Lấy vợ rồi, thấy thương mẹ nhiều hơn

09/05/2019 10:13 GMT+7

Nếu ai đó nói tôi bất hiếu thì cũng không ngoa, vì tôi biết nghĩ đến mẹ, thương mẹ nhiều hơn khi đã có vợ, có con. Và khi cùng vợ đi qua những cơn đau đẻ, cùng chăm sóc con cái, tôi mới cảm được tình yêu thương bao la của bậc sinh thành - mẹ của tôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình tạm gọi là tri thức. Ba tôi làm giáo viên, mẹ ở nhà nội trợ nuôi chín anh em tôi ăn học. Tuổi thơ của tôi trôi qua yên bình như bao đứa trẻ cùng quê khác. Sáng tôi đi học, chiều đi bắn bi, thả diều… cùng lũ bạn trong xóm. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi may mắn thi đậu vào một trường đại học ở TP.HCM, và từ đó cuộc đời tôi gắn liền với thành phố này.

Mẹ là cho đi, không đòi lại bao giờ!

Vào giảng đường đại học, tôi bắt đầu nghĩ đến mẹ nhiều hơn. Những ngày đầu xa quê tôi thường hoài niệm về mẹ.
Ký ức về mẹ ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời tôi bao giờ cũng là những ân cần chăm sóc, yêu thương tận cùng, sống tận hiến cho con.
Tôi nhớ năm học lớp hai, trong giờ học, nhiều bạn bỗng dưng xin cô giáo đi vệ sinh, giống như kiểu đi chung cho vui ấy. Đến lượt tôi xin, cô giáo nói “ra chơi rồi đi luôn thể”. Thế là tôi phải nín đến giờ ra chơi.
Đến giờ chơi, mặt tôi mếu máo, tay thì bợ mông đi từ trường về nhà (nhà tôi cách trường khoảng hai trăm mét). Mẹ thấy tôi liền chạy đến hỏi chuyện. Sau khi vệ sinh cá nhân cho tôi, mẹ ôm tôi vào lòng an ủi… Cử chỉ yêu thương vỗ về đó của mẹ không những khiến tôi tự tin hơn lúc bấy giờ mà còn giúp tôi biết sống cảm thông, chia sẻ, biết động viên người khác trong cuộc sống sau này.
Tôi có người chị lấy chồng ở TP.HCM, nên hè nào tôi cũng được mẹ dẫn lên thành phố chơi. Vì muốn tiết kiệm tiền, mẹ chỉ mua một vé xe. Lên xe, tôi phải ngồi trong lòng mẹ. Từ nhà tôi lên thành phố cũng hơn hai trăm cây số. Nhiều lần đi tôi để ý, khi đến nơi mẹ thường ngồi lại một lúc mới xuống xe. Sau này vỡ lẽ, vì tôi ngồi lên người mẹ suốt năm tiếng đồng hồ từ quê lên thành phố nên khiến chân mẹ bị tê…
Một dịp khác, tôi may mắn được cảm nhận nhiều hơn về sự hy sinh của người mẹ. Đó là giai đoạn tôi chăm sóc vợ lúc mang bầu.
Từ khi vợ tôi ốm nghén, chở vợ đi làm với cái bụng to, dìu vợ đi quanh phòng hộ sinh để dễ sinh, đến lúc nằm cữ, chăm con… tôi mới hiểu hơn về tình yêu bao la của người mẹ. Tính ra, mẹ tôi có chín người con, tức gần một chục lần mẹ đã vượt cạn. Nghĩ đến đây tôi thương mẹ vô cùng.
 
Hạnh phúc là khi có mẹ và còn mẹ
Ai cũng có những kỷ niệm về mẹ và đó là những hành trang để mọi người con trên hành trình của mình cảm thấy vững tin, mạnh mẽ hơn khi đối diện với "bão giông" ở đời 
Kỷ niệm về mẹ, với tôi, đó là những khoảnh khắc, khoảng trời riêng mà tôi luôn hướng về.
Tôi nhớ ngày cưới của tôi, mẹ đã khóc. Mẹ ghì đầu tôi vào lòng nói khẽ: “Con phải làm chồng, làm ba cho xứng đáng”. Mãi đến giờ, tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để thực hiện lời dặn dò của mẹ…
Đến giờ, dù tôi đã làm chồng, làm ba, nhưng mỗi dịp về quê thăm mẹ, mẹ vẫn thường quan tâm tôi như thuở còn bé. Dù đôi khi vô tâm, tôi quên cả lời thăm hỏi, mẹ không một lời quở trách. Mẹ là vậy, chỉ biết yêu thương con cái chứ chẳng bao giờ mong chờ con phải đáp lại. Câu nói "Nước mắt chảy xuôi" của người xưa, vì thế, có lúc nào sai khi nói về tâm thế yêu thương con cái của mẹ !
Mẹ luôn vậy, luôn là điểm tựa vững chắc để tôi bước vào đời.
Có ai đó đã nói rằng, hạnh phúc nhất không phải là khi bạn giàu có hay  khi bạn có địa vị xã hội cao, cũng không phải là khi bạn có một người yêu hoàn hảo, mà hạnh phúc nhất là khi bạn có mẹ và còn mẹ. Chiếu theo câu nói này,  tôi là người đang hạnh phúc nhất!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.