“Tôi tốt nghiệp Học viện Báo chí - Tuyên truyền và mong muốn trở thành một phóng viên, tuy nhiên cơ hội chưa tới, tôi thử sức ở nhiều tờ báo nhưng mình vẫn chỉ là cộng tác viên. Mong muốn có một chỗ làm ổn định để khiến cha mẹ yên tâm, tôi xin vào tập đoàn viễn thông V.T (chi nhánh đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm trong trung tâm media, biên tập lại một số tin bài từ một số tờ báo cho phép để đăng lại trên trang điện tử của công ty. Công việc rất buồn chán, tôi cảm thấy mình hình như kém sáng tạo đi…”, Nguyễn Hạnh Thủy, 27 tuổi, trú đường Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, cựu sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, chia sẻ.
Thủy chia sẻ, khi làm một công việc mình không có tình yêu, lúc nào mình cũng cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và cảm giác hoài nghi về con đường mình đi luôn ám ảnh trong đầu khiến mình không thể tập trung cho công việc hiện tại. “Mỗi sáng thức dậy sớm, chạy xe đến công ty để đồng hồ không điểm quá 8 giờ, chậm một phút thôi cũng bị phạt, sau đó ngồi im trong khối bê tông của tòa nhà đến đúng 12 giờ trưa, tôi cảm thấy áp lực và mệt mỏi vô cùng”, Thủy kể. Đó cũng là lý do, sau 1 năm làm việc tại đây, Thủy chuyển tới công ty bánh kẹo tại phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội với vai trò làm truyền thông, tự do hơn và sáng tạo nhiều hơn.
Do đó, theo Thủy, khi bạn chưa có đủ may mắn và cơ hội được tìm đến đúng công việc mình đam mê, hãy vạch rõ một mục tiêu, bạn sẽ làm công việc này trong bao lâu, làm vì mục đích gì (kiếm tiền hay chỉ để lấy kinh nghiệm và rèn kỹ năng mềm…) để cố gắng tốt nhất với nó. Sau đó, khi có cơ hội với công việc khác, đúng sở trường và đam mê của mình, bạn nhảy việc cũng chưa muộn. “Luôn tôn trọng sếp và đồng nghiệp, dù bạn đang làm công việc vì kiếm tiền hay vì đam mê đi chăng nữa”, Thủy nói.
|
Nguyễn Bình An, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM , trú đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP.HCM thử sức vai trò quản lý một chi nhánh cà phê Highland Coffee, quận 5, TP.HCM trong 6 tháng. Nhận ra đây không phải là công việc sở trường của mình, An xin nghỉ việc và bắt đầu lại bằng việc đi học cắt tóc để sau này mở cửa hàng cho riêng mình. “Bố mẹ tôi phản đối rất nhiều, mẹ khóc lóc, bố quát mắng nhưng tôi nghĩ rằng công việc cần có đam mê. Lúc nào đứng trong quán cà phê, nhìn mọi người vào cửa hàng tôi cũng quan sát mái tóc của họ, tôi nghĩ họ nên cắt tóc kiểu này, kiểu kia thì mới hợp”, An nói.
Theo An, không phải ai cũng có cơ duyên tìm được công việc đúng với ước mơ của mình ngay từ đầu, nhưng quan trọng là cách mình hành động tiếp theo. “Tôi luôn làm tốt công việc của một quản lý cửa hàng cà phê, nhưng thời gian rảnh tôi vẫn nghĩ về nghề cắt tóc, tìm tài liệu, hình ảnh về nghề. Khi đã tìm được địa chỉ học uy tín, tích lũy được một khoản tiền, tôi xin nghỉ việc để đi học, làm lại từ đầu giấc mơ của mình”, An nói.
Soái ca khởi nghiệp, Shark Lê Đăng Khoa cho hay bạn trẻ muốn thành công cần có ước mơ, ngay cả khi mình chưa làm được nhưng mình cũng không ngừng nghĩ về ước mơ đó và cố gắng nỗ lực để sau mỗi ngày có thể chạm gần hơn tới mục tiêu của mình.
Anh Nguyễn Trần Tùng, 27 tuổi, giám đốc 2 công ty UCreative và Uhouse đều do anh sáng lập (quận 12, TP.HCM) cho biết điều quan trọng nhất của mỗi bạn trẻ là biết được ước mơ đời mình là gì, thế mạnh của mình ở đâu, sau đó là hành động.
“Có thể ngày hôm nay bạn chưa tìm được công việc mình yêu thích, bạn có thể làm công nhân trong nhà máy, phục vụ ở quán cà phê, buôn bán… điều đó không quan trọng, quan trọng là bạn biết cố gắng tìm ra được những giá trị mình có thể học hỏi trong các công việc tạm thời này, tích lũy tiền bạc và kinh nghiệm để một lúc đúng thời điểm, bạn sẽ đến được đúng với công việc mình đang tìm kiếm”, anh Tùng nói.
Ý kiến:
* Nguyễn Thị Bảy, 29 tuổi, bán trái cây tại chợ Hưng Phú, đường Hưng Phú, quận 8, TP.HCM: "Nếu biết rõ mục đích mình làm công việc mỗi ngày là gì, đặt ra cho mình những mục tiêu cao hơn sẽ khiến mỗi ngày làm việc của mình tốt hơn, dù đây có thể là công việc mình chưa yêu thích. Ví dụ tôi luôn nghĩ đến con gái tôi, con gái cần tiền mua sữa, đồ chơi và sắp đi học mẫu giáo... nên tôi làm việc chăm chỉ hơn, luôn muốn bán được mỗi ngày nhiều trái cây hơn. Từ việc bán hàng theo cách truyền thống, tôi đăng trái cây lên facebook cá nhân để mọi người biết đến nhiều hơn để đặt hàng...".
* Trần Quốc Chí, 27 tuổi, freelancer trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông, trú đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM: "Tìm những điểm tích cực của công việc hiện tại mình đang làm để có thêm động lực đi làm mỗi ngày. Hoặc làm freelancer (làm nghề tự do) để có thể làm một lúc nhiều công việc khác nhau, không bị bó hẹp trong một không gian, một công ty nào cả. Ở mỗi hợp đồng, mỗi khách hàng, nên cố gắng tìm ra những điểm tích cực họ có để khiến mình vui hơn, không cảm thấy stress vì công việc".
|
Bình luận (0)