Mùa dịch Covid-19: Đìu hiu chợ đêm Làng đại học Thủ Đức

Lê Thanh
Lê Thanh
01/03/2020 16:41 GMT+7

Nhiều 'ông chủ, bà chủ' trẻ khởi nghiệp tại chợ đêm Làng đại học Thủ Đức (TP.HCM) đang lâm vào cảnh dở khóc, dở cười do ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19 nên không bán buôn được gì cả.

 Chợ đêm Làng đại học Thủ Đức trước đây vốn nằm trên một bãi đất trống cách chỗ mới hiện hữu khoảng vài trăm mét. Sau đó, đã được quy hoạch lại nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM và chính thức khai trương vào ngày 20.12.2019. Đây được định hướng là địa điểm  cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên và bạn trẻ. Tuy nhiên, mới đưa vào hoạt động hơn 2 tháng thì nay chợ đêm rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng thấy.

Mặc dù nhiều người đã đóng tiền thuê trước 45 triệu đồng/gian/năm nhưng hiện tại không có khách nên họ chấp nhận bỏ trống  vì không có ai mua

Lê Thanh

Theo các chủ gian hàng ở đây, mặc dù không có khách nhưng mỗi ngày vẫn dọn ra để cho “ông đi qua, bà đi lại” nhận diện chợ mới. Hơn nữa, họ đã lỡ thuê và đóng tiền trước 45 triệu đồng/gian/năm (một gian có dù di động với diện tích khoảng 9m2 ).

 Chợ không có người mua

Chúng tôi có mặt tại khu chợ đêm Làng đại học Thủ Đức nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM TP.HCM vào tối 28.2 để ghi nhận tình hình buôn bán ở đây vào mùa dịch Covid-19.
Trong suy nghĩ của mỗi người khi nhắc đến chợ thì liên tưởng đến khung cảnh đông đúc, tấp nập người mua, người bán trao đổi với nhau. Tuy nhiên, theo ghi nhận của tôi tại ngôi chợ đêm này vào tối 28.2 thì trái ngược hoàn toàn. Tôi có mặt ở chợ đêm cả buổi tối  và chứng kiến chủ các gian hàng  bày sản phẩm ra nhưng chẳng ai ghé mua, thi thoảng mới vài người đến ngó rồi đi.

Anh Nguyễn Văn Trung, chuyên kinh doanh các phụ kiện điện thoại di dộng cho biết: "Có hôm em dọn hàng ra nhưng chẳng bán buôn được gì cả"

Lê Thanh

Anh Nguyễn Văn Trung, chủ sạp số 12, chuyên kinh doanh các phụ kiện điện thoại di dộng, chia sẻ: “Cứ nghĩ khu vực này có đông sinh viên nên bán các loại mặt hàng này sẽ chạy nên em mạnh dạn đầu tư thuê một sạp kinh doanh để tự làm chủ chính mình. Thật tình em gôm vốn để đầu tư ban đầu vào đây rất nhiều. Bởi ngoài giá thuê chỗ với số tiền 45 triệu đồng/năm thì em còn phải bỏ vốn ra mua hàng về bán nữa. Nhưng  đến nay em chẳng bán buôn được gì cả”.
Anh Trung giải thích:  “Mới khai trương bán được vài bữa thì toàn bộ sinh viên nghỉ tết về quê. Tết vào định bung hàng bán kiếm lời thì đụng ngay  dịch Covid-19 ập đến. Hôm giờ ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ chiều là em lục đục dọn hàng ra nhưng bán chẳng được gì cả. Có hôm từ lúc dọn ra đến lúc dọn vào khoảng 9, 10 giờ đêm nhưng chỉ thu được vài chục ngàn đồng”.

Chợ vắng bóng người

Lê Thanh

Tôi ghé tiếp đến gian hàng bán nón  nam, nữ thời trang của “một ông chủ trẻ" là cựu sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Anh thừa nhận: “Mình vừa mới ra khởi nghiệp thì gặp phải  dịch Covid-19 nên lâm vào cảnh điêu đứng nhưng lỡ đóng tiền trước thuê chỗ 45 triệu đồng/ năm rồi anh à. Và cũng lỡ bỏ vốn ra mua hàng về rồi. Giờ đã lỡ phóng lao thì phải theo lao thôi chứ biết làm sao”.

Cầm cự để mong nhanh qua dịch Covid-19

Dọn hàng ra từ lúc 4 giờ chiều và ngồi đợi mỏi mòn nhưng chẳng có người đến mua, chị Lê Nguyễn Thanh Thủy (28 tuổi), chủ gian hàng ba lô, túi xách, cho biết: “Những mặt hàng này là do gia đình em sản xuất nên bán giá rất rẻ nhằm thu hút sinh viên. Tất cả các loại ba lô, túi xách tại gian hàng của em đều bán đồng giá 150.000 đồng/cái và rẻ hơn rất nhiều so với giá ở những nơi khác. Tuy nhiên, từ hôm ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nay em chẳng bán buôn được gì cả. Có hôm dọn hàng ra đến lúc dọn về không bán được đồng nào luôn”.

Mặc dù ba lô, túi xách của chị Lê Nguyễn Thanh Thủy giá rẻ nhưng chẳng ai đến xem

Lê Thanh

Nhưng theo chị Thanh Thủy, mặc dù bán không được gì nhưng mỗi ngày vẫn phải dọn hàng “Vì đây là khu chợ mới được quy hoạch lại, mình phải duy trì và ráng cầm cự để cho mọi người nhận diện biết ở đây có chợ đêm nữa chứ. Chỉ hy vọng nhanh qua dịch Covid-19 cho sinh viên đi học lại để mình còn bán buôn kiếm sống anh à”, chị Thủy nói.

Phạm Thị Ngọc Yến, sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ Đồng An được chủ thuê bán tại gian hàng mỹ phẩm, nước hoa ở chợ đêm làng đại học Thủ Đức nhưng yến cho biết: "không có khách đến mua"

Lê Thanh

Là người phụ bán hàng theo giờ cở quầy bán mỹ phẩm, nước hoa tại chợ đêm Làng đại học Thủ Đức, Phạm Thị Ngọc Yến, sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ Đồng An, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Em được anh chủ thuê đứng bán hàng theo giờ (17.000 đồng/giờ). Tuy nhiên, trước tết thì bán lai rai, còn từ khi qua tết đến giờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bán chẳng được gì. Em thấy bán không được mà nhận tiền lương cũng ngại nhưng anh chủ nói trong thời gian ảnh hưởng mùa dịch Covid-19 coi như ảnh hy sinh để cho em có thời gian nắm bắt các loại sản phẩm, biết giá cả từng loại và để cho mọi người còn nhận diện được mặt hàng”.
Cảnh đìu hiu của chợ đêm Làng đại học Thủ Đức qua ghi nhận của phóng viên Thanh Niên 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.