình hiện rất thoải mái. Thích thì tôi đi chơi. Nhưng thực ra vấn đề kinh tế rất quan trọng. Tôi chưa đủ tài chính để lo cho cuộc sống gia đình”, Oanh chia sẻ.
Tiêu chuẩn tiến đến hôn nhân của Oanh là việc chọn bạn đồng hành. Những yếu tố cần thiết như có công việc ổn định, kế hoạch tài chính rõ ràng, có chí cầu tiến được Oanh ưu tiên. Tuy nhiên, những tiêu chí đó với Oanh chỉ là một phần. Quan trọng nhất vẫn là niềm tin và sự phù hợp tính cách với người bạn đời dù độ tuổi có lớn hay nhỏ.
“Việc kết hôn là ở thời điểm mình gặp được đúng đối tượng, điều kiện kinh tế đủ để lo cuộc sống sau hôn nhân thì theo tôi kết hôn tuổi trước hay sau 30 đều đẹp hết”, Oanh nói.
Cưới sớm nhưng phải đảm bảo kinh tế
Đó là chia sẻ của Nguyễn Trường Sơn (28 tuổi, kinh doanh tự do, ngụ TP.Phan Thiết, Bình Thuận), sau khi lập gia đình cách đây một năm. Sơn kể anh và bạn gái chỉ quen nhau được 5 tháng rồi cả hai quyết định về chung nhà khi đang ở tuổi 27. Trong 5 tháng đó, Sơn và vợ đã chuẩn bị tâm lý, tài chính, công việc rồi ra mắt gia đình. Việc kết hôn của Sơn tương đối dễ dàng bởi được sự đồng thuận từ hai bên gia đình. Hiện tại cuộc sống sau hôn nhân của Sơn hoàn toàn tốt đẹp khi quyết định cưới trước tuổi 30.
“Quan điểm của tôi thì không quan trọng cưới trước hay sau 30 tuổi. Quan trọng là mình đã chuẩn bị những gì cho việc kết hôn. Nếu mình nhận thức, định hình về hôn nhân rồi thì không có vấn đề gì. Ngay cả người lớn tuổi cũng có những sai lầm của người lớn và tuổi nhỏ cũng có sai lầm của tuổi nhỏ mà. Vấn đề tài chính khiến nhiều người phải suy nghĩ đến chuyện cưới nhau. Nên ai chủ động cưới sớm nhưng đảm bảo kinh tế thì không thành vấn đề”, Sơn nói thêm.
Còn T.T.H.N (26 tuổi, vận động viên, ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết có chút nuối tiếc vì đã cưới quá sớm. N. lập gia đình cách đây 1 năm khi 25 tuổi. Ngày đó, vợ chồng N. quen nhau nhưng không nghĩ cưới nhau nhanh như vậy. Kết hôn với N. chỉ là sự cảm tính. Cô chưa có suy nghĩ, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân.
“Tôi thấy mình cưới quá sớm khi lúc ấy chưa có nghề nghiệp, chưa có tiền. Do gia đình chồng thúc giục quá. Phía tôi thì lại không có gia đình. Tôi với chồng quen cũng có nghĩ về tương lai, về công việc nhưng thời điểm đó chồng tôi mới ra trường. Đến bây giờ công việc của cả hai cũng ổn, nhưng kinh tế vẫn không đủ. Bây giờ thì tôi chỉ thích được tự do, tự lập thoải mái không bị gò bó. Tôi nghĩ mình nên để đến năm 30 tuổi mới đủ chín muồi”, N. tâm sự.
Là một bà mẹ trẻ đơn thân, Phạm Ngọc Hà Trang (28 tuổi, chủ một tiệm làm móng, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng kết hôn khi còn quá trẻ là một sự hối hận. Cô và chồng chưa đủ sự chín chắn khi cưới ở độ tuổi 25. Một năm sau ngày cưới, Trang chính thức ly dị với chồng.
Theo Trang, do sự thiếu suy nghĩ, thúc ép từ gia đình, đặc biệt là cưới để cho giống với người ta nên đó là sai lầm vì quá trẻ tuổi. “Ban đầu vợ chồng tôi có việc làm đủ sống, không nghĩ nhiều về việc sau này còn nuôi con, thích là cưới, như phong trào vậy đó. Người ta có sao thì mình vậy. Khi cưới nhau về vì còn quá trẻ ai nấy đều vô tư, vô lo, sống cuộc sống như những ngày còn độc thân nên chuyện chia tay là đương nhiên”, Trang nói.
Bình luận (0)