Ngày càng có nhiều người trẻ bị ung thư vú

Như Lịch
Như Lịch
25/04/2021 09:39 GMT+7

'Từ khi thành lập Đơn vị tuyến vú, tôi tiếp nhận nhiều cô gái hai mươi mấy tuổi bị ung thư và rất xót. Mình cứ nghĩ sau tuổi 40, 50 mới có thể bị ung thư vú, nhưng thực tế ung thư ngày càng trẻ hóa'.

Đó là chia sẻ của tiến sĩ, bác sĩ (TS- BS) Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Đơn vị tuyến Vú, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy,  tại chương trình Trò chuyện cùng Ruy Băng Tím với chủ đề về ung thư, diễn ra trong khuôn khổ Hội sách xuyên Việt 2021 (từ ngày 21-25.4 tại Sân vận động Hoa Lư, Q.1, TP.HCM).

Nhiều bạn trẻ tham dự buổi tọa đàm về ung thư

Như Lịch

Đàn ông có mắc ung thư vú không?
Chủ trì buổi trò chuyện, chị Trương Thị Mỹ Dung – Đồng sáng lập, Trưởng ban truyền thông Ruy Băng Tím (tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam), đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến kiến thức ung thư. Trong đó, có câu: “Đàn ông có mắc ung thư vú không?”. Một số khán giả trả lời "có". Một số khán giả phân vân.
TS- BS Huỳnh Quang Khánh (diễn giả buổi trò chuyện) cho biết: "Ung thư vú ở nam có tỷ lệ 1% so với ung thư vú ở nữ. Nghĩa là 100 người nữ ung thư vú thì có 1 người nam ung thư vú". BS Khánh nói thêm: "Chính vì quan điểm nam không bao giờ bị ung thư vú nên mấy anh chủ quan lắm. Đến khi phát hiện cục u đó thì thường đã ở giai đoạn muộn. Do vậy, các anh cũng phải lưu ý thấy cái gì bất thường thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra".

TS. BS Huỳnh Quang Khánh-diễn giả chương trình và chị Trương Thị Mỹ Dung–đại diện tổ chức Ruy Băng Tím

Như Lịch

Chia sẻ thêm với chúng tôi, TS- BS Khánh nhận xét: “Khi nữ giới bị ung thư vú, họ thường không nghĩ cho bản thân mà họ nghĩ cho con. Câu đầu tiên người nữ hay nói với tôi là: ‘Hãy chữa bệnh cho em, để em còn sống lo cho con em’, sau đó họ an tâm điều trị. Còn nam giới có tâm lý muốn chối bỏ họ đang bị ung thư vú, thành ra khi họ đến với mình thì đã ở giai đoạn muộn hơn và họ không muốn hợp tác điều trị đến cùng”.
Đề cập đến bệnh nhân vú điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TS- BS Huỳnh Quang Khánh trải lòng: “Từ khi thành lập Đơn vị tuyến vú vào năm 2018, tôi tiếp nhận nhiều cô gái khoảng hai mươi mấy tuổi bị ung thư và rất xót. Mình cứ nghĩ sau tuổi 40, 50 mới có thể bị ung thư vú, nhưng thực tế ung thư ngày càng trẻ hóa nên cần phải quan tâm sớm”.
Trước thắc mắc của khá nhiều khán giả: “Tại sao phải đi tầm soát ung thư ?”, TS- BS Khánh giải thích: “Bức tranh phòng ngừa và điều trị ung thư gồm: phòng ngừa; tầm soát, chẩn đoán sớm; điều trị ung thư là điều trị đa mô thức; chăm sóc người bệnh toàn diện. Đặc biệt trong ung thư vú, việc tầm soát, phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa trị thành công rất cao”.

Cẩn trọng với tin đồn

Trong buổi trò chuyện, Ban tổ chức đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến những tin đồn phổ biến về ung thư, qua đó tuyên truyền kiến thức đúng về ung thư.
Với câu hỏi: “Ung thư đụng dao kéo sẽ nhảy tùm lum, đúng hay sai?”, khán giả Nguyễn Tuấn Trinh (Q.4, TP.HCM) nêu ý kiến: “Sai. Mẹ em bị ung thư vú, đã mổ ở giai đoạn 1 và mẹ sống được thêm 15 năm (bà cụ mất vào năm 2017-PV). Theo em, mổ sớm sẽ điều trị có kết quả hơn”.
TS- BS Huỳnh Quang Khánh phân tích: “Cách đây khoảng 20 năm chẳng hạn, y học chưa tiến bộ lắm nên vấn đề mổ xẻ cũng có nhiều rủi ro khiến người ta rất sợ mổ. Bây giờ, y học rất phát triển, bệnh nhân ung thư nếu được mổ ở giai đoạn sớm khi cục u còn nằm tại chỗ thì hiệu quả cao. Còn khi ung thư đã di căn ra những chỗ khác thì mổ lúc đó không còn giá trị nhiều, nên người ta cứ nghĩ nó ‘nhảy tùm lum’. Vì vậy, bệnh nhân phải điều trị sớm cho dứt điểm”.

Cô Phan Thị Thu Liễu chia sẻ quá trình điều trị ung thư khẩu hầu

Như Lịch

Là bệnh nhân đã trải qua điều trị ung thư khẩu hầu, cô Phan Thị Thu Liễu (cựu giáo viên THCS, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM), phản hồi thông tin: “Đừng xạ trị, xạ trị chết sớm hơn?”. Cô Liễu nói: “Vấn đề xạ trị tùy theo cơ địa, sức khỏe của mỗi người. Trước khi quyết định xạ trị, cần phải ăn uống bồi bổ cho có sức khỏe. Chính tôi từng bị ngất ngư với tin đồn: Người bệnh ung thư ăn đồ bổ sẽ làm cho con ung thư phát triển hơn. Lúc đó mình nghe quá nhiều người nói như vậy nên không dám ăn. Đến khi xạ trị nửa chừng, mình tưởng chừng 'đi rồi' vì quá yếu".
Nhờ tinh thần lạc quan và ý chí “bung ra để đọc và chọn lọc kiến thức”, nhờ bạn bè và những người xung quanh truyền cho các nguồn thông tin đáng tin cậy, cô Liễu đã hoàn tất 35 tia xạ trị. Ba năm nay, sức khỏe cô Liễu ổn định. Cô Liễu nhắn nhủ: "Những bạn trẻ nên chú ý tập thể dục. Vì nếu không may bị gì, chúng ta cũng có sức khỏe để chống chọi bệnh tật".

Khá nhiều khán giả nam có mặt trong chương trình. Ngô Trí Lam (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng dù nam hay nữ đều phải quan tâm sức khỏe, phòng ngừa ung thư.

Như Lịch

 

Nói về chuyện tin đồn, BS Khánh cho rằng: “Người ta đã không may mắn mắc ung thư, họ sợ đủ chuyện. Thế nhưng người này nói, người kia nói, người thân nói này nọ, làm họ thêm hoang mang, từ đó họ không đủ tự tin để điều trị. Đây là điều khiến chúng tôi rất băn khoăn. Thí dụ y khoa bây giờ rất phát triển, có nhiều phương tiện điều trị tốt, bệnh nhân đến ở giai đoạn sớm nên bác sĩ có nhiều lựa chọn tốt cho người bệnh. Vậy mà người ta sợ quá, họ nói: ‘Thôi bị ung thư rồi, giữ lại là mai mốt chết, phải cắt bỏ hết’. Cuối cùng, những cố gắng của y khoa để giúp cho người bệnh nhưng vì họ sợ quá nên không làm. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu những thông tin chính thống, tài liệu đã được kiểm chứng về ung thư”.

 
 Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng
Chị Trương Thị Mỹ Dung (Đồng sáng lập Ruy Băng Tím) cho biết: Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân. Một số nghiên cứu chỉ ra ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới và đứng thứ 5 về tỷlệ tử vong trong các loại ung thư thường gặp ở Việt Nam, với trên 15.200 ca mắc mới/năm và trên 6.100 ca tử vong/năm. Bệnh ung thư vú có dấu hiệu trẻ hóa, gần đây đã phát hiện bệnh nhân dưới 20 tuổi mắc ung thư vú.
Đập tan “tin đồn” về ung thư
       
Cũng trong dịp này, ấn phẩm mới nhất và công phu nhất từ trước đến nay của nhóm Ruy Băng Tím đã ra mắt bạn đọc. Đó là bộ sách Ung thư: Tin đồn & Sự thật, gồm hai cuốn: Phòng ngừa ung thư - Thế nào mới đúng? Điều trị ung thư - Thực tại và tương lai (do Saigon Books và NXB Dân Trí phát hành). Trong cuốn sách này, nhóm Ruy Băng Tím đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp thiết thực nhằm “đập tan” tin đồn và cung cấp những sự thật về căn bệnh ung thư đến mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.