Trong chuyến công tác tại Nhật Bản mới đây, tôi đã gặp chị, cùng trò chuyện nhiều hơn về hành trình mang cuốn sách từng gây sốt ở Việt Nam sang Nhật và những điều thú vị sau đó.
“Tôi chắc chắn phải dịch”
Năm 2002, chị Izumi bắt đầu đọc được một số bài viết lẻ về các phần trong cuốn nhật ký của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đến năm 2005, cuốn nhật ký được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam xuất bản thành sách ở Việt Nam.
Chị Izumi thức nhiều đêm để đọc một mạch hết cuốn nhật ký đặc biệt, nước mắt nhiều lần rơi. Chị nhủ “mình chắc chắn phải dịch cuốn sách này”. Và thật trùng hợp, ngay sau đó Nhà xuất bản Keizaikai thông qua một công ty dịch thuật tìm kiếm người dịch cuốn sách qua tiếng Nhật. Chị Izumi được lựa chọn. Năm 2008, Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nhật có trên kệ các nhà sách ở đất nước mặt trời mọc. “Tôi dịch một mạch trong vòng đúng 1 tháng. Nhưng sau đó, biên tập, chỉnh sửa lại để cân đối giữa văn phong của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và văn hóa đọc quen thuộc của người Nhật thì mất 1 năm”, chị Izumi chia sẻ.
“Tôi đọc xong Nhật ký Đặng Thùy Trâm, không chỉ thấy buồn, thấy đau thương còn thấy như gặp được chính cô ấy ngoài đời. Nhật ký là để nói tiếng nói nội tâm của mình, không phải để người khác đọc, nhưng bây giờ mình đọc nhật ký của Trâm, mình đang được nhìn những bí mật của Trâm. Đặng Thùy Trâm viết chân thành, yêu thì nói yêu, ghét thì nói ghét. Nhưng dịch một cuốn nhật ký sang một ngôn ngữ khác thật không dễ. Nếu chọn cách màu mè, bay bổng, từ ngữ quá đẹp thì nó không còn thật là một cuốn nhật ký chiến trường. Nhưng nếu dịch quá sát nghĩa thì không hay. Tôi đã cố gắng tôn trọng vẻ đẹp ngôn từ mà bác sĩ - liệt sĩ đã sử dụng”, chị Izumi bộc bạch.
|
Duyên nợ với Việt Nam
Việt Nam, với chị Izumi là định mệnh, đó cũng là tình yêu, mà Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nhật chỉ là một minh chứng.
Năm 1989, chị Izumi Takahashi lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, đó đơn thuần là một chuyến đi du lịch. Năm 1993, chị trở lại Việt Nam và gắn bó suốt 4 năm sau đó, lần này với tư cách là sinh viên Khoa Tiếng Việt, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
“Tôi có nhiều sự lựa chọn, những quốc gia khác nhau để du học. Nhưng, có gì đó thôi thúc tôi phải trở lại Việt Nam. Giống như tình yêu vậy, bạn không biết vì sao, chỉ biết là định mệnh”, chị Izumi hồi tưởng. Tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam, chị Izumi về lại Nhật làm việc. Là lao động tự do, chị gắn bó với nhiều chương trình, hoạt động có sự hợp tác của hai chính phủ Việt Nam - Nhật Bản trong vai trò phiên dịch, điều phối viên. Một trong những tổ chức quen thuộc là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mà chị từng làm việc chung suốt từ năm 1997 đến nay. Năm 2002, chị khăn gói tới TP.HCM sống và làm việc, trong suốt 10 năm. Đó cũng chính là thời gian chị đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm và bị chinh phục.
Cuốn nhật ký nối duyên vợ chồng
Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách đầu tiên mà chị Izumi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Năm 2008, dân số đỉnh điểm của Nhật Bản đạt hơn 128 triệu người, nhưng những gì cuốn sách mang tới cho cộng đồng không dừng lại. Năm 2013, chị cùng Tổ chức Tsuyama (tổ chức phi lợi nhuận với nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam) gặp gỡ đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn phim Đừng đốt dựa theo nhật ký Đặng Thùy Trâm. Sau cuộc gặp này, 1.000 DVD phim Đừng đốt đã được phát miễn phí cho người dân Nhật, phần phụ đề tiếng Nhật do chị Izumi đảm trách. Sau đó một năm, chị Izumi cũng cùng Tổ chức Tsuyama trở về Việt Nam, tới thăm nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội. Mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ôm chầm lấy người đã dịch cuốn sách của con bà sang tiếng Nhật, nghẹn ngào: “Cô Izumi là người phụ nữ đầu tiên dịch sách ra tiếng nước ngoài, chắc chắn cô đã hiểu được tâm lý, tiếng nói của con gái tôi, tôi rất hạnh phúc”.
Người hạnh phúc, không chỉ có một. Ngay sau chuyến đi đó, chị Izumi đã tìm được mái ấm của riêng mình. Bạn trai chị, chính là người trong đoàn Tsuyama, người từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, và cùng đi với chị trong lần thăm nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm năm ấy.
Một phụ nữ Nhật rất Việt Nam
Nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thông thạo, nhưng ở chị Izumi, người ta còn thấy những nét “rất Việt Nam” ở cách chị dùng từ ngữ, hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Người phụ nữ biết nhạc Trịnh Công Sơn nhưng không xa lạ với ca sĩ Sơn Tùng M-TP, biết dí dỏm chơi chữ, rành ca dao tục ngữ Việt Nam và có thể kể cho mọi người nghe về ngôi trường cố Giáo sư Lương Định Của từng học tại Nhật Bản. Chị Izumi bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng trong quá trình kết nối hai quốc gia gần lại nhau hơn, những gì dịch giả làm rất quan trọng. Hơn cả cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm, hay tất cả những tài liệu mà tôi đã biên dịch, tôi muốn trở thành cây cầu để nối gần hơn Việt Nam - Nhật Bản, để kể cho người Nhật những điều tuyệt vời của Việt Nam và ngược lại”.
|
Bình luận (0)