Những con rối biết nói thật

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/08/2019 13:56 GMT+7

Một chiếc bàn gỗ, tấm vải đỏ được buộc phía sau, chúng tôi ngồi bệt trên sàn nhà với những hình vẽ trên bàn tay mình, chính thức là những con rối, bước lên sân khấu để nói chuyện với nhau.

Đó chính là Sân khấu nhỏ Ibsen, một dự án đang được thực hiện bởi chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung, tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM.

Con rối là… bút, giấy, ngón tay

Tiệm cà phê trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, TP.HCM, trong một tối giữa tuần mưa rả rích nhưng vẫn rất nhiều người trẻ chờ đợi để được chơi với những con rối. Người hướng dẫn đưa cho người chơi những cây bút để mọi người tự vẽ những gì mình chợt lóe lên trong đầu ra lòng bàn tay, đó cũng là nhân vật để chút nữa chúng tôi hóa thân. Một bạn trẻ vẽ hình mặt cười. Một bạn khác vẽ một bản nhạc. Bạn còn lại vẽ một ngôi nhà với các thành viên. Tất cả đều không biết trước kịch bản, mình sẽ nói chuyện gì, với ai, tất cả đều là ngẫu hứng, tự biên tự diễn.
Chiếc vải đỏ được căng lên làm phông nền sân khấu, các bàn tay nhảy múa trên chiếc bàn. “Tại sao bây giờ bạn mới về, bạn có biết cha mẹ chờ lâu lắm không?”, ngôi nhà hỏi. “Mình thích thì mình đi thôi”, mặt cười nói. Hai bên tranh cãi.
“Thôi đừng cãi nhau nữa, bật nhạc lên đi, hãy để âm nhạc xóa đi mọi nỗi buồn phiền trong các bạn”, bản nhạc nói. “Nhưng nhà mất điện rồi”. “Vậy hãy tự hát lên, âm nhạc ở trong mỗi chúng ta”. Phía dưới, những tràng pháo tay vang lên vì đoạn hội thoại thú vị quá.
Tới lượt chơi của một nhóm khác. “Ôi gió to quá, cứu tôi với cứu tôi với, có ai không?”, bông hoa trên bàn tay của Dung run rẩy. “Bạn ơi đừng sợ, mình ở đây, nằm nép xuống thật là thấp để không bị gió quật ngã”, hình cây đèn đường trên lòng bàn tay của bạn tên Mi lên tiếng.
“Làm sao để tớ có thể tung bay các hạt giống, như bồ công anh, để gieo sự sống muôn nơi?”. “Cứ dũng cảm, việc gì cũng có thể làm được”, đèn đường nói.
Vậy là với những con rối đơn giản, chúng tôi đã có những màn đối thoại tưởng giản đơn mà ẩn ý bao nhiêu triết lý cuộc sống.

Phút nói thật đánh động tâm trí mọi người

Chị Bảo Dung, người thực hiện dự án, cho hay chính những câu từ đơn giản, những phút nói thật, không hề tính toán trước của người chơi đã đánh động tâm trí mọi người, để họ nhận ra nhiều điều. Đó cũng chính là lý do để chơi với Sân khấu nhỏ Ibsen, chẳng cần chuẩn bị gì cả, chỉ là một cái đầu rỗng, vì “khi đó, bạn mới nói thật những gì mình nghĩ”.
Chị bộc bạch: “Khi đưa dự án tới một lớp học tình thương ở Q.8, chúng tôi để tụi nhỏ chơi với rối, nói với nhau xem cách nào để làm sạch rác ngoài biển, mỗi em góp một ý kiến, con rối của một cậu nhóc nói lớn: “Mình phải làm sạch cái gầm giường của mình”. Tôi giật mình liền, đúng là như vậy, hãy làm thật tốt những gì gần gũi ngay bên mình, trước khi làm những việc xa xôi. Ngay hôm sau, tôi gọi các cháu của mình lại, cùng chơi trò chơi tương tác và lắng nghe nhau nói thật. Ai cũng có thể tự làm con rối, từ chiếc bút, vỏ hộp bánh, giấy vụn, hay chính ngón tay của mình. Sân khấu có thể là chiếc bàn, chiếc ghế, cái hộp. Bạn có thể tự chơi với con nhỏ và các thành viên khác trong gia đình mình. Mỗi người đều có một cái gầm giường, hãy yêu thương nó trước khi quá muộn”.
Chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung sẽ không quên được thời điểm là sinh viên cuối năm nhất khi chị có dấu hiệu bị trầm cảm. Nhưng chỉ sau 2 buổi được trò chuyện cùng các bác sĩ tâm lý, trầm cảm tự nhiên hết. Chị hiểu ra rằng nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh khi người ta không được nói, không được chia sẻ với mọi người.
Từ tháng 4.2019, dự án thực hiện tại Thái Lan, sau đó là TP.HCM và nhiều tỉnh thành của Việt Nam, chị Bảo Dung cho biết mong muốn của chị là từ dự án này con người được kết nối với chính mình và với người khác, có những phút thoải mái được nói thật lòng mình.
Mỗi buổi chơi trò này trong khoảng 2 - 3 tiếng, ngoài phần để mọi người là những nhân vật trong sân khấu tương tác với nhau, cũng sẽ có các trò chơi khác để học về tinh thần làm việc nhóm, tinh thần dũng cảm đối đầu với khó khăn. Toàn bộ hoạt động của dự án đều không lợi nhuận, mỗi người chơi đều tùy tâm đóng góp sau cuối chương trình, để cùng chia sẻ với những người tổ chức và mang dự án tới nhiều người hơn nữa…

Ý kiến

Em đã khóc khi tới cuối buổi chơi, chị Dung hỏi em nhìn lại được điều gì từ chính mình, em hiểu ra rằng mình phải biết yêu thương chính mình hơn nữa, đừng quá lo lắng, sống với cảm xúc của người khác.

Triệu Thúy Mi (Tình nguyện viên các dự án cộng đồng tại TP.HCM)

Mỗi trò chơi của Sân khấu nhỏ Ibsen đều giúp em ngẫm được nhiều bài học. Em yêu âm nhạc và âm nhạc là một phần của cuộc sống, những gì con rối nói cũng là suy nghĩ từ sâu trong lòng em, mỗi người ai cũng có thể tự viết nên bản nhạc của đời mình.

Trần Quang Duy (Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
Sân khấu thường khiến người ta nghĩ tới kịch bản, sự “diễn”, nhưng với những con rối của Sân khấu nhỏ Ibsen, người ta sẽ mượn chúng để nói thật điều mình trăn trở. Con rối giúp mọi người kết nối và hiểu nhau hơn.
Nguyễn Ngọc Anh (Sinh viên Trường ĐH Lao động xã hội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.